Bài báo được đăng trên Sức khỏe & Đời sống (SK&ĐS) (26/05/2016) làm dấy lên những lo ngại về sữa thông qua việc cân bằng giữa mặt lợi và mặt hại của sữa. Trong bài viết này chúng tôi phân tích liệu sữa bò có phải là nguyên nhân gây dậy thì sớm ở trẻ hay không.
Bài viết trên báo SK&ĐS chỉ đưa ra một dẫn chứng về mối liên hệ giữa sữa và dậy thì sớm ở trẻ, đó là một nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ NHANES (Khảo sát Nghiên cứu về Sức khỏe và Dinh dưỡng Quốc gia Hoa Kỳ). Tuy nhiên, bài báo của SK&ĐS không hề nói tới mối liên hệ này mạnh hay yếu, độ tin cậy cao hay thấp.
Thực tế là nghiên cứu này chỉ dựa trên câu hỏi khảo sát của NHANES cho những phụ nữ ở hai nhóm độ tuổi 9-12 và 20-49 về mức độ uống sữa của họ khi còn nhỏ và thời gian dậy thì của họ. Chưa kể đến tính chính xác của câu trả lời (do tùy ký ức về việc uống sữa của các đối tượng khảo sát), nghiên cứu này không mang tính định lượng về hàm lượng sữa chính xác dùng mỗi ngày và cũng đã bỏ qua những yếu tố khác có ảnh hưởng rất lớn đến dậy thì sớm. Ngoài ra, thực tế là kết quả của nghiên cứu này cho biết không có sự khác biệt trong nhóm 20+. Còn trong nhóm 12+, nhóm dùng sữa trung bình có nguy cơ có tuổi dậy sớm thấp hơn một ít (marginally lower) so với nhóm dùng sữa nhiều. Hay nói cách khác, mối liên hệ giữa sữa và dậy thì sớm là không chắc chắn.
Khi xã hội ngày càng phát triển thì cũng gây ra một số hệ quả, bao gồm cả vấn đề dậy thì sớm. Sau đây chúng tôi xin liệt kê một số nguyên nhân chính có thể có đóng góp gây ra dậy thì sớm ở trẻ (không tính đến các yếu tố khách quan như di truyền, chủng tộc, giới tính).
Yếu tố dinh dưỡng
Trẻ sinh trưởng nhanh: Một chế độ dinh dưỡng quá đầy đủ có thể làm trẻ dậy thì sớm hơn vì trẻ cần phải đạt đến một trọng lượng nhất định để bắt đầu dậy thì.
Béo phì: Trẻ béo phì có nguy cơ dậy thì sớm hơn. Cơ chế có thể là do mô mỡ có thể tích trữ những hợp chất có liên quan đến kích thích dậy thì như là leptin hoặc IGF-1.
Chế độ ăn uống không cân bằng: trẻ ăn nhiều chất bột đường và chất béo (từ thức ăn nhanh, bánh kẹo, đồ uống có gas) và thiếu vi chất dinh dưỡng (tức là thiếu những chất dinh dưỡng thiết yếu như vitamin và khoáng chất) có nguy cơ dậy thì sớm hơn.
Đạm động vật: một số lo lắng cho rằng đạm động vật, đặc biệt là thịt đỏ, có liên quan với dậy thì sớm. Tuy nhiên, mối liên hệ này chưa chắc chắn và có rất ít nghiên cứu về chủ đề này. Hiện chưa có nghiên cứu lâm sàng kiểm chứng. Bạn có thể đọc thêm bài Cách đánh giá độ tin cậy của thông tin khoa học để hiểu thêm về độ tin cậy của các loại nghiên cứu khác nhau.
Chẳng hạn, một nghiên cứu thuần tập từ 3.298 bé gái cho thấy những bé ăn nhiều đạm động vật lúc 3 và 7 tuổi thì có tỉ lệ dậy thì xét lúc 12 tuổi rưỡi cao hơn so với bé ăn ít đạm động vật. Tuy nhiên, lượng động vật ăn lúc 10 tuổi thì lại không có ảnh hưởng.
Trong một nghiên cứu thuần tập khác giữa 456 bé gái, các bé tiêu thụ thịt đỏ 2 lần mỗi ngày có tỉ lệ dậy thì sớm cao hơn so với bé gái ăn thịt đỏ ít hơn 4 lần mỗi tuần. Nhưng ăn cá mòi/cá ngừ ít nhất một lần mỗi tuần lại có tuổi dậy thì chậm hơn đáng kể so với các bé gái không ăn cá hoặc ăn ít hơn một lần mỗi tuần. Không có sự khác biệt trong các nhóm đạm động vật khác.
Trong một nghiên cứu khác, đạm động vật được cho là gây ra dậy thì sớm còn đạm thực vật giúp làm chậm tuổi dậy thì (khoảng 6 tháng). Tuy nhiên, kích thước mẫu nghiên cứu chỉ có 92 bé gái.
Lời nhắn gởi: Khi nói tới dinh dưỡng, không phải sữa hay đạm động vật là nguyên nhân gây ra dậy thì sớm ở trẻ mà là một chế độ ăn uống không cân bằng và không theo khuyến cáo. Lưu ý, ăn nhiều đạm động vật hoặc uống quá nhiều sữa cũng được coi là dinh dưỡng không cân bằng.
Một số yếu tố phi dinh dưỡng
Một số yếu tố phi dinh dưỡng được nghiên cứu cho thấy có thể có liên quan đến tuổi dậy thì:
- Thiếu vận động thể chất có thể làm giảm hàm lượng melatonin ảnh hưởng đến tín hiệu trong não làm kích thích sự dậy thì.
- Những chất ô nhiễm môi trường như thuốc trừ sâu, nhựa, hợp chất BPA và phthalate, hợp chất PCB đều góp phần gây ra sự dậy thì sớm ở trẻ.
- Bé gái từ gia đình có địa vị xã hội cao hơn có thể có tuổi dậy thì sớm hơn.
- Bé gái từ gia đình có cha mẹ học thức cao hơn có thể có tuổi dậy thì sớm hơn.
- Bé gái sống trong môi trường thành thị thường có tuổi dậy thì sớm hơn bé gái sống ở nông thôn.
- Những bé gái sống thiếu cha, sống chung với anh cùng mẹ khác cha có thể có tuổi dậy thì sớm hơn; còn những bé gái có chị gái thường có tuổi dậy thì trễ hơn.
Lời tổng kết
Như vậy, xét về yếu tố thực phẩm thì không đủ cơ sở để nhận định sữa là nguyên nhân gây ra dậy thì sớm ở trẻ. Nguyên nhân chủ yếu đã được khoa học chứng minh chính là một chế độ ăn uống kém lành mạnh và không cân bằng. (Lưu ý: nếu trẻ uống quá nhiều sữa thì đây vẫn bị coi là một chế độ ăn uống không cân bằng).
Ngoài ra, tuổi dậy thì còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội của gia đình cũng như các yếu tố môi trường.
Tài liệu tham khảo
http://suckhoedoisong.vn/he-mo-su-that-khong-ngo-vesua-n117140.html https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3038976/ http://www.naturalhealth365.com/puberty-in-girls-menstruation-1719.html http://www.livescience.com/1824-truth-early-puberty.html http://www.annualreviews.org/doi/full/10.1146/annurev-publhealth-031914-122606?url_ver=Z39.88-2003&rfr_id=ori%3Arid%3Acrossref.org&rfr_dat=cr_pub%3Dpubmed& https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2958977/#B53