Thứ Tư, 27/11/2024
Bảo quản thực phẩm Giải thích về liều lượng tham khảo trên nhãn thực phẩm

Giải thích về liều lượng tham khảo trên nhãn thực phẩm

Bài viết thứ 1 trong 1 bài thuộc ebook Nhãn thực phẩm
 

Bạn sẽ tìm thấy thông tin về liều lượng tham khảo trên nhãn thực phẩm. Đây là những hướng dẫn hữu ích dựa trên con số ước lượng gần đúng về nhu cầu các chất dinh dưỡng và năng lượng bạn cần cho một chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh mỗi ngày.

Các liều lượng tham khảo (reference intake – RI) này không phải là mục tiêu cố định bởi vì nhu cầu năng lượng và chất dinh dưỡng cho những người khác nhau là khác nhau. Nhưng chúng đưa ra một chỉ số hữu ích cho biết một người trung bình cần bao nhiêu năng lượng và làm thế nào một chất dinh dưỡng nhất định được đưa vào chế độ ăn uống hàng ngày một cách hợp lý.

Thuật ngữ “liều lượng tham khảo” đã thay thế “hàm lượng hàng ngày theo hướng dẫn” (Guideline daily amount – GDA), thường xuất hiện trên nhãn thực phẩm. Tuy nhiên, về cơ bản hai thuật ngữ này mang ý nghĩa như nhau.

Liều lượng tham khảo dành cho người lớn

Trừ phi trên nhãn tuyên bố khác đi, nếu không giá trị RI được đưa ra dựa trên chế độ hoạt động thể chất trung bình của một người phụ nữ có kích thước trung bình. Điều này giúp làm giảm nguy cơ những người có nhu cầu năng lượng thấp hơn lại ăn quá nhiều, cũng như cung cấp thông tin rõ ràng và nhất quán trên nhãn.

Là một phần của một chế độ ăn uống cân bằng lành mạnh, liều lượng tham khảo ( RI) cho một ngày của một người trưởng thành là:

  • Năng lượng: 8.400 kJ/2.000kcal
  • Tổng số chất béo: 70g
  • Chất béo bão hòa: 20g
  • Carbohydrate: 260g
  • Tổng số các loại đường: 90g
  • Protein: 50g
  • Muối: 6g

RI cho tổng số các loại đường bao gồm đường từ sữa và các loại đường có trong trái cây, cũng như đường bổ sung.

Nhiều nhà sản xuất thực phẩm cung cấp thông tin về hàm lượng của mỗi chất dinh dưỡng, chẳng hạn như chất béo, đường và muối trên nhãn dinh dưỡng của bao bì.

Thông tin này có thể được thể hiện dưới dạng phần trăm của liều lượng tham khảo của chất dinh dưỡng. Liều lượng tham khảo bằng tỷ lệ phần trăm (%RI) có thể được đưa ra:

  • theo trọng lượng (100g)
  • theo thể tích (mỗi 100ml)
  • và/hoặc theo phần ăn

Khi %RI được cung cấp dựa trên cơ sở “cho mỗi 100g/ml”, nhà sản xuất thực phẩm phải ghi kèm “liều lượng tham khảo của một người lớn trung bình (8400kJ/2000kcal)” bên cạnh.

Nếu bạn đang cố gắng để giảm cân, nhu cầu năng lượng trung bình hàng ngày của bạn sẽ thấp hơn so với trường hợp bạn muốn duy trì cân nặng của bạn ổn định. Nếu bạn đang thừa cân, hãy dùng ứng dụng tính chỉ số BMI của chúng tôi (https://thucphamcongdong.vn/cong-cu-tinh-chi-so-dinh-duong-bmi-va-bmr.html), có thể cung cấp cho bạn một hướng dẫn về lượng calo bạn nên nhắm tới để giúp bạn giảm cân một cách khỏe mạnh.

