Nội dung chính
Kết quả từ một nghiên cứu về sức khỏe tại Hoa Kỳ cho biết so với việc giảm lượng carbohydrate (đường, tinh bột) thì việc giảm chất béo trong các bữa ăn giúp bạn giảm cân tốt hơn.
Các nhà khoa học đã phân tích chi tiết những người có chế độ ăn được kiểm soát chặt chẽ bằng cách kiểm tra từng mẫu thức ăn, từng phút tập thể dục và từng hơi thở. Theo kết quả phân tích của Viện Sức khỏe quốc gia (Hoa Kỳ) cả hai chế độ ăn đều dẫn đến việc giảm béo khi lượng calo đã được cắt giảm. Tuy nhiên, những người ăn ít chất béo giảm được nhiều mỡ trong cơ thể hơn. Các chuyên gia cho rằng chế độ ăn kiêng hiệu quả nhất là chế độ mà cơ thể thích nghi lâu dài.
Các quá trình hóa học
Đã có những ý kiến cho rằng hạn chế carbohydrate là cách tốt nhất để loại bỏ lượng mỡ thừa vì nó làm thay đổi quá trình trao đổi chất của cơ thể. Về mặt lý thuyết giảm lượng carbohydrate sẽ làm giảm hàm lượng insulin, từ đó dẫn đến việc chất béo được giải phóng khỏi các mô mỡ.
“Tất cả những điều này diễn ra khi giảm carbohydrate và nó giúp làm giảm lượng mỡ trong cơ thể bạn, nhưng không nhiều như khi bạn cắt giảm các loại dầu mỡ trong bữa ăn”, trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Kevin Hall từ Viện Tiểu đường, Hệ tiêu hóa và Bệnh thận (thuộc Viện Sức khỏe Quốc gia, Hoa Kỳ) cho biết.
Trong nghiên cứu này, ban đầu 19 người mắc bệnh béo phì được cung cấp lượng thực phẩm tương đương với 2.700 calo một ngày. Sau đó, trong khoảng thời gian hai tuần, họ sử dụng chế độ ăn kiêng với lượng calo bị cắt giảm một phần ba, bằng cách giảm carbohydrate hoặc giảm chất béo. Nhóm nghiên cứu đã phân tích lượng oxy và carbon dioxide (CO2) thở ra và lượng nitơ trong nước tiểu của những người này để tính toán chính xác các quá trình hóa học diễn ra bên trong cơ thể.
Các kết quả được công bố trên tạp chí Cell Metabolism cho thấy sau sáu ngày áp dụng chế độ ăn mới, tính trung bình những người giảm ăn chất béo mất đi 463 gram mỡ trong cơ thể – nhiều hơn 80% so với những người giảm carbohydrate, có khối lượng mỡ giảm trung bình là 245 gram. Như vậy, Tiến sĩ Hall cho rằng “không có bằng chứng về mặt chuyển hóa trong cơ thể khi bạn chọn chế độ ăn kiêng hạn chế carbohydrate nhằm mục đích giảm cân.”
Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy rằng trong thực tế, khi chế độ ăn không được kiểm soát chặt chẽ, bạn có thể giảm cân bằng cách giảm lượng carbohydrate. Tiến sĩ Hall khuyến cáo mỗi người nên chọn chế độ ăn kiêng mà bản thân có thể thích nghi lâu dài. Nhưng nếu có thể áp dụng chế độ ăn ít chất béo sẽ giúp bạn giảm cân hiệu quả hơn.
Sự thật về chế độ ăn hạn chế carbohydrate
Tiến sĩ Susan Roberts và Tiến sĩ Sai Das từ Đại học Tufts cho biết trong một bình luận rằng các cuộc tranh luận xung quanh chế độ ăn kiêng gây ra những tranh cãi dữ dội. Và nghiên cứu này đã “vạch trần” nhiều tuyên bố cho rằng chế độ ăn ít carbohydrate tốt hơn cho cơ thể là không chính xác. Tuy nhiên, tác động lâu dài của những chế độ ăn kiêng này vẫn còn chưa rõ ràng.
Họ cũng cho rằng thông điệp quan trọng nhất hiện nay là khẳng định ưu điểm của một số loại carbohydrate, đặc biệt là từ các loại ngũ cốc nguyên hạt có chỉ số glycemic thấp (glycemic index là chỉ số của một loại thực phẩm nhất định thể hiện mức độ ảnh hưởng của loại thực phẩm đó lên lượng glucose trong máu. Điều này rất quan trọng với cơ thể, đặc biệt là đối với các bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường. Một loại thực phẩm có chỉ số glycemic thấp đồng nghĩa với việc nó ít gây ra sự biến động về đường huyết. Ví dụ như bánh mì được làm từ lúa mì nguyên hạt, không qua nghiền vỏ có chỉ số glycemic thấp hơn so với bành mì làm từ bột mì đã qua nghiền vỏ).
Giáo sư Susan Jebb từ Đại học Oxford, cho biết: “Các nghiên cứu đã đúng khi kết luận rằng chế độ ăn uống tốt nhất để giảm cân là chế độ mà bạn có thể thích nghi và áp dụng lâu dài. Tất cả các chế độ ăn kiêng đều phát huy hiệu quả nếu bạn gắn bó khẩu phần ăn cắt giảm calo, cho dù từ việc giảm chất béo hoặc carbohydrate. Tuy nhiên, việc gắn bó lâu dài với một chế độ ăn kiêng nói thì dễ hơn làm, đặc biệt là cần thực hiện trong thời gian dài nhằm mục đích giảm cân”.
Tài liệu tham khảo
http://www.bbc.com/news/health-33905745
http://www.cell.com/cell-metabolism/abstract/S1550-4131(15)00350-2