Tóm tắt: Theo như một nghiên cứu mới đây, chế độ ăn uống nhiều dầu đậu nành có nguy cơ gây béo phì và tiểu đường cao hơn so với chế độ ăn có nhiều đường fructose – một loại đường thường thấy trong nước giải khát và thực phẩm đã qua chế biến. Tại Hoa Kỳ, lượng tiêu thụ dầu đậu nành tăng mạnh trong 4 thập kỉ qua do nhiều yếu tố – bao gồm cả kết quả của các nghiên cứu từ những năm 60 thể hiện mối tương quan giữa axit béo bão hòa và nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Các nhà nghiên cứu đã cho những con chuột đực ăn bốn chế độ ăn cùng chứa 40% chất béo – tương đương với những gì người Mỹ đang tiêu thụ. Trong chế độ ăn thứ nhất, họ dùng dầu dừa là loại dầu chủ yếu chứa chất béo bão hòa. Trong chế độ ăn thứ hai, họ rút bớt một nửa dầu dừa và thay vào đó bằng dầu đậu nành – chứa chủ yếu là chất béo không bão hòa đa, đồng thời cũng là thành phần chính trong dầu thực vật.Chế độ ăn này có sự tương đồng khá lớn về hàm lượng dầu đậu nành mà người Mỹ đang tiêu thụ.
Trong hai chế độ ăn còn lại, các nhà khoa học đã thêm đường fructose vào phần ăn tương đương với lượng đường nhiều người Mỹ tiêu thụ. Cả 4 chế độ ăn được đưa ra thử nghiệm đều có lượng calo như nhau, ngoài ra lượng đồ ăn được được các con chuột tiêu thụ cũng không có sự chênh lệch đáng kể. Vì vậy, những nhà nghiên cứu gia đã tìm hiểu được ảnh hưởng của các loại dầu khác nhau cùng với đường fructose trong điều kiện lượng calo thu nạp vào cơ thể là không đổi.
So với chế độ ăn chứa nhiều dầu dừa thì những con chuột tiêu thụ nhiều dầu đậu nành có tốc độ tăng cân nhanh hơn, lượng mỡ tích tụ nhiều hơn, gan nhiễm mỡ cùng nhiều dấu hiệu thương tích, thậm chí cả tiểu đường và kháng insulin, tất cả đều là dấu hiệu của Hội chứng chuyển hóa. Lượng đường fructose trong chế độ ăn thể hiện hiệu ứng chuyển hóa không mạnh mẽ như dầu đậu nành mặc dù nó cũng gây nhiều ảnh hưởng không tốt đến thận và gây ra sự tiến triển đáng lưu tâm của bệnh sa trực tràng – một triệu chứng của bệnh viêm đường ruột (IBD), khá giống với béo phì ở giai đoạn đầu.
Những con chuột với chế độ ăn giàu dầu đậu nành tăng đến 25% khối lượng cơ thể so với những con ăn theo chế độ chứa nhiều dầu dừa và 9% khối lượng cơ thể so với những con ăn thức ăn chứa nhiều đường fructose. Còn những con chuột ăn nhiều đường fructose thì tăng cân thêm 12% so với con ăn nhiều dầu dừa.
Poonamjot Deol phát biểu: “Đây quả là một bất ngờ lớn đối với chúng tôi khi dầu đậu nành lại có khả năng gây nên béo phì và tiểu đường cao hơn so với đường fructose, nhất là khi bạn thường xuyên thấy những tựa báo nói về vai trò tiềm ẩn của việc tiêu thụ đường đếnvấn nạn béo phì hiện nay” -. Poonamjot Deol là một trợ lí dự án khoa học làm việc trong phòng thí nghiệm của giáo sư Frances M. Sladek – một giáo sư về sinh học tế bào và khoa học thần kinh.
Bài báo mô tả nghiên cứu này với tiêu đề “Dầu đậu nành gây béo phì và tiểu đường trên loài chuột nhiều hơn dầu dừa và đường fructose: mối nguy hiểm tiềm ẩn cho lá gan” – được xuất bản trên tạp chí PLOS ONE ngày 22 tháng 7 năm 2015.
Theo như một nghiên cứu mới đây, chế độ ăn uống xuất hiện nhiều dầu đậu nành có nguy cơ gây béo phì và tiểu đường cao hơn so với bữa ăn có đường fructose – một loại đường dễ tìm thấy trong nước giải khát và thực phẩm đã qua chế biến. Tại Hoa Kỳ, lượng tiêu thụ dầu đậu nành tăng mạnh trong 4 thập kỉ qua do nhiều yếu tố – bao gồm cả kết quả của các nghiên cứu từ những năm 60 thể hiện mối tương quan giữa axit béo bão hòa và nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Kết quả của những nghiên cứu này là nhiều hướng dẫn về dinh dưỡng được phát hành khuyến khích mọi người nên giảm lượng chất béo bão hòa nạp vào cơ thể – chất béo hay có trong thịt và các sản phẩm từ sữa, đồng thời gia tăng lượng a-xít béo không bão hòa – hiện diện trong dầu thực vật, ví dụ như dầu đậu nành.
