Nội dung chính
Brucellosis là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Brucella lây truyền từ động vật sang người; ví dụ người nông dân bị nhiễm bệnh do đỡ đẻ cho bò bị nhiễm bệnh hoặc người tiêu dùng bị nhiễm bệnh do uống sữa từ bò bị nhiễm bệnh mà chưa được thanh trùng. Việc truyền bệnh do vi khuẩn Brucella từ người sang người là rất hiếm. Bệnh này phổ biến hơn ở các quốc gia đang phát triển.
Bệnh còn được gọi là “sốt làn sóng”, đặc trưng bởi sốt cao và toát mồ hôi, sốt có thể kéo dài hàng tháng hoặc hàng năm. Do đó sử dụng kháng sinh kết hợp với chữa trị trong khoảng thời gian dài sẽ ngăn chặn tỷ lệ tái phát bệnh đến 90%, thời gian chữa trị thường dài hơn so với bệnh do các vi khuẩn khác gây nên.
Đặc điểm sinh học
Brucella là những cầu khuẩn Gram âm, nhỏ, không di động và không sinh nha bào. Các loài Brucella là những ký sinh trùng nội bào có khả năng xâm nhập và nhân lên (là thực bào của vật chủ và nhân lên) trong môi trường. Các chủng B. abortus tồn tại phụ thuộc khí CO2 và các chủng B. ovis sinh trưởng trong môi trường chứa 5-10% khí CO2. Các bằng chứng chỉ ra các loài Brucella có thể tồn tại trong môi trường bình thường nhưng không rõ liệu có hay không có loài Brucella có thể sinh sôi rộng rãi bên ngoài vật chủ.
Các loài Brucella có xu hướng ký sinh trên một vật chủ, cụ thể như B. melitensis (cừu, dê), B. abortus (gia súc), B. suis (lợn, thỏ rừng, tuần lộc, loài gặm nhấm hoang dã), B. neotomate (chuột gỗ sa mạc), B. cains (chó) và B. ovis (cừu). Sự tiến hóa của các loài vi khuẩn này phụ thuộc vào vật chủ ký sinh. Tất cả các loài trừ B. ovis và B. neotomate có thể truyền bệnh cho người. Mỗi loài có thể chia nhỏ thành các nhóm nhỏ hơn. Người ta vẫn còn tranh cãi liệu 6 loài này có nên được xếp vào một loài duy nhất do sự tương đồng DNA cao. Ngoài ra, một số chủng Brucella được phân lập từ động vật biển có vú đang chờ được phân loại di truyền thêm.
Đặc điểm bệnh học
Các loài Brucella thường không gây bệnh trên các vật chủ chính (động vật). Trong nhiều trường hợp, chỉ có bằng chứng nhiễm bệnh khi phát hiện con vật bị sảy thai. Con đực có thể mang mầm bệnh trong cơ quan sinh sản.
Bệnh Brucellosis truyền từ động vật sang người nhưng hiếm khi truyền từ người sang người. Sự lây nhiễm chủ yếu thông qua sự tiếp xúc khi chăn nuôi (nhân giống động vật) hoặc tiêu thụ các sản phẩm từ động vật (sữa tươi và pho mát mềm được làm từ sữa chưa thanh trùng). Trong một vài trường hợp, nó có thể lây từ mẹ sang con khi sinh con hoặc qua sữa mẹ khi cho con bú. Bệnh Brucellosis hiếm khi lây qua đường tình dục, qua truyền máu hay ghép tủy xương.
Các đặc điểm bệnh học bao gồm:
- Tỷ lệ tử vong: thấp hơn 2%.
- Liều lây nhiễm: Không xác định ở người; tuy nhiên, ước tính < 500 tế bào là đủ gây lây nhiễm. Con người nhạy cảm với B. melitensis hơn là các loài khác.
- Thời gian ủ bệnh: Tùy theo sự phơi nhiễm, dấu hiệu của bệnh xuất hiện trong vòng 3 tuần, nhưng giai đoạn ủ bệnh không rõ ràng.
- Bệnh tật/ sự tiến triển: Trong giai đoạn đầu của bệnh, xảy ra nhiễm trùng huyết. Bệnh nhân có những cơn sốt liên tục và đổ mồ hôi, cùng với những triệu chứng khác ( được miêu tả trong phần triệu chứng ở phía dưới).
