Nội dung chính
Chiếu xạ thực phẩm là gì?
Chiếu xạ thực phẩm là một công nghệ để kiểm soát sự hư hỏng và loại bỏ các mầm bệnh từ thực phẩm. Kết quả của phương pháp chiếu xạ thực phẩm cũng tương tự như thanh trùng. Sự khác biệt cơ bản giữa chiếu xạ và thanh trùng chính là nguồn năng lượng được sử dụng để tiêu diệt các vi sinh vật: thanh trùng thông thường dựa vào nhiệt, còn chiếu xạ thì dựa vào năng lượng của bức xạ ion hóa.
Chiếu xạ thực phẩm là một quá trình trong đó thực phẩm được tiếp xúc với năng lượng bức xạ, bao gồm các tia gamma, tia electron, và x-quang. Năm 1963, tại Mỹ, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã phát hiện rằng phương pháp chiếu xạ thực phẩm là an toàn. Chiếu xạ sản phẩm thịt và gia cầm được thực hiện tại những cơ sở chiếu xạ được chính phủ Mỹ chứng nhận. Chiếu xạ không phải là một biện pháp thay thế cho quá trình vệ sinh kiểm soát chất lượng trong các nhà máy thịt và gia cầm, mà chỉ là một biện pháp bổ sung cho các phương pháp khác để đảm bảo an toàn thực phẩm.
Thực phẩm được chiếu xạ có an toàn không?
Có, thực phẩm được chiếu xạ là an toàn cho người sử dụng. Chiếu xạ làm cho sản phẩm thịt và gia cầm an toàn hơn bằng cách giảm số lượng vi khuẩn có hại và ký sinh trùng.
Chiếu xạ thực phẩm không làm cho thực phẩm nhiễm phóng xạ. Chỉ có năng lượng bức xạ chiếu qua thực phẩm, còn thực phẩm không hề tiếp xúc trực tiếp với nguồn phóng xạ. Thực phẩm chiếu xạ là bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe. Tổn thất chất dinh dưỡng gây ra bởi chiếu xạ là ít hơn hoặc tương đương với tổn thất do nấu và đông lạnh thực phẩm.
Các cơ quan y tế cộng đồng trên toàn thế giới đã đánh giá mức độ an toàn của thực phẩm chiếu xạ trong 50 năm qua và thấy rằng nó an toàn. Có hơn 40 sản phẩm thực phẩm được chiếu xạ ở 37 quốc gia trên thế giới. Ở một số nước châu Âu, chiếu xạ đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ qua.
Ở Mỹ, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (Food and Drug Administration – FDA) quản lý việc sử dụng chiếu xạ cho thực phẩm. Ngoài ra, chiếu xạ thực phẩm đã được Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (American Medical Association – AMA), Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization – WHO) và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (International Atomic Energy Agency – IAEA) chính thức công nhận.
Thực phẩm chiếu xạ: Ứng dụng trong thực tế
Chiếu xạ thực phẩm có thể thực hiện bằng cách sử dụng liều lượng thấp, trung bình, hoặc cao. Liều thấp (<2 kGy) được sử dụng để làm chậm quá trình nảy mầm của các loại rau và chậm quá trình chín của các loại trái cây; liều trung bình (từ 1 đến 10 kGy) được sử dụng để làm giảm lượng sinh vật gây bệnh, giống như thanh trùng; và liều cao (> 10 kGy) được sử dụng để đạt đến mức vô trùng của sản phẩm. Một bài báo cáo nói rằng trong 37 quốc gia phê chuẩn việc sử dụng một hoặc nhiều sản phẩm thực phẩm chiếu xạ cho con người, 25 quốc gia đã hương mại hóa quá trình chiếu xạ.
Vì bệnh do thực phẩm gây ra đang gia tăng trên toàn thế giới và những nỗ lực để kiểm soát chúng vẫn chưa thành công, WHO cho rằng chiếu xạ thực phẩm có vai trò quan trọng hướng tới việc đảm bảo an toàn thực phẩm và giảm tổn thất thực phẩm. Chiếu xạ có thể là một biện pháp kiểm soát hữu ích trong việc sản xuất một số loại thực phẩm tươi sống hoặc sản phẩm chỉ qua sơ chế như thịt gia cầm, thịt và sản phẩm từ thịt, cá, hải sản, các loại trái cây và rau quả. Nước Mỹ là một minh chứng cụ thể cho sự gia tăng của những ứng dụng chiếu xạ thực phẩm được Nhà nước phê duyệt. Ví dụ như năm 1997, FDA chấp thuận việc sử dụng chiếu xạ cho thịt và sản phẩm thịt đỏ chưa qua chế biến. Năm 1999, Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ (U.S. Department of Agriculture – USDA) phê duyệt các trang thiết bị tại nhà máy chiếu xạ. Danh sách thực phẩm chiếu xạ để kiểm soát mầm bệnh được FDA phê chuẩn gần đây đã được sửa đổi bổ sung bao gồm trứng tươi và hạt nảy mầm.
Công nghệ này đang tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm để đưa vào sử dụng rộng rãi. Điển hình là kiến nghị đang được xem xét của Liên minh Thực phẩm Chiếu xạ (Food Irradiation Coalition) yêu cầu sửa đổi liều lượng chiếu xạ cho nhiều loại thức ăn của con người lên tối đa là 4,5 kGy cho sản phẩm không đông lạnh và sản phẩm ướt, và 10,0 kGy cho các sản phẩm đông lạnh hoặc sản phẩm khô.
Tài liệu tham khảo:
http://www.fsis.usda.gov/wps/portal/fsis/topics/food-safety-education/get-answers/food-safety-fact-sheets/production-and-inspection/irradiation-and-food-safety/irradiation-food-safety-faq
http://www.fda.gov/