Thứ Ba, 01/04/2025
Dinh dưỡng Thành phần dinh dưỡng Đồ ngọt – Đường và các chất tạo ngọt có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của bạn

Đồ ngọt – Đường và các chất tạo ngọt có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của bạn

 

Đồ ngọt – Đường và các chất tạo ngọt có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của bạn

Hầu hết chúng ta yêu thích các loại thực phẩm và thức uống có vị ngọt. Nhưng sau khi thưởng thức chúng, bạn có thể sẽ lo lắng rằng các chất tạo ngọt đó sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến vòng eo và sức khỏe tổng thể của bạn. Đường có thực sự có hại cho cơ thể chúng ta? Và các chất tạo ngọt nhân tạo hoặc chất tạo ngọt có hàm lượng calo thấp thì sao? Các nhà khoa học đã tìm hiểu được những gì về các loại đồ ngọt mà hầu hết chúng ta tiêu thụ mỗi ngày?

Cơ thể chúng ta cần một loại đường là glucose để tồn tại. “Glucose là số một trong những thực phẩm cho não, và nó là một nguồn nhiên liệu vô cùng quan trọng cho cơ thể,” Tiến sĩ Kristina Rother, một bác sĩ nhi khoa NIH và chuyên gia về các chất tạo ngọt cho biết. Tuy nhiên, chúng ta không cần phải thêm glucose trong chế độ ăn uống, bởi vì cơ thể của chúng ta có thể tự tạo ra lượng đường cần thiết bằng cách bẻ gãy các phân tử thức ăn như carbohydrate, (liên kết đến 1.a.1.3 hoặc 1.a.1.11), protein, và chất béo.

Một số loại đường có sẵn trong thực phẩm, chẳng hạn như trái cây, rau, sữa. “Đây là những thành phần bổ sung tốt trong chế độ ăn uống”, tiến sĩ Andrew Bremer, một bác sĩ nhi khoa và chuyên gia về các chất làm ngọt NIH cho biết. “Ví dụ, khi bạn ăn một quả cam, bạn không chỉ nhận được nhiều chất dinh dưỡng và chất xơ mà còn cùng với các loại đường tự nhiên.”

Mặc dù đường tự nó không phải là xấu, theo tiến sĩ Rother, “đường bị coi là xấu chủ yếu vì chúng ta tiêu thụ nó quá nhiều. Giờ đây, nó có mặt trong hầu hết các loại thực phẩm chúng ta ăn. ”

Các chuyên gia đồng ý rằng người Mỹ tiêu thụ quá nhiều đường, và nó là yếu tố góp phần dẫn tới bệnh béo phì. Phần lớn các đường chúng ta ăn không được tìm thấy tự nhiên trong thực phẩm nhưng được thêm vào trong quá trình chế biến hoặc chuẩn bị.

Khoảng 15% năng lượng trong chế độ ăn của người lớn ở Mỹ là từ đường bổ sung, lượng này tương đương khoảng 22 muỗng cà phê mỗi ngày. Đường thường được thêm vào để làm đồ ăn và thức uống ngon hơn. Nhưng các loại thực phẩm như vậy có thể chứa nhiều năng lượng mà không đem lại những lợi ích cho sức khỏe như trái cây và các loại thực phẩm có vị ngọt tự nhiên khác.

Nước giải khát như soda, nước tăng lực và nước uống thể thao là nguồn cung cấp hàng đầu của các loại đường bổ sung trong chế độ ăn của người Mỹ. Bản thân nước trái cây có chứa rất nhiều đường, nhưng đôi khi chúng vẫn được thêm đường để ngọt hơn.

“Nước trái cây cung cấp một số vitamin và chất dinh dưỡng, nhưng tôi nghĩ rằng những lợi ích này lại bị bù lại bởi các tác động có hại của việc có quá nhiều đường” tiến sĩ Bremer cho biết.

Theo thời gian, các chất làm ngọt dư thừa có thể gây hậu quả xấu đến sức khỏe của bạn. “Một số nghiên cứu đã tìm thấy một liên kết trực tiếp giữa việc tiêu thụ nhiều đường với béo phì và các vấn đề tim mạch trên toàn thế giới,” Bremer nói.

Do những tác động có hại, nhiều tổ chức y tế khuyến cáo rằng người Mỹ cắt giảm lượng đường bổ sung. Nhưng đường bổ sung có thể khó được xác định. Trên danh sách thành phần, chúng có thể được liệt kê như sucrose (đường ăn), đường bắp (corn sweetener), đường bắp cao phân tử (high-fructose corn syrup – HFCS), nước trái cây cô đặc (concentrates), nước mật (nectar), đường thô, xi-rô mạch nha (malt syrup), xi-rô phong (maple syrup), chất ngọt fructose, fructose lỏng, mật ong, mật mía, dextrose khan (anhydrous dextrose) hay những thứ khác kết thúc bằng “-OSE,” (hậu tố hóa học đối với các loại đường). Nếu gặp bất kỳ từ nào trong số này trên nhãn nguyên liệu của thực phẩm thì khả năng cao là thực phẩm đó có chứa nhiều đường. Tổng lượng đường trong thực phẩm được liệt kê dưới dạng “Total Carbohydrate” (tổng carbonhydrat) trên nhãn dinh dưỡng.

