Thứ Năm, 21/11/2024
Dinh dưỡng Dinh dưỡng cho người bệnh Tiểu đường: Kiểm soát đường huyết và ngăn ngừa biến chứng

Tiểu đường: Kiểm soát đường huyết và ngăn ngừa biến chứng

 

Bài viết được biên dịch từ trang web của Tổ Chức Dinh Dưỡng của Úc.

Bệnh tiểu đường

Khi bạn tiêu thụ thức ăn chứa nhiều tinh bột (carbohydrate), cơ thể sẽ chuyển hóa thành năng lượng dưới dạng đường glucose để cung cấp cho các tế bào. Để điều hòa quá trình này, cơ thể cần một loại hóc-môn (hormone) có tên gọi là insulin.

Tiểu đường là tình trạng cơ thể mất kiểm soát hàm lượng đường glucose trong máu. Ở bệnh nhân tiểu đường, lượng đường trong máu thường cao hơn mức bình thường do cơ thể họ không sản sinh được insulin (tiểu đường loại 1) hoặc không thể sử dụng insulin đúng cách (tiểu đường loại 2).

Các dấu hiệu và biến chứng của bệnh tiểu đường

Lượng đường glucose trong máu cao có thể dẫn đến các dấu hiệu như:

  • Tiểu nhiều bất thường
  • Thường xuyên khát nước và uống rất nhiều nước
  • Mệt mỏi
  • Suy giảm thị lực
  • Nhiễm trùng da thường xuyên và vết thương lâu lành

Những bệnh nhân tiểu đường nên cố gắng kiểm soát mức đường huyết gần mức bình thường nhất có thể (4,0-7,2 mmol/L trước khi ăn và dưới 10 mmol/L). Mức đường huyết cho từng cá nhân là khác nhau và nên được trao đổi cụ thể với bác sĩ điều trị.

Kiểm soát tình trạng bệnh tốt giúp ngăn ngừa các biến chứng mãn tính nguy hiểm như:

  • Bệnh tim mạch
  • Nhiễm trùng nhiều vùng
  • Bệnh thận
  • Bệnh mắt, có thể dẫn đến mù lòa
  • Tổn thương hệ thống dây thần kinh các chi dưới và những bộ phận khác của cơ thể.

Tóm tắt: 

  • Tiểu đường là tình trạng mất khả năng kiểm soát đường huyết
  • Đường huyết cao có thể dẫn đến các biến chứng ngắn hạn
  • Kiểm soát tình trạng bệnh giúp ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm lâu dài

Phân loại bệnh tiểu đường

Có 3 loại bệnh tiểu đường:

Tiểu đường loại 1

Bệnh tiểu đường loại 1 là một tình trạng tự miễn dịch do hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào beta trong tuyến tụy, dẫn đến mất khả năng tiết insulin. Những bệnh nhân tiểu đường loại 1 không thể sản xuất đủ insulin và do đó họ phải tiêm insulin vài lần trong ngày.

Nó có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng phổ biến hơn ở trẻ em và người trẻ tuổi. Hiện tại vẫn chưa có biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa hoặc chữa khỏi bệnh tiểu đường loại 1.

Tiểu đường loại 2

Bệnh tiểu đường loại 2 (đái tháo đường không phụ thuộc insulin), cơ thể không thể sử dụng insulin đúng cách và các tế bào trong cơ thể xuất hiện tình trạng kháng insulin.

Đây là loại bệnh tiểu đường thường gặp ở người lớn tuổi, nhưng nó đang trở nên phổ biến hơn ở thanh thiếu niên và thậm chí trẻ em. Nguyên nhân cụ thể vẫn đang được nghiên cứu nhưng phần lớn các ca bệnh là những người có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường loại 2, đang trong giai đoạn thai nghén và/hoặc thừa cân, ít vận động.

Hiện vẫn chưa phương pháp chữa trị hiệu quả cho tiểu đường loại 2. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể được ngăn ngừa bằng cách áp dụng lối sống lành mạnh: chế độ ăn uống cân đối dinh dưỡng, thường xuyên rèn luyện thể chất và duy trì cân nặng trong mức bình thường.

Tiểu đường do thai nghén

Những thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ kết hợp với khả năng sản xuất hoặc sử dụng insulin kém, dẫn đến lượng đường trong máu tăng lên ở người mẹ và em bé.

