Thứ Năm, 21/11/2024
Kết quả nghiên cứu mới Dinh dưỡng Điều trị dị ứng sữa bò bằng sữa công thức có bổ sung probiotic

Điều trị dị ứng sữa bò bằng sữa công thức có bổ sung probiotic

 

Sữa công thức có bổ sung probiotic cải thiện tình trạng dị ứng sữa bò bằng cách thay đổi vi khuẩn đường ruột của trẻ sơ sinh.

Theo một nghiên cứu mới công bố ngày 22/09/2015 trong tạp chí ISME bởi các nhà khoa học đến từ Đại học Chicago, Phòng Thí nghiệm Quốc gia Argonne (Mỹ) và Đại học Naples Federico II (Ý), sau khi được cho uống sữa công thức chứa probiotic, hệ vi khuẩn đường ruột của các trẻ sơ sinh có biểu hiện tăng cường khả năng dung nạp sữa bò khác nhiều so với những bé mà tình trạng dị ứng không được cải thiện.

Những trẻ có biểu hiện tăng cường khả năng dung nạp sữa bò có mật độ cao vài chủng vi khuẩn sản sinh axit béo mạch ngắn, ví dụ butyrate, là những axit giúp duy trì cân bằng hệ vi khuẩn trong đường ruột. Việc phát hiện những chủng vi khuẩn giúp tăng khả năng dung nạp thực phẩm gây dị ứng như sữa bò là bước tiến quan trọng trong việc phá triển những phương pháp mới giúp điều trị dị ứng ở trẻ.

Hiện này, dị ứng thực phẩm đang gia tăng tại các nước phát triển, tăng đến khoảng 20% so với thập kỉ qua. Trong đó, dị ứng sữa bò là dạng dị ứng phổ biến nhất và 3% trẻ em trên toàn thế giới bị loại dị ứng này.

Sữa công thức có bổ sung probiotic giúp cải thiện khả năng dung nạp sữa bò ở trẻ sơ sinh

Các bằng chứng gần đây cho thấy sự ảnh hưởng của môi trường hiện đại như việc sử dụng thuốc kháng sinh tràn lan, chế độ ăn nhiều chất béo và ít chất xơ, ít tiếp xúc với bệnh truyền nhiễm, sinh mổ, hay dùng sữa công thức, đã làm thay đổi mối quan hệ cộng sinh cùng có lợi giữa con người và vi khuẩn trong đường tiêu hoá. Các tác nhân trên gây mất cân bằng hệ vi sinh vật trong cơ thể (dysbiosis) hoặc làm thay đổi thành phần của hệ vi khuẩn, chính điều này, về mặt di truyền, làm con người dễ mắc bệnh dị ứng hơn.

Theo các nghiên cứu trước đây của Roberto Berni Canani và đồng nghiệp tại Đại học Naples cho thấy những trẻ bị dị ứng với sữa bò khi được uống sữa công thức có chứa casein (một dạng protein có trong sữa) và bổ sung lợi khuẩn Lactobacillus rhamnosus GG (LGG) có khả năng dung nạp sữa bò cao hơn so với những bé được điều trị bằng sữa công thức không chứa probiotic.

Tiến sĩ Cathryn Nagler phát biểu: “Phòng thí nghiệm của chúng tôi đã làm các cuộc thử nghiệm trên chuột và xác định một nhóm vi khuẩn có mặt phổ biến trong dịch nhầy của đường ruột. Nhóm vi khuẩn này có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát các chất gây dị ứng thực phẩm đi vào trong máu.”. Kết quả nghiên cứu này đã được công bố vào năm ngoái. Tiến sĩ Cathryn Nagler, giáo sư Viện Dị ứng Thực phẩm Bunning tại trường Đại học Chicago đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “Kết quả này cho thấy một cơ chế mới trong đó vi khuẩn cộng sinh có khả năng điều tiết phản ứng dị ứng thực phẩm”.

Để kiểm chứng xem probiotic có khả năng làm thay đổi thành phần vi khuẩn trong đường ruột nhằm thúc đẩy sự dung nạp sữa bò hay không, tiến sĩ Nagler và các đồng nghiệp tiến hành phân tích trình tự gen của vi khuẩn tìm thấy trong các mẫu phân thu thập từ các 3 nhóm đối tượng: nhóm trẻ sơ sinh khỏe mạnh, nhóm trẻ dị ứng sữa bò đã uống sữa công thức có bổ sung probiotic LGG và nhóm trẻ dị ứng uống sữa công thức không có bổ sung lợi khuẩn.

Nhìn chung, hệ vi sinh vật đường ruột ở trẻ dị ứng sữa bò khác nhiều so với trẻ khoẻ mạnh, nhóm nghiên cứu cho rằng chính sự thay đổi thành phần của hệ vi sinh vật làm phát triển bệnh dị ứng. Thật vậy, nhóm trẻ được điều trị với sữa công thức có bổ sung lợi khuẩn LGG, với mật độ cao các vi sinh vật sản xuất butyrate, có khả năng dung nạp sữa bò cao hơn nhóm trẻ uống sữa công thức chỉ bổ sung lợi khuẩn khác. Các nhà khoa học đang tiến hành nghiên cứu thêm những chủng vi khuẩn sản xuất butyrate khác như chủng BlautiaCoprococcus.

“Việc  xác định các chủng vi khuẩn có thể được dùng trong điều trị dị ứng thực phẩm là một bước tiến mang tính nền tảng”, tiến sĩ Jack Gilbert, phó giáo sư khoa Tiến hóa và Sinh thái học tại  Đại học Chicago, trưởng nhóm Sinh thái học vi khuẩn tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Argonne, cũng là đồng tác giả của nghiên cứu trên, phát biểu: “Mục tiêu kế tiếp của chúng tôi là tiến hành áp dụng những kết quả này vào điều trị lâm sàng tại hệ thống bệnh viện FARE của Đại học Chicago”.

Vào tháng 7/2015, Trung tâm Y tế của Đại học Chicago (1 trong số 22 trung tâm y tế xuất sắc trong cả nước Mỹ) đã khai trương và trở thành một trong những thành viên đầu tiên của hệ thống bệnh viện FARE – hệ thống chuyên nghiên cứu các phương pháp điều trị mới và nâng cao tiêu chuẩn chăm sóc các bệnh nhân bị dị ứng nghiêm trọng, đe doạ tính mạng. Với sự dẫn dắt của thạc sĩ Christina Ciaccio, giám đốc y tế, phó giáo sư khoa Nhi tại Đại học Chicago, trung tâm tiến hành các thử nghiệm nhằm tìm ra phương pháp điều trị mới có tiềm năng ứng dụng cao. Ngoài ra, trung tâm còn hợp tác với FARE và các trung tâm y tế khác nhằm xác lập các quy tắc thực nghiệm tốt nhất để chăm sóc bệnh nhân dị ứng thực phẩm.

* Lưu ý: Dị ứng sữa bò khác với tình trạng không dung nạp lactose trong sữa bò.

Tài liệu tham khảo

http://www.sciencedaily.com/releases/2015/09/150922104647.htm?utm_source=dlvr.it&utm_medium=facebook