Bản gốc: Báo Sciencedaily , số ra ngày 25/04/2016
Nguồn thông tin: Tạp chí JAMA
Tóm tắt: Mặc dù gạo và các sản phẩm từ gạo là thực phẩm đầu tiên dành cho trẻ sơ sinh khá phổ biến, một nghiên cứu mới phát hiện ra rằng trẻ ăn cơm và các sản phẩm từ gạo có hàm lượng asen (thạch tín) trong nước tiểu cao hơn so với những trẻ không ăn gạo.
Phơi nhiễm asen từ gạo là một vấn đề được quan tâm đối với sức khỏe của trẻ sơ sinh và trẻ em. Ngũ cốc ăn dặm làm từ gạo (rice cereal) dành cho trẻ sơ sinh có thể chứa hàm lượng asen vô cơ vượt quá: 1) các khuyến nghị của Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Codex Thế giới (Codex Alimentarius Commission-CAC, thuộc Tổ chức Y tế Thế giới WHO) và Tổ chức Nông lương Thế giới của Liên hợp quốc là 200 ng/g đối với gạo trắng bóng, 2) các quy định mới của Liên minh châu Âu là 100 ng/g cho sản phẩm dành cho trẻ sơ sinh, và 3) giới hạn mà Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đề xuất đối với ngũ cốc từ gạo dành cho trẻ sơ sinh.
Hiện chưa có nhiều tài liệu về việc trẻ sớm tiêu thụ cơm tại Hoa Kỳ mà chỉ có ít dữ liệu từ các khu vực khác trên thế giới. Một số bằng chứng dịch tễ học cho thấy rằng tiếp xúc sớm với asen khi còn trong tử cung và sau khi sinh có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi và trẻ sơ sinh, đồng thời tác động lên hệ miễn dịch và sự phát triển thần kinh của trẻ.

Tiến sĩ Margaret R. Karagas, tại trường Y Geisel của Đại học Dartmouth, Lebanon, N.H. (Mỹ), và các đồng tác giả nghiên cứu mức độ thường xuyên mà trẻ sơ sinh tiêu thụ gạo và các sản phẩm chứa gạo trong năm tuổi đầu đời, đồng thời xem xét mối liên hệ của chúng đến nồng độ asen trong nước tiểu.
Nghiên cứu này được thực hiện trên 759 trẻ do các bà mẹ trong nghiên cứu đoàn hệ về trẻ em sinh ra trong khoảng năm 2011 đến năm 2014 tại New Hampshire (Mỹ). Các trẻ sơ sinh được theo dõi cho đến khi trẻ 12 tháng tuổi thông qua các cuộc phỏng vấn bằng điện thoại cứ bốn tháng một lần. Lúc 12 tháng tuổi, chế độ ăn uống trong tuần trước đó được ghi nhận, bao gồm việc trẻ ăn ngũ cốc ăn dặm làm từ gạo, ăn gạo trắng hoặc gạo lứt, hoặc ăn các loại thực phẩm làm từ gạo (chẳng hạn như đồ ăn nhẹ từ gạo) hoặc được làm ngọt bằng xi-rô gạo lứt (như một số sản phẩm thanh bánh ngũ cốc).
Mẫu nước tiểu trẻ sơ sinh được thu thập bắt đầu từ năm 2013 cùng với nhật ký thực phẩm của trẻ trong 3 ngày. Thông tin chi tiết về chế độ ăn uống và tổng nồng độ asen trong nước tiểu sau 12 tháng của 129 trẻ sơ sinh đã được ghi nhận, với các dữ liệu cụ thể về các hợp chất asen trong nước tiểu của 48 trẻ sơ sinh cũng được ghi nhận.
Các tác giả cho biết:
- 80% của nhóm 759 trẻ được cho ăn ngũ cốc ăn dặm làm từ gạo trong năm đầu đời, trong đó hầu hết (64%) bắt đầu từ 4-6 tháng tuổi.
- Lúc 12 tháng, 43% trẻ được báo cáo ăn một số loại sản phẩm gạo trong tuần trước đó; 13% ăn gạo trắng và 10% ăn gạo lứt ở mức trung bình 1-2 phần ăn mỗi tuần.
- 24% trẻ đã ăn thực phẩm làm từ gạo hoặc được làm ngọt bằng xi-rô từ gạo trong tuần trước đó ở mức trung bình 5-6 phần ăn mỗi tuần
- Dựa trên các thông tin được ghi lại trong nhật ký thực phẩm hai ngày trước khi thu thập mẫu nước tiểu, 71 trẻ sơ sinh (55%) được cho ăn một số loại sản phẩm gạo trong hai ngày trước đó.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng dựa trên 129 mẫu nước tiểu của trẻ lúc 12 tháng tuổi, nồng độ asen cao hơn ở những trẻ đã ăn cơm hoặc thức ăn trộn với cơm so với trẻ không ăn cơm. Chi tiết hơn, tổng nồng độ asen trong nước tiểu cao gấp hai lần ở trẻ ăn gạo trắng hoặc gạo lứt so với những trẻ không ăn cơm. Nồng độ asen trong nước tiểu cao nhất đã được tìm thấy ở những trẻ ăn ngũ cốc ăn dặm làm từ gạo: nồng độ asen trong nước tiểu ở những trẻ này cao gần gấp đôi so với trẻ không ăn cơm.
Các tác giả lưu ý rằng nhóm nghiên cứu đến từ miền bắc New England đã sử dụng hệ thống nước riêng không được kiểm soát nên có thể ảnh hưởng tới việc tổng quát hóa kết quả. Ngoài ra, các nguồn thực phẩm khác chứa asen, như nước táo, cũng có thể góp phần vào nồng độ asen trong nước tiểu.
“Kết quả của chúng tôi cho thấy rằng việc tiêu thụ các sản phẩm từ lúa và gạo làm gia tăng phơi nhiễm của trẻ sơ sinh với asen và do đó, nếu có biện pháp kiểm soát có thể làm giảm tiếp xúc asen trong giai đoạn quan trọng này của sự phát triển của trẻ”, nghiên cứu kết luận.
Tài liệu tham khảo:
https://www.sciencedaily.com/releases/2016/04/160425141759.htm