Thứ Sáu, 26/05/2023
Kết quả nghiên cứu mới Thực phẩm và bệnh Tiêu thụ quá nhiều fructose trong khi mang thai làm tăng nguy cơ bệnh tim của trẻ

Tiêu thụ quá nhiều fructose trong khi mang thai làm tăng nguy cơ bệnh tim của trẻ

 

Bản gốc: Báo Sciencedaily, ngày 20/04/2016

Nguồn thông tin: Đại học Texas, Chi nhánh khoa Y tại Galveston (University of Texas Medical Branch at Galveston- UTMB)

Tóm lược: Theo các nhà nghiên cứu, tác động tiêu cực của việc tiêu thụ một lượng lớn fructose có thể ảnh hưởng đến nhiều thế hệ. Nghiên cứu cho thấy rằng khi những con chuột mang thai dùng thức uống có chất tạo ngọt là fructose, một chất tạo ngọt phổ biến trong các loại thực phẩm và đồ uống, con của chúng có nguy cơ bị bệnh tim cao hơn so với những con chuột chỉ uống nước trong suốt thai kỳ.

Các nghiên cứu tại Chi nhánh khoa Y, trường Đại học Texas (UTMB), cho thấy rằng khi những con chuột mang thai chỉ dùng thức uống với chất tạo ngọt fructose, một chất tạo ngọt phổ biến trong các loại thực phẩm và đồ uống, con cái của chúng có nguy cơ đối với bệnh tim cao hơn so với những con chuột chỉ uống nước trong suốt thai kỳ. Những phát hiện này đã được công bố gần đây trong tạp chí American Journal of Obstetrics and Gynecology.

Nghiên cứu này có sức ảnh hưởng đến mọi người trên toàn thế giới vì phần lớn các thực phẩm chế biến và đồ uống có ga đều chứa sirô giàu fructose và các chất tạo ngọt khác có fructose. Các nghiên cứu gần đây đã củng cố thêm bằng chứng về mối liên hệ giữa việc tiêu thụ fructose và sự gia tăng tỷ lệ bệnh tim mạch, béo phì và bệnh tiểu đường loại 2.

Trong nghiên cứu UTMB, các nhà khoa học đã nghiên cứu mức tiêu thụ fructose cao của chuột mẹ trong suốt thai kỳ có tác động lên các chuột con khi chúng trưởng thành như thế nào.

7.b.18
Nguồn ảnh: https://s-media-cache-ak0.pinimg.com

Trong suốt thai kỳ, các nhà nghiên cứu đã cho những con chuột mang thai hoặc chỉ uống nước hoặc dùng thức uống chứa 10% fructose, mô phỏng theo hàm lượng fructose có trong hầu hết các loại nước giải khát. Ngoài ra, chế độ ăn cho 2 nhóm chuột mẹ, nhóm uống nước và nhóm dùng thức uống chứa fructose, là như nhau. Sau khi cai sữa, các chuột con được cung cấp nước và một chế độ ăn uống bình thường của chuột. Kết quả được ghi nhận sau một năm. Một năm được coi là giai đoạn trung niên cho những con chuột vì tuổi thọ của chúng kéo dài khoảng hai năm.

Antonio Saad, một thành viên trong nghiên cứu tại UTMB về lĩnh vực  Y học cho Phụ nữ Mang thai, cùng các đồng nghiệp đã đo phần trăm của các mô mỡ bụng và mỡ trong gan bằng cách sử dụng hình chụp cắt lớp CT hoặc chụp quét. Họ đã tiến hành xét nghiệm máu để đo nồng độ glucose, insulin, cholesterol tổng, triglyceride và leptin, một hormone do các tế bào chất béo tạo ra giúp điều chỉnh cân bằng năng lượng bằng việc kiểm soát cơn đói.

Họ phát hiện ra rằng cả chuột con cái và đực trong nhóm chuột mẹ dùng thức uống chứa fructose có nồng độ glucose và huyết áp cao hơn. Chuột con cái được sinh ra thuộc nhóm tiêu thụ fructose cũng nặng hơn và có tỷ lệ mô mỡ bụng, mỡ trong gan và tình trạng kháng insulin cao hơn, đồng thời nồng độ leptin thấp hơn so với nhóm chỉ dùng nước. Không có con chuột nào cho thấy có sự khác biệt về nồng độ cholesterol tổng hoặc triglyceride, bất kể giới tính hoặc nhóm chuột thí nghiệm nào.

“Chúng tôi nhận thấy rằng khi người mẹ nạp một lượng lớn fructose trong chế độ ăn uống trong suốt thời kỳ mang thai, con của cô ấy khi trưởng thành có nhiều nguy cơ phát triển bệnh béo phì, bệnh cao huyết áp và rối loạn chức năng trao đổi chất, tất cả đều là những yếu tố nguy cơ đối với bệnh tim mạch”, Saad cho biết . “Tác động này rõ rệt hơn ở chuột con cái. Do đó, việc hạn chế ăn các loại thực phẩm và đồ uống giàu fructose khi mang thai có thể có một ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tương lai của đứa trẻ.”

Tài liệu tham khảo:

https://www.sciencedaily.com/releases/2016/04/160420120559.htm