Thứ Năm, 21/11/2024

Nhãn thực phẩm

 

Nhãn dinh dưỡng có thể giúp bạn lựa chọn sản phẩm và kiểm soát lượng thức ăn có nhiều chất béo, muối và đường.

Hầu hết các loại thực phẩm đóng gói sẵn có dán nhãn dinh dưỡng ở mặt sau hoặc mặt bên bao bì.

Nhãn thực phẩm bao gồm thông tin về năng lượng ở dạng kilojoule (kJ) và kilocalo (kcal), thường dùng calo hơn. Chúng cũng bao gồm thông tin về chất béo, chất béo bão hòa, carbohydrate, đường, protein và muối. Tất cả các thông tin dinh dưỡng được cung cấp theo đơn vị 100 gram, đôi khi theo đơn vị khẩu phần thực phẩm.

Siêu thị và các nhà sản xuất thực phẩm hiện nay trình bày thông tin năng lượng, chất béo, chất béo bão hòa, đường và hàm lượng muối trên mặt trước của bao bì, cùng với nhu cầu dinh dưỡng tham khảo cho mỗi chất.

Bạn có thể sử dụng nhãn dinh dưỡng để giúp bạn lựa chọn chế độ ăn uống cân bằng hơn. Một chế độ ăn uống cân bằng cần phải:

  • Cắt giảm chất béo (đặc biệt là chất béo bão hòa), muối và đường.
  • Thực phẩm chính cho bữa ăn nên là các loại thực phẩm giàu tinh bột như khoai tây, bánh mì, mì ống và gạo, nếu có thể hãy lựa chọn các loại hạt nguyên cám (gạo lứt).
  • Ăn nhiều trái cây và rau quả – ăn ít nhất “5 phần” rau quả (khoảng 400g) bao gồm nhiều loại rau quả khác nhau mỗi ngày.
  • Ăn một số loại thực phẩm giàu protein như thịt, cá, đậu, sữa và thực phẩm từ sữa.

Nhãn dinh dưỡng ở mặt sau hoặc mặt bên bao bì

Nhãn dinh dưỡng thường được trình bày ở dạng bảng hoặc lưới ở mặt sau hoặc mặt bên bao bì. Ví dụ, dưới đây là nhãn dinh dưỡng ở mặt sau bao bì của một ổ bánh mì trắng.

nutrition

Loại nhãn này bao gồm thông tin về năng lượng (energy) (kJ / kcal), chất béo (fat), chất béo bão hòa (saturates), carbohydrate, đường (sugar), protein và muối (salt). Nó cũng có thể cung cấp thêm thông tin về các chất dinh dưỡng nhất định như chất xơ (fibre). Tất cả các thông tin dinh dưỡng được cung cấp theo đơn vị 100 gram, đôi khi theo đơn vị khẩu phần ăn.

Làm thế nào tôi có thể biết được một loại thực phẩm chứa nhiều chất béo, chất béo bão hòa, đường hoặc muối?

Dưới đây là một số hướng dẫn để bạn biết một thực phẩm có chứa nhiều chất béo, chất béo bão hòa, muối hoặc đường hay không.

Tổng số chất béo (total fat)

Cao: hơn 17,5g chất béo/100g

Thấp: 3g chất béo hoặc ít hơn/100g

Chất béo bão hòa (saturated fat)

Cao: hơn 5g chất béo bão hòa/100g

Thấp: 1,5g chất béo bão hòa hoặc ít hơn/100g

Đường (sugar)

Cao: hơn 22,5g đường/100g

Thấp: 5g đường hoặc ít hơn/100g

Muối (salt)

Cao: hơn 1,5g muối/100g (hoặc 0,6g natri)

Thấp: 0,3g muối hoặc ít hơn/100g (hoặc 0,1g natri)

Ví dụ, nếu bạn đang cố gắng để cắt giảm chất béo bão hòa, hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa nhiều hơn 5g chất béo bão hòa trên 100g thực phẩm.

Một số nhãn dinh dưỡng ở mặt sau hoặc mặt bên bao bì cũng cung cấp thông tin về nhu cầu dinh dưỡng tham khảo (RI).

Nhãn dinh dưỡng trên mặt trước của bao bì

Hầu hết các siêu thị lớn và nhiều nhà sản xuất thực phẩm cũng trình bày thông tin dinh dưỡng trên mặt trước của thực phẩm đóng gói. Điều này rất hữu ích khi bạn muốn so sánh nhanh các loại thực phẩm khác nhau khi nhìn lướt qua.

nhan-mat-truoc

Nhãn dinh dưỡng trên mặt trước bao bì, chẳng hạn như nhãn trong hình trên, thường cung cấp thông tin:

  • Năng lượng
  • Hàm lượng chất béo
  • Hàm lượng chất béo bão hòa
  • Hàm lượng đường
  • Hàm lượng muối

Loại nhãn này cung cấp thông tin về số gam chất béo, chất béo bão hòa, đường và muối, và lượng năng lượng (kJ và kcal) trong một khẩu phần hoặc một phần của thực phẩm. Tuy nhiên, cần chú ý rằng định nghĩa của nhà sản xuất về “một phần” có thể khác so với bạn nghĩ.