Nhiều người cố gắng cắt giảm lượng calo bằng cách chuyển từ thực phẩm chứa đường bổ sung sang chế độ ăn uống với những thực phẩm chứa ít hoặc không chứa calo. Những chất làm ngọt nhân tạo, còn gọi là đường thay thế, ngọt hơn đường ăn nhiều lần, chỉ một lượng rất nhỏ là đủ để tạo ra cùng một mức độ ngọt.

Có nhiều tranh luận về sự an toàn của chất ngọt nhân tạo trong nhiều thập kỷ. Cho đến nay, các nhà nghiên cứu không tìm thấy bằng chứng rõ ràng nào rằng các chất làm ngọt nhân tạo đã được phê duyệt để sử dụng ở Hoa Kì là nguyên nhân gây ung thư hoặc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác của con người.

Tuy nhiên, liệu đường thay thế có thể giúp giảm cân? Có nhiều bằng chứng khoa học khác nhau về vấn đề này. Một số nghiên cứu cho rằng đồ uống giảm cân có thể giúp bạn giảm cân trong thời gian ngắn, nhưng trọng lượng có xu hướng tăng trở lại theo thời gian. Rother và các nhà nghiên cứu của NIH khác đang làm việc để hiểu rõ hơn các hiệu ứng phức tạp mà các chất ngọt nhân tạo có thể có trên cơ thể con người.

Các nghiên cứu ở động vật gặm nhấm và số ít người cho thấy rằng chất ngọt nhân tạo có thể ảnh hưởng đến các vi sinh vật đường ruột tốt, giúp chúng ta tiêu hóa thức ăn. Điều này lại dẫn đến có thể thay đổi khả năng của cơ thể sử dụng glucose, mà sau đó có thể dẫn đến tăng cân. Nhưng cho đến khi những nghiên cứu lớn hơn được thực hiện trên người, ảnh hưởng lâu dài của các chất làm ngọt đến các vi khuẩn đường ruột và trọng lượng vẫn còn chưa chắc chắn.

“Có nhiều tranh cãi về ảnh hưởng tới sức khỏe của chất làm ngọt nhân tạo và sự khác biệt giữa các loại đường và chất tạo ngọt”, tiến sĩ Ivan de Araujo của Đại học Yale cho biết. “Một số nghiên cứu ở động vật cho thấy chất ngọt có thể gây ra tác dụng sinh lý. Nhưng tùy thuộc vào loại phép đo được thực hiện, bao gồm cả ở người, kết quả có thể không thống nhất. ”

De Araujo và những người khác đã nghiên cứu các tác động có thể có của đường và chất tạo ngọt có hàm lượng calo thấp lên não bộ. Nghiên cứu ở động vật của ông cho thấy rằng lượng đường và chất ngọt tác động khác nhau vào mạch tưởng thưởng (reward circuitry) của não bộ, trong đó đường có tác động mạnh mẽ và dễ chịu hơn.

“Phần của não chịu trách nhiệm điều khiển những hành vi tương tự như ‘tôi không thể dừng lại’ có vẻ đặc biệt nhạy cảm với các loại đường và phần lớn là không nhạy cảm với các chất làm ngọt nhân tạo,” de Araujo cho biết. “Mục tiêu lâu dài của chúng tôi thực sự là để hiểu liệu đường hay chất tạo ngọt có năng lượng có phải là nguyên nhân dẫn đến việc ăn liên tục. Nếu tiếp xúc với quá nhiều đường, liệu não bộ có thay đổi và dẫn đến tiêu thụ quá đà? Đó là những gì chúng ta muốn biết. ”

Một số nghiên cứu cho thấy rằng vị ngọt đậm của chất làm ngọt nhân tạo có hàm lượng calo thấp có thể dẫn đến tình trạng “hảo ngọt”, hoặc một sở thích ăn đồ ngọt. Điều này lại có thể dẫn đến ăn quá nhiều. Nhưng cần nhiều nghiên cứu cần thiết để xác định các ảnh hưởng tương đối của chất làm ngọt có và không có calo.

“Về lâu dài, nếu bạn muốn giảm cân, bạn cần phải thiết lập một lối sống lành mạnh có chứa các loại thực phẩm chưa qua chế biến, lượng calo vừa phải và tập thể dục nhiều hơn,” Rother nói.

Khi trẻ em lớn lên ăn nhiều thức ăn ngọt, trẻ có xu hướng thích với đồ ngọt. Nhưng nếu bạn cung cấp cho trẻ nhiều các loại thực phẩm lành mạnh như trái cây và rau quả sớm, trẻ em sẽ phát triển sở thích với rau và trái cây.

“Điều quan trọng là cha mẹ để con trẻ tiếp xúc với nhiều khẩu vị đa dạng sớm, và nhận ra rằng cần phải cố gắng một vài lần để làm cho trẻ ăn những thức ăn đó,” Bremer nói. “Đừng bỏ cuộc quá sớm.”

Chìa khóa để có một sức khỏe tốt là ăn một chế độ ăn uống cân đối với các loại thực phẩm đa dạng và tăng cường hoạt động thể chất. Tập trung vào các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và không thêm đường.

Tài liệu tham khảo

http://newsinhealth.nih.gov/issue/Oct2014/Feature1