Liều lượng tham khảo về năng lượng, tổng lượng chất béo, chất béo bão hòa, đường và muối

Thông tin về các liều lượng tham khảo và mức độ đóng góp của một chất dinh dưỡng vào liều lượng tham khảo đó (thể hiện dưới dạng tỷ lệ phần trăm) thường được tìm thấy ở mặt sau hoặc mặt bên của bao bì. %RI của các chất dinh dưỡng nhất định cũng có thể được lặp lại trên mặt trước của các gói.

Ví dụ, nhãn bánh táo trên cho thấy mỗi chiếc bánh sẽ cung cấp cho bạn 19,2 gam đường, tương đương 21%. Nói cách khác, một chiếc bánh chứa khoảng một phần năm liều lượng tham khảo cho đường của người lớn.

Thay đổi trong hướng dẫn cho mức độ tiêu thụ chất béo, chất béo bão hòa, đường và muối

Có những hướng dẫn để cho bạn biết nếu một loại thực phẩm có nhiều chất béo (fat), chất béo bão hòa (saturates), đường (sugars) hoặc muối (salt) hay không. Những hướng dẫn này đã được phê duyệt, và trong một số trường hợp, được sửa đổi bởi Sở Y tế Hoa Kỳ trong năm 2013. Các số liệu được cập nhật như sau:

Tổng số chất béo

Nhiều chất béo: hơn 17,5g chất béo cho mỗi 100g

Ít chất béo: 3g chất béo hoặc ít hơn cho mỗi 100g

Chất béo bão hòa

Nhiều chất béo bão hòa: hơn 5g chất béo bão hòa cho mỗi 100g

Ít chất béo bão hòa: 1,5g chất béo bão hòa hoặc ít hơn cho mỗi 100g

Đường

Nhiều đường: hơn 22,5g tổng đường cho mỗi 100g

Ít đường: 5g tổng đường hoặc ít hơn cho mỗi 100g

Muối

Thuật ngữ “muối” (salt) hiện đang được sử dụng trên nhãn thực phẩm, chứ không phải là “natri” (sodium). Lượng muối được tính bằng cách xác định tổng lượng natri trong một sản phẩm (cả tự nhiên và từ các chất phụ gia) và nhân nó với 2,5.

Nhiều muối: hơn 1,5g muối cho mỗi 100g

Ít muối: 0,3g muối hoặc ít hơn cho mỗi 100g

Ví dụ, nếu bạn đang cố gắng cắt giảm chất béo bão hòa, hãy hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm có nhiều hơn 5g chất béo bão hòa trên mỗi 100g sản phẩm bởi vì những sản phẩm này được coi là chứa nhiều chất béo bão hòa. Liều lượng tham khảo cho chất béo bão hòa là 20g một ngày.

Ví dụ về các loại thực phẩm có thể chứa nhiều chất béo bão hòa bao gồm bánh nướng, bánh ngọt và bánh quy, các phần thịt nhiều mỡ, xúc xích và thịt xông khói, pho mát và kem. Hãy tìm hiểu thêm về việc cắt giảm thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa.

Ghi nhãn dinh dưỡng và hướng dẫn

Tìm hiểu thêm về ghi nhãn thực phẩm, bao gồm mã màu, danh sách thành phần, nhãn dinh dưỡng ở mặt trước của gói và các chất dinh dưỡng khác trong Nhãn thực phẩm.

Tìm hiểu các thuật ngữ và các tuyên bố nhất định có trên nhãn thực phẩm, bao gồm “sử dụng trước” (use by), “tốt nhất trước” (best before), “chất béo thấp” (low fat) và “không thêm đường” (no added sugar) trong bài viết Các thuật ngữ trên nhãn thực phẩm. (liên kết đến 3.b.4)

Tài liệu tham khảo:

http://www.nhs.uk/Livewell/Goodfood/Pages/reference-intakes-RI-guideline-daily-amounts-GDA.aspx