Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu Môi trường Helmholtz – UFZ, số ra ngày 27/02/2013
Tóm tắt: Một nghiên cứu mới đã khuyến cáo phụ nữ mang thai nên tránh sử dụng chế phẩm bổ sung vitamin D, vì nó có thể làm tăng nguy cơ dị ứng thực phẩm cho trẻ sau khi sinh.
Vitamin D đã luôn được xem là tốt cho sức khỏe, vì nó giúp xương chắc khỏe, phòng chống bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là trong những tháng mùa đông, và hỗ trợ hệ thống thần kinh và cơ bắp. Đặc biệt, vitamin D đã được sử dụng để phòng ngừa và điều trị bệnh còi xương ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong khoảng 50 năm qua. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học gần đây đã dấy lên nghi vấn về tác dụng tích cực của “vitamin xương” này. Thật vậy, mối liên hệ giữa nồng độ vitamin D cao và sự phát triển của bệnh dị ứng đã gây chú ý lần đầu tiên vào cuối những năm 1990.
Để tìm hiểu vấn đề, Tiến sĩ Kristin Weiße của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường Helmholtz, Leipzig (Đức), cộng tác với nhóm nghiên cứu của Giáo sư Gabriele Stangl từ Viện Khoa học Nông nghiệp và Dinh dưỡng tại Đại học Martin-Luther ở Halle-Wittenberg (Đức), đã làm việc hết mình để tìm ra đáp án cho câu hỏi: “Liệu có chứng minh được mối tương quan giữa nồng độ vitamin D trong máu của người mẹ và trong máu cuống rốn của trẻ sơ sinh hay không?” Hơn nữa, các nhà nghiên cứu từ UFZ ở Leipzig còn muốn tìm hiểu mối quan hệ giữa nồng độ vitamin D trong thời gian mang thai và ngay khi sinh, tình trạng miễn dịch và các bệnh dị ứng của đứa trẻ sau này. Nói cách khác, liệu nồng độ vitamin D trong cơ thể người mẹ mang thai có ảnh hưởng đến nguy cơ dị ứng sau này của đứa bé?
Để làm sáng tỏ các vấn đề trên, đội ngũ nghiên cứu của Tiến sĩ Kristin Weiße từ Leipzig sử dụng mẫu từ nghiên cứu LINA doTrung tâm Nghiên cứu Môi trường Helmholtz (UFZ), dưới sự giám sát của tiến sĩ Irina Lehmann, thiết lập cùng với các phòng khám tại thành phố St. Georg từ năm 2006 đến 2008 . Nghiên cứu LINA là tên gọi tắt của nghiên cứu “Tác động của các yếu tố môi trường và lối sống đối với nguy cơ dị ứng của trẻ sơ sinh” (Lifestyle and environmental factors and their Impact on the Newborn Allergy risk). Tổng cộng, có 622 mẫu của người mẹ và 629 mẫu của con họ thu được trong quá trình nghiên cứu dài hạn này. Nồng độ vitamin D trong máu của các bà mẹ mang thai và trong máu cuống rốn đứa bé khi mới sinh được kiểm tra và ghi nhận lại. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng dùng bảng câu hỏi để đánh giá tình trạng dị ứng thực phẩm trong hai năm đầu đời của đứa bé.
Quá nhiều vitamin D trong giai đoạn mang thai có thể gây dị ứng thực phẩm cho trẻ trong hai năm đầu đời
Kết quả thu được rất rõ ràng: Trường hợp người mẹ có mức độ vitamin D trong máu thấp, thì con của họ trong hai năm đầu hiếm xuất hiện bệnh dị ứng thực phẩm hơn trường hợp người mẹ mang thai có lượng vitamin D trong máu cao. Điều này có nghĩa rằng nồng độ vitamin D ở phụ nữ mang thai càng cao thì em bé của họ càng có nguy cơ phát triển dị ứng thực phẩm trong giai đoạn đầu đời. Hơn nữa, những trẻ em bị dị ứng này có nồng độ cao kháng thể IgE đối với các chất gây dị ứng thực phẩm như lòng trắng trứng, protein sữa, bột mì, đậu phộng hoặc đậu nành.
Các nhà khoa học của UFZ cũng có bằng chứng về cơ chế liên hệ giữa vitamin D và thực phẩm gây dị ứng. Tiến sĩ Gunda Herberth của Khoa Miễn dịch học Môi trường tại UFZ đã nghiên cứu sâu hơn về các đáp ứng miễn dịch của trẻ mắc bệnh và đặc biệt phân tích các tế bào lympho T điều hòa (regulatory T cells) trong máu cuống rốn. Các tế bào này có khả năng ngăn chặn hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức với chất dị ứng, do đó giúp bảo vệ cơ thể chống lại bệnh dị ứng. Quá ít tế bào lympho T điều hòa trong máu cuống rốn sẽ làm tăng nguy cơ dị ứng. Các kết quả đáng quan tâm hiện nay của dự án là: nồng độ vitamin D trong máu của người mẹ và con của họ càng cao thì càng ít tế bào lympho T điều hòa được tìm thấy trong máu cuống rốn. Điều này có nghĩa rằng vitamin D đã ngăn chặn sự phát triển của các tế bào lympho T điều hòa và do đó làm tăng nguy cơ dị ứng thực phẩm ở trẻ nhỏ.
Ngoài chế độ ăn uống, tiến sĩ Kristin Weisse giải thích rằng mức độ vitamin D chủ yếu bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như mùa trong năm, sự tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và thời gian ở ngoài trời – những yếu tố này cũng đã được xem xét trong phân tích rủi ro hiện nay của vitamin D và dị ứng thực phẩm. Mặc dù, còn nhiều yếu tố khác gây ra dị ứng thực phẩm ngoại trừ vitamin D, kết quả nghiên cứu này cũng nên được lưu tâm. Do đó, các nhà nghiên cứu UFZ khuyên phụ nữ mang thai không nên uống thuốc bổ sung vitamin D vì: “Dựa trên những thông tin của chúng tôi, việc thừa vitamin D có thể làm tăng nguy cơ phát triển dị ứng thực phẩm của trẻ trong hai năm đầu đời”
*Tìm hiểu thêm các nguyên nhân, cách phòng tránh và chữa trị dị ứng thực phẩm, xin mời bạn tham khảo ebook “Dị ứng thực phẩm”.
Tài liệu tham khảo:
http://www.sciencedaily.com/releases/2013/02/130227085838.htm