Trẻ sinh non được nuôi chủ yếu bằng sữa mẹ có bộ não lớn hơn so với những trẻ sinh non không tiêu thụ hoặc chỉ tiêu thụ một lượng nhỏ sữa mẹ, tính đến ngày dự sanh của trẻ.
Bản gốc: Báo Sciencedaily, số ra ngày 30/04/2016
Nguồn thông tin: Trường Đại học Y Washington (Washington University School of Medicine)
Tóm tắt: Nuôi trẻ sinh non chủ yếu bằng sữa mẹ trong tháng đầu tiên có thể thúc đẩy sự phát triển não của tốt hơn. Những trẻ thiếu tháng có chế độ ăn hàng ngày ít nhất 50% sữa mẹ có mô não và bề mặt vùng vỏ não lớn hơn so với trẻ sinh non tiêu thụ sữa mẹ ít hơn đáng kể, tính đến ngày dự sanh của trẻ.
Nghiên cứu về trẻ sinh non trong các Trung tâm Săn sóc Đặc biệt Trẻ sơ sinh (NICU) tại Bệnh viện Nhi St. Louis, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng trẻ sanh thiếu tháng có chế độ ăn hàng ngày ít nhất 50% sữa mẹ có mô não và bề mặt vùng vỏ não lớn hơn so với trẻ sinh non tiêu thụ sữa mẹ ít hơn đáng kể.
Các nhà nghiên cứu công bố phát hiện này vào ngày 03 tháng 05 tại cuộc họp thường niên của Hội hàn lâm Nhi khoa ở Baltimore.
Bác sĩ, chuyên viên cao cấp Cynthia Rogers, đồng thời là trợ lý giáo sư về Tâm lý Trẻ em, người đã tiếp xúc với bệnh nhân tại Bệnh viện Nhi St. Louis cho biết: “Não của trẻ sinh non thường không được phát triển đầy đủ. Tuy nhiên, sữa mẹ đã được chứng minh là có ích cho việc phát triển ở các vùng khác của não, bởi vì chúng tôi tìm thấy hiệu quả của sữa mẹ đối với não bộ. Bằng máy quét MRI, chúng tôi thấy rằng các trẻ được nuôi bằng sữa mẹ có khối lượng não lớn hơn. Điều này rất quan trọng bởi vì một số nghiên cứu khác đã chỉ ra mối tương quan giữa khối lượng não và sự phát triển nhận thức”.
Nghiên cứu được tiến hành trên 77 trẻ sinh non. Các nhà nghiên cứu tính ngược trở lại lượng sữa những đứa bé này đã nhận được trong thời gian được chăm sóc tại trung tâm NICU. Sau đó, các nhà nghiên cứu tiến hành chụp hình não những trẻ này vào khoảng thời gian các bé dự tính được sinh ra nếu đúng tháng. Tất cả những đứa trẻ được sinh non ít nhất 10 tuần, với thời gian trong bụng mẹ bình quân là 26 tuần, tức là trung bình chúng được sinh sớm khoảng 14 tuần. Những đứa trẻ sinh non vẫn phát triển, nhưng thường có bộ não nhỏ hơn so với trẻ sinh đủ tháng.
Tác giả chính của bài báo, Erin Reynolds, một kỹ thuật viên nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Rogers, cho biết khi đánh giá sự ảnh hưởng của sữa mẹ đối với sự phát triển não bộ của những đứa trẻ sinh non, các nhà nghiên cứu đã không phân biệt sữa từ người mẹ của đứa bé và sữa mẹ được hiến tặng bởi người phụ nữ khác. Thay vào đó, họ tập trung vào phân tích ảnh hưởng của sữa mẹ nói chung.
Reynolds cho biết: “Khi lượng sữa mẹ tăng lên, thì khả năng tăng vùng võ não của các bé sinh non càng cao. Vỏ não là phần não bộ có liên quan đến sự nhận thức, vì vậy chúng tôi cho rằng vùng vỏ não càng lớn sẽ càng giúp cải thiện sự phát triển cũng như nhận thức của trẻ sinh non.”
Sinh non là nguyên nhân hàng đầu của các vấn đề về thần kinh ở trẻ em và có liên quan đến rối loạn tâm thần ở giai đoạn sau của tuổi thơ trẻ. Rogers và đồng nghiệp đã lên kế hoạch theo dõi những đứa trẻ này trong những năm đầu đời, để xem các bé phát triển như thế nào, trong đó chủ yếu tập trung vào sự vận động, nhận thức và sự phát triển xã hội của các bé. Khi bé lớn lên, các nhà khoa học tin rằng họ sẽ có thể xác định được ảnh hưởng của việc tiêu thụ sớm sữa mẹ đến sự phát triển sau này.
Rogers cho biết: “Chúng tôi muốn xem liệu sự khác biệt này về kích thước não có ảnh hưởng đến những cột mốc phát triển của trẻ hay không. Các bác sĩ chuyên khoa về trẻ sơ sinh tin rằng sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh thiếu tháng. Chúng tôi muốn xem liệu có thể tìm thấy những ảnh hưởng của sữa mẹ đối với não bộ trong những năm đầu đời của trẻ và liệu những lợi ích này chỉ xuất hiện một cách nhanh chóng hay tiếp tục phát triển theo thời gian.”
Rogers cho biết cần thêm nhiều nghiên cứu để xác định cụ thể cơ chế sữa mẹ ảnh hưởng đến não bộ và những chất nào trong sữa giúp thúc đẩy sự phát triển não bộ. Cô giải thích rằng bởi vì tất cả những đứa trẻ trong nghiên cứu này đã được sinh non, nên chưa thể kết luận sữa mẹ có cung cấp những lợi ích tương tự cho các em bé sinh đủ tháng hay không.
Tài liệu tham khảo:
https://www.sciencedaily.com/releases/2016/04/160430100552.htm