Tiểu đường do thai nghén chiếm khoảng 12-14% trong tất cả các phụ nữ mang thai và thường xảy ra giữa 24 đến 28 tuần của thai kỳ. Đối với hầu hết phụ nữ bị tiểu đường thai nghén, bệnh tiểu đường sẽ hết sau khi sinh. Tuy nhiên, một số người mắc tiểu đường thai nghén sẽ tiến triển thành tiểu đường loại 2 về sau này.

Tóm tắt: 

  • Tiểu đường loại 2 là phổ biến nhất. Bạn có thể giảm nguy cơ mắc tiểu đường loại 2 bằng cách hình thành lối sống lành mạnh
  • Hiện vẫn chưa có biện pháp chữa khỏi cho tiểu đường loại 1 và loại 2
  • Tiểu đường do thai nghén chiếm khoảng 12-14% trong số các phụ nữ mang thai và thường xảy ra giữa 24 đến 28 tuần của thai kỳ.

Kiểm soát bệnh tiểu đường

Đối với bệnh nhân tiểu đường, tăng cường hoạt động thể chất và cân bằng chế độ dinh dưỡng là chìa khóa để kiểm soát tốt lượng đường trong máu.

Những người sử dụng insulin cũng cần phải kiểm soát thời gian dùng, hàm lượng và nhóm thực phẩm giàu chất bột đường (carbohydrate) trong khi ăn và loại insulin mình sử dụng. Thường xuyên theo dõi đường huyết và trao đổi cùng bác sĩ điều trị sẽ giúp bạn kiểm soát được tình trạng bệnh của mình.

Tất cả bệnh nhân tiểu đường nên tránh hút thuốc.

Mẹo ăn uống lành mạnh cho bệnh nhân tiểu đường

Ngoài những lưu ý riêng về thực phẩm giàu tinh bột, dinh dưỡng cho bệnh nhân tiểu đường sẽ gần giống với chế độ ăn uống lành mạnh được đề nghị cho tất cả mọi người có sức khỏe ổn định. Để giúp cải thiện bệnh tiểu đường, Viện nghiên cứu Bệnh tiểu đường của Úc đã đưa ra một vài hướng dẫn căn bản như:

  1. Ăn uống điều độ, không cần bỏ bữa và lựa chọn các món ăn vặt lành mạnh
  2. Bữa ăn chính nên có các loại thực phẩm chứa hàm lượng chất xơ cao, chỉ số tác động đường huyết (Glycemic index /GI) thấp như bánh mì và ngũ cốc ăn sáng làm từ hạt ngũ cốc nguyên cám, các loại đậu, đậu lăng, rau củ và trái cây.
  3. Kiểm soát lượng chất béo trong bữa ăn và hạn chế chất béo bão hòa bằng cách chọn các loại thịt nạc và chất béo lành mạnh. Hạn chế các loại thực phẩm chiên n, nhiều dầu mỡ, bánh ngọt và bánh quy.
  4. Giữ cân nặng của bạn ở mức khỏe mạnh bằng cách điều chỉnh năng lượng nạp vào từ chế độ ăn uống và năng lượng đốt cháy qua hoạt động thể chất mỗi ngày.

Tóm tắt: 

  • Hoạt động thể chất thường xuyên và một chế độ ăn uống lành mạnh là chìa khóa để kiểm soát hiệu quả đường huyết.
  • Tất cả bệnh nhân tiểu đường nên thăm khám thường xuyên với bác sĩ theo dõi điều trị
  • Tất cả những người bị bệnh tiểu đường nên tránh hút thuốc.

Carbohydrate và chỉ số tác động đường huyết GI

Lượng carbohydrate trong bữa ăn là yếu tố tác động nhiều nhất đến lượng đường huyết sau bữa ăn. Thực phẩm có chứa carbohydrate bao gồm bánh mì, ngũ cốc ăn sáng, gạo, mì ống, các loại hạt ngũ cốc như lúa mạch và couscous (một loại lương thực phổ biến ở Bắc Phi), trái cây và các loại nước ép trái cây, các loại đậu và một số rau củ như khoai tây, khoai lang và ngô. Sữa và sữa chua cũng được coi là nguồn carbohydrate dưới dạng đường sữa (đường lactose).

Chỉ số tác động đường huyết (Glycemic Index: GI) là một công cụ hữu ích để lựa chọn các loại thực phẩm giúp kiểm soát hàm lượng glucose trong máu ở bệnh nhân tiểu đường. Carbohydrate trong thức ăn được tiêu hóa và hấp thụ ở các mức độ khác nhau. GI là cách xếp hạng các loại thực phẩm chứa carbohydrate (theo thang từ 0-100) dựa trên mức độ thực phẩm đó làm tăng lượng đường huyết lên rất nhiều, vừa phải hoặc ít.