Một số nhãn dinh dưỡng trên mặt trước bao bì cũng cung cấp thông tin về nhu cầu dinh dưỡng tham khảo.

Nhu cầu dinh dưỡng tham khảo (RI)

Nhãn dinh dưỡng cũng có thể cung cấp thông tin để biết được một loại thực phẩm hay thức uống có phù hợp với chế độ ăn uống hàng ngày của bạn hay không.

Nhu cầu dinh dưỡng tham khảo là những hướng dẫn về lượng dinh dưỡng ước lượng của các chất dinh dưỡng và năng lượng cần thiết cho một chế độ ăn uống lành mạnh.

Tìm hiểu thêm về nhu cầu dinh dưỡng tham khảo dành cho người lớn. (liên kết đến mục 3.b.3)

Mã màu đỏ, vàng và xanh lá

Một số nhãn dinh dưỡng trên mặt trước bao bì sử dụng mã màu đỏ, vàng và xanh lá (như hình trên).

Thông tin dinh dưỡng mã màu cho bạn biết ngay một thực phẩm có lượng chất béo, chất béo bão hòa, đường và muối cao, trung bình hay thấp.

  • Màu đỏ là cao
  • Màu vàng là trung bình
  • Màu xanh lá là thấp

Tóm lại, càng có nhiều phần màu xanh lá trên nhãn, sự lựa chọn đó càng tốt cho sức khỏe.

Nếu bạn mua một loại thực phẩm mà trên nhãn tất cả hoặc hầu hết đều là màu xanh lá cây, bạn biết ngay rằng đó là một thực phẩm lành mạnh. Màu vàng là không cao cũng không thấp, vì vậy bạn có thể ăn thường xuyên các loại thực phẩm mà tất cả các chất trên nhãn hay hầu hết đều là màu vàng. Nhưng màu đỏ trên nhãn nghĩa là thực phẩm đó có nhiều chất béo, chất béo bão hòa, muối hoặc đường, và đây là những loại thực phẩm chúng ta nên cắt giảm. Cố gắng hạn chế ăn những thực phẩm này.

Danh sách các thành phần

Hầu hết các thực phẩm đóng gói đều có danh sách các thành phần trên bao bì hoặc trên nhãn đính kèm. Danh sách các thành phần cũng có thể giúp bạn đánh giá mức độ lành mạnh của sản phẩm.

Các thành phần được liệt kê theo thứ tự trọng lượng, do đó, các thành phần chính trong các thực phẩm đóng gói luôn luôn đứng đầu danh sách. Điều đó có nghĩa là nếu vài thành phần đầu tiên là thành phần chất béo, chẳng hạn như kem, bơ hoặc dầu, thì thực phẩm đó là thực phẩm giàu chất béo.

Lời khuyên mua sắm thực phẩm

Bạn đang ở trong siêu thị nhìn vào hai sản phẩm tương tự, cố gắng để quyết định chọn một trong hai. Bạn muốn có sự lựa chọn lành mạnh nhưng bạn đang vội.

Nếu bạn đang mua thực phẩm ăn liền, hãy kiểm tra xem có nhãn dinh dưỡng trên mặt trước của bao bì không, và sau đó xem lựa chọn của bạn lành mạnh ra sao khi xét về lượng năng lượng, chất béo, chất béo bão hòa, đường và muối.

Nếu nhãn dinh dưỡng sử dụng mã màu, bạn thường sẽ thấy một dãy màu đỏ, vàng và xanh lá cây. Vì vậy, khi bạn đang lựa chọn giữa những sản phẩm tương tự, cố gắng chọn thực phẩm nhiều màu xanh và vàng, và ít màu đỏ, nếu bạn muốn có sự lựa chọn lành mạnh.

Nhưng hãy nhớ rằng ngay cả những thức ăn chế biến sẵn lành mạnh cũng có thể chứa nhiều chất béo và năng lượng hơn bữa ăn bạn tự nấu. Nếu bạn tự nấu ăn cho mình, bạn cũng có thể tiết kiệm tiền.

Thuật ngữ nhãn mác và an toàn thực phẩm

Để tìm hiểu thêm về nhãn thực phẩm, bao gồm cả những thuật ngữ như “light/ lite”, “hàm lượng chất béo thấp” (low fat) có nghĩa là gì, và sự khác biệt giữa thuật ngữ “sử dụng đến ngày” (used by) và “tốt nhất trước ngày” (best before), đọc thêm các thuật ngữ ghi nhãn thực phẩm (liên kết đến mục 3.b. 3).

Tài liệu tham khảo

http://www.nhs.uk/Livewell/Goodfood/Pages/food-labelling.aspx