Việc sớm làm quen với đậu phộng không ảnh hưởng đến giai đoạn cho con bú hoặc dinh dưỡng và sự tăng trưởng của trẻ em.
Bản gốc: Báo Sciencedaily, số ra ngày 10/06/2016
Nguồn thông tin: Viện Y tế Quốc gia (NIH)/ Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm (NIAID)
Tóm tắt: Theo những kết quả nghiên cứu gần đây, việc cho trẻ nhỏ làm quen với các loại thực phẩm chứa đậu phộng trong giai đoạn đầu đời được xem như một cách phòng ngừa dị ứng đậu phộng mà không gây tác động xấu đến thời gian cho trẻ bú hoặc không ảnh hưởng đến sự phát triển cũng như hấp thụ dinh dưỡng của trẻ nhỏ.
Những phát hiện này là kết quả lần 2 của thử nghiệm lâm sàng “Tìm hiểu sớm về đậu phộng” (Learning Early About Peanut-LEAP), được tiến hành bởi Immune Tolerance Network (ITN) do NIAID tài trợ và dẫn đầu bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Hoàng gia London.
Kết quả ban đầu từ các thử nghiệm LEAP, được công bố vào năm 2015, cho thấy việc cho trẻ có nguy cơ bị dị ứng đậu phộng cao làm quen với sản phẩm từ đậu phộng trong chế độ ăn làm giảm 81% tỉ lệ dị ứng so với những trẻ hoàn toàn tránh đậu phộng trong chế độ ăn. Mục đích của nghiên cứu này là xác định liệu ăn nhiều sản phẩm chứa đậu phộng trong giai đoạn đầu đời sẽ có ảnh hưởng xấu đến dinh dưỡng và sự phát triển trẻ sơ sinh hay không.
*Tham khảo bài viết “Cách phòng tránh tình trạng dị ứng thực phẩm ở trẻ sơ sinh”
Bác sĩ Anthony S. Fauci, Giám đốc Viện NIAID cho biết: “Pphát hiện gây kinh ngạc rằng việc cho trẻ sớm làm quen với sản phẩm từ đậu phộng trong chế độ ăn sẽ làm giảm sự phát triển của bệnh dị ứng sau này đang bắt đầu làm thay đổi cách tiếp cận phòng ngừa dị ứng đậu phộng của các bác sĩ. Những kết quả cho thấy sự đảm bảo rằng việc sớm tiêu thụ đậu phộng không có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển và dinh dưỡng của trẻ nhỏ”.
Khi bắt đầu thử nghiệm LEAP, điều tra viên phân công ngẫu nhiên 640 trẻ từ 4-11 tuổi tháng sống ở Vương quốc Anh và cho chúngthường xuyên tiêu thụ ít nhất 2 gram protein đậu phộng, 3 lần mỗi tuần hoặc hoàn toàn không ăn đậu phộng. Chế độ ăn này được duy trì cho đến khi trẻ lên 5 tuổi. Các nhà khoa học theo dõi các trẻ vào mỗi dịp chăm sóc sức khỏe định kỳ, và yêu cầu cha mẹ và người chăm sóc của chúng hoàn thành bảng câu hỏi chế độ ăn uống và nhật ký thực phẩm.
Trong phân tích này, các nhà điều tra đã so sánh sự tăng trưởng, dinh dưỡng và chế độ ăn của trẻ dùng đậu phộng trong nghiên cứu LEAP và trẻ tránh dùng đậu phộng. Nhiều trẻ đang được cho bú mẹ khi nghiên cứu LEAP mới bắt đầu. Thạc sĩ Mary Feeney thuộc Đại học Hoàng gia London, tác giả chính của bài báo cho biết: “Một phát hiện quan trọng giúp chúng ta yên tâm là việc tiêu thụ đậu phộng không ảnh hưởng đến thời gian trẻ bú mẹ, do đó xóa đi những lo ngại rằng việc cho trẻ sớm làm quen thức ăn cứng/thô trước 6 tháng tuổi có thể làm giảm thời gian trẻ bú mẹ.”
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng không thấy sự khác biệt về chiều cao, cân nặng hoặc chỉ số khối cơ thể (BMI – một thước đo về tình trạng sức khỏe theo cân nặng) giữa nhóm trẻ tiêu thụ và nhóm trẻ tránh hoàn toàn đậu phộng trong quá trình nghiên cứu. Điều này đúng ngay cả khi các nhà nghiên cứu so sánh các nhóm trẻ tiêu thụ hàm lượng protein đậu phộng cao nhất với nhóm trẻ tránh hoàn toàn đậu phộng.
Nhìn chung, nhóm trẻ tiêu thụ đậu phộng dễ dàng đạt được mức đề nghị là 6 gram protein đậu phộng mỗi tuần, với mức tiêu thụ trung bình là 7,5 gram/ tuần. Nhóm trẻ này có lựa chọn thực phẩm đa dạng hơn so với nhóm tránh hoàn toàn đậu phộng, theo điều tra viên ghi nhận. Ví dụ, nhóm trẻ tiêu thụ đậu phộng ăn ít khoai tây chiên và đồ ăn nhẹ có vị mặn. Cả hai nhóm đều có tổng năng lượng nạp vào từ thức ăn và mức protein nạp vào tương tự nhau, dù nhóm trẻ tiêu thụ đậu phộng nạp nhiều chất béo hơn và nhóm trẻ không ăn đậu phộng nạp nhiều carbohydrate hơn.
Bác sĩ Marshall Plaut, trưởng bộ môn Dị ứng Thực phẩm, Dị ứng Da do Di truyền và Cơ chế Dị ứng thuộc khoa Dị ứng, Miễn dịch học và Cấy ghép của Viện NIAID, đồng tác giả của bài báo cho biết: “Nhìn chung, những phát hiện này chỉ ra rằng việc sớm cho trẻ nhỏ làm quen các loại thực phẩm chứa đậu phộng ở những năm đầu đời như một biện pháp ngăn chặn sự phát triển tình trạng dị ứng đậu phộng sau này vừa khả thi và vừa an toàn về mặt dinh dưỡng, ngay cả với mức tiêu thụ đậu phộng cao”.
*Để tìm hiểu về Dị ứng thực phẩm và cách phòng tránh, mời bạn tham khảo ebook “Dị ứng thực phẩm”
Tài liệu tham khảo:
https://www.sciencedaily.com/releases/2016/06/160610094737.htm