Thực phẩm chứa loại carbohydrate được tiêu hóa một cách nhanh chóng sẽ dẫn đến lượng glucose trong máu cao và có chỉ số tác động đường huyết GI cao. Thực phẩm nhóm này có chỉ số GI từ 70 trở lên.

Thực phẩm chứa loại carbohydrate được tiêu hóa chậm hơn thì sẽ làm tăng lượng glucose trong máu chậm hơn, và có chỉ số đường huyết GI thấp hơn. Thực phẩm nhóm này sẽ có chỉ số GI từ 55 và thấp hơn. Dùng thực phẩm có chỉ số GI thấp có thể giúp bệnh nhân tiểu đường kiểm soát lượng đường trong máu của họ. Tiêu thụ lượng vừa phải các loại thực phẩm carbohydrate GI thấp thường xuyên trong ngày sẽ giúp bạn giảm cảm giác đói, ổn định lượng đường trong máu và có thể giúp bạn kiểm soát cân nặng hoặc giảm cân.

Lựa chọn thực phẩm chỉ số GI thấp và lành mạnh

  • Sữa và các sản phẩm từ sữa: các loại sữa và sản phẩm từ sữa có hàm lượng chất béo thấp hoặc đã được giảm béo là những lựa chọn tốt nhất cho bệnh nhân tiểu đường.
  • Bánh mì: bánh mì làm từ ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì có bổ sung thêm trái cây và bánh mì lên men tự nhiên (sourdough).
  • Ngũ cốc ăn sáng, cháo truyền thống, muesli tự nhiên (một loại ngũ cốc hỗn hợp từ trái cây sấy, các loại hạt thường dùng kèm với sữa) và các loại khác có hàm lượng chất xơ cao.
  • Tất cả các loại mì ống và mì sợi truyền thống.
  • Một số giống gạo: giống Basmati và giống Doongara có chỉ số GI từ thấp tới trung bình.
  • Ngũ cốc: lúa mạch, lúa mì bulgur và bột semolina từ lúa mì cứng.
  • Các loại đậu: như là đậu hầm đóng hộp, đậu thận, đậu nành, đậu Hà Lan và đậu lăng.
  • Trái cây: táo, cam, lê, đào, nho, kiwi, chuối, mận.
  • Rau quả: hầu hết các loại rau có lượng carbohydrate thấp và do đó ít tác động đến lượng glucose trong máu.

*Rau củ quả với có một lượng đáng kể carbohydrate bao gồm khoai tây, khoai lang, khoai mỡ và ngô ngọt. Khoai lang màu cam, khoai mỡ và ngô ngọt là những chọn lựa có chỉ số GI thấp hơn.

Tóm tắt: 

  • Lượng carbohydrate trong bữa ăn là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến lượng đường huyết.
  • Chỉ số tác động đường huyết (GI) là một công cụ hữu ích để lựa chọn thực phẩm giúp kiểm soát lượng tình trạng bệnh tiểu đường
  • Ăn một lượng vừa phải nhóm thực phẩm chứa carbohydrate có chỉ số GI thấp thường xuyên trong ngày sẽ giúp ổn định lượng đường trong máu.

Vai trò của thực phẩm từ sữa đối với bệnh tiểu đường

Là một trong những nhóm thực phẩm thiết yếu, các loại thực phẩm từ sữa thường được khuyến nghị cho chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh. Có hàng loạt các loại sản phẩm từ sữa ít béo và đa dạng, lý tưởng cho chế độ ăn kiểm soát lượng calo hoặc cho những người cần hạn chế ăn chất béo bão hòa.

Thực phẩm từ sữa (như sữa, pho mát và sữa chua) cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu, bao gồm:

  • Chất đạm
  • Carbohydrate
  • Vitamin (A, D, B12 và riboflavin)
  •  Chất khoáng (canxi, phốt pho, magiê, kali và kẽm )

Do chúng có chỉ số GI thấp, các loại thực phẩm từ sữa cũng có thể là lựa chọn phù hợp cho những bệnh nhân tiểu đường. Khoảng một đến ba khẩu phần các sản phẩm từ sữa mỗi ngày có thể được bổ sung cho chế độ ăn uống. Một khẩu phần sữa tương đương với:

  •  Một ly sữa (250ml)
  •  Một hộp sữa chua (200g)
  • Hai lát pho mát (40g)

Tài liệu tham khảo

http://www.nutritionaustralia.org/national/resource/diabetes