Chẩn đoán bệnh
Con đường lây nhiễm: đường tiêu hoá (uống sữa hoặc ăn phô mai mềm làm từ sữa chưa qua thanh trùng từ con vật nhiễm Brucella), đường hô hấp (nhân viên phòng thí nghiệm lâm sàng hít vào) và vết thương da (công nhân lò mổ và bác sĩ thú y). Trong những trường hợp hiếm gặp, việc lây truyền bệnh từ người sang người có thể xảy ra như sinh con hoặc cho con bú.
Triệu chứng: Các dấu hiệu tiềm ẩn ban đầu của bệnh bao gồm sốt gián đoạn và kéo dài, ớn lạnh, toát mồ hôi, suy nhược, khó chịu, nhức đầu, đau khớp và đau cơ. Bệnh nhân xuất hiện biến chứng có thể có các triệu chứng như khó thở, loạn nhịp tim, phù nề hoặc đau ngực (viêm nội tâm mạc hoặc viêm cơ tim), nhức đầu dữ dội, cứng cổ, lú lẫn hoặc co giật (viêm màng não) và đau lưng (viêm cột sống).
Nếu chẩn đoán bệnh chậm trễ hoặc không điều trị kịp thời, bệnh có thể trở thành mãn tính; có thể khu trú ở xương, khớp gây các bệnh lý xương khớp. Các biến chứng tiềm ẩn khác bao gồm viêm nội tâm mạc bán cấp, viêm màng não, viêm não và viêm cơ tim. Dị ứng quá mẫn (da) không phải là hiếm, nên được cân nhắc đối với nhân viên phòng thí nghiệm hoặc những người có phơi nhiễm với vi sinh vật hoặc kháng nguyên.
Thông thường việc chẩn đoán bệnh Brucellosis dựa vào việc phân lập vi khuẩn từ máu hoặc tủy xương. Sự phát triển chậm của Brucella từ trên canh trường máu gây khó khăn trong chẩn đoán bệnh. Trong trường hợp bệnh tiến triển thành khu trú hoặc nhiễm trùng mãn tính, các bằng chứng biến đổi mô học và hình ảnh X quang về sự thoái hóa đốt sống thắt lưng rất có ích cho việc chẩn đoán. Nhiễm trùng khu trú trong cột sống và viêm cột sống không phải là hiếm gặp khi bị nhiễm trùng mãn tính.
Điều trị bệnh
Hiện bệnh Brucellosis không có vacxin cho người. Vacxin thường được sử dụng để kiểm soát bệnh dịch trên gia súc.
Các kháng sinh được sử dụng phổ biến để điều trị cho người bị bệnh Brucellosis bao gồm: tetracyclin, rifampicin và các aminoglycosid. Nên phối hợp kháng sinh trong ít nhất 6 tuần vì tỷ lệ tái phát cao. Sử dụng kết hợp doxycyclin với rifampicin hoặc doxycyclin với streptomycin có thể trị bệnh và ngừa tái phát bệnh.
Thời gian điều trị: liệu pháp kháng khuẩn thích hợp có thể có hiệu quả chỉ trong vài tuần. Tuy nhiên, ngay cả khi đang điều trị, các triệu chứng có thể tái phát và kéo dài nhiều tháng thậm chí nhiều năm.
Những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao
Các ca bệnh Brucellosis ở người được tìm thấy chủ yếu ở các nước đang phát triển do động vật bị nhiễm bệnh và tiêu thụ nhiều sản phẩm sữa chưa thanh trùng. Các ca bệnh ở cả động vật và người bởi loài B. melitensis được báo cáo ở các quốc gia với đông dân ở Địa Trung Hải, Châu Âu, Châu Phi, Trung Đông, Ấn Độ và một phần châu Á.
Bác sĩ thú y và công nhân trang trại có nguy cơ cao nhiễm bệnh do sự tiếp xúc trong nghề nghiệp. Brucellosis là bệnh phổ biến nhất đối với nhân viên phòng thí nghiệm. Nguy cơ lây nhiễm phát sinh trong quá trình thực hiện thí nghiệm; các thao tác thí nghiệm làm phát tán vi sinh vật trong không khí. Vì nguyên nhân này, tất cả các thao tác cần được thực hiện trong tủ an toàn sinh học.
Tài liệu tham khảo
http://www.fda.gov/Food/FoodborneIllnessContaminants/CausesOfIllnessBadBugBook/