Việc áp dụng những hướng dẫn mới này cùng với sự tăng sản lượng đậu nành ở Hoa Kỳ đã dẫn đến lượng tiêu thụ dầu đậu nành tăng một cách rõ rệt. Dầu đậu nành được dùng để trong các thực phẩm chế biến, bơ thực vật, nước sốt trộn rau và một vài loại thức ăn nhanh. Hiện nay thì dầu đậu nành chiếm 60% tổng lượng dầu ăn được tiêu thụ tại Hoa Kỳ. Sự tăng trưởng lượng tiêu thụ dầu đậu nành phản ánh sự gia tăng tỉ lệ béo phì ở Hoa Kỳ trong vài thập kỷ gần đây.
Cùng khoảng thời gian đó, lượng đường fructose tiêu thụ ở Mỹ cũng tăng đáng kể, từ khoảng 37 gram một ngày vào năm 1977 tăng đến 49 gram một ngày vào năm 2004.
Công trình nghiên cứu được đăng trên bài báo này được cho là bài báo đầu tiên so sánh trực tiếp ảnh hưởng của chất béo bão hòa, chất béo không bão hòa và đường fructose đến bệnh béo phì, tiểu đường, kháng insulin và bệnh gan nhiễm mỡ không do cồn – những loại bệnh cùng với bệnh tim và tăng huyết áp là những triệu chứng được gọi chung là Hội chứng chuyển hóa (Metabolic Syndrome).Nghiên cứu trong bài báo này cũng bao gồm những phân tích kĩ lưỡng về sự thay đổi biểu hiện gen và nồng độ của các chất chuyển hóa trong lá gan của những con chuột được cho ăn theo bốn chế độ kể trên. Kết quả gây bất ngờ nhất chính là dầu đậu nành có sự ảnh hưởng đáng kể đến biểu hiện của nhiều loại gen vốn có vai trò chuyển hóa thuốc và các hợp chất thu nạp vào cơ thể. Phát hiện này cho thấy rằng chế độ ăn giàu dầu đậu nành có thể ảnh hưởng đến khả năng phản ứng với thuốc cũng như chất độc từ môi trường của cơ thể, nếu con người cũng có phản ứng như loài chuột.
Những nhà nghiên cứu ở UC Riverside cũng tiến hành thí nghiệm với dầu ngô (dầu bắp) và thấy rằng dầu này gây béo phì nhiều hơn dầu dừa nhưng ít hơn dầu đậu nành. Họ cũng đang thí nghiệm với mỡ heo và dầu ô-liu. Tuy nhiên họ chưa tiến hành trên dầu hạt cải và dầu cọ.
Các nhà khoa học cũng lưu ý rằng họ chưa nghiên cứu tác động của các chế độ ăn uống này đối với bệnh tim mạch và ghi chú trong bài báo rằng việc sử dụng dầu thực vật có thể có lợi cho sức khỏe tim mạch, mặc dù nó cũng gây ra béo phì và tiểu đường.
Họ đồng thời nhấn mạnh rằng có rất nhiều loại chất béo bão hòa và chất béo không bão hòa khác nhau. Điều này đúng đối với chất béo bão hòa có trong những sản phẩm từ động vật mà có liên quan đến bệnh tim trong những thí nghiệm từ những năm 60: chất béo bão hòa từ động vật thường có mạch dài hơn so với chất béo bão hòa trong dầu dừa.
Bài báo này có liên quan đến những kết quản thí nghiệm được xuất bản trước đó bởi các nhà khoa học làm việc trong phòng thí nghiệm của giáo sư Sladek và tại Trung tâm West Coast Metabolomics của trường Đại học UC Davis: nghiên cứu so sánh dầu đậu nành thường với dầu đậu nành biến đổi gen.
Những công trình nghiên cứu này đã được trình bày tại một hội nghị vào tháng 3/2015 và kết luận được đưa ra loại là dầu đậu nành biến đổi di truyền có hàm lượng oleic cao (Plenish) có hàm lượng axit béo bão hòa đa thấp hơn so với dầu đậu nành thường nên tốt hơn cho sức khỏe nhưng không đáng kể lắm. Khi thí nghiệm trên loài chuột, những nhà khoa học cho biết dầu Plenish cũng gây ra bệnh gan nhiễm mỡ cho dù nó ít gây ra béo phì và tiểu đường hơn. Tuy vậy điều quan trọng là dầu Plenish không gây ra hiện tượng kháng insulin – điều kiện đầu tiên gây ra tiểu đường. Cần phải ghi nhớ rằng cả dầu đậu nành thông thường và dầu Plenish đều làm ra từ hạt đậu nành đã qua biến đổi di truyền để trở nên miễn nhiễm với thuốc diệt cỏ RoundUp.
Tài liệu tham khảo
http://www.sciencedaily.com/releases/2015/07/150722144640.htm