Chủ Nhật, 06/04/2025
Những vấn đề được quan tâm Dinh dưỡng Dinh dưỡng khi bắt đầu hoá trị trong điều trị ung thư

Dinh dưỡng khi bắt đầu hoá trị trong điều trị ung thư

Bài viết thứ 4 trong 5 bài thuộc ebook Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư
 

Nếu bạn đang trải qua quá trình hoá trị, bạn sẽ muốn cơ thể mình dễ chịu và khoẻ mạnh nhất có thể trong suốt quá trình điều trị. Thực phẩm bạn ăn vào có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể trong hiệu quả điều trị. “Bên cạnh bệnh ung thư, quá trình hoá trị và xạ trị cũng là gánh nặng lớn đối với hệ thống dinh dưỡng của cơ thể bệnh nhân ung thư,” Y sĩ Charlie Pieterick tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson tại Seattle (Mỹ) cho hay.

Bài viết này trình bày 15 hướng dẫn nhanh về dinh dưỡng đối với bệnh nhân ung thư trong quá trình hoá trị để đối phó với tác dụng phụ của hoá trị, giúp cơ thể dễ chịu và khoẻ mạnh trong quá trình hoá trị.

Đối phó với tác dụng phụ của hoá trị

  • Giữ thức ăn được ngon miệng. Hoá trị gây một số ảnh hưởng đến chồi vị giác trên lưỡi, làm cho bạn cảm nhận các thức ăn và thức uống trước đây trở nên có vị kim loại và không còn ngon miệng. Bà Cara Anselmo, chuyên gia dinh dưỡng y khoa tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan-Kettering (Mỹ) cho rằng nước uống và thịt là hai loại thực phẩm phổ biến nhất trở nên “khó chịu” đối với bệnh nhân trong quá trình hoá trị. Nếu bạn thấy khó khăn khi uống nước lọc, hãy thử nước khoáng có bổ sung mùi hoặc cho một lát chanh vào nước khi uống. Nếu bạn thấy các món thịt không còn ngon như trước đây, hãy thử các nguồn protein khác như trứng, các sản phẩm từ sữa chứa ít chất béo, các loại đậu, và cá.
  • Chống táo bón. Trong khi một số người bị tiêu chảy khi hoá trị thì một số người khác lại bị táo bón. Duy trì cơ thể đủ nước là rất quan trọng để giúp ngăn ngừa táo bón. Bổ sung các loại chất xơ vào chế độ ăn cũng rất có ích. Nếu bạn chưa quen ăn cùng lúc một lượng lớn chất xơ, hãy tăng từ từ lượng chất xơ trong chế độ ăn. Tập thể dục – thậm chí chỉ cần đi bộ 20 phút – có thể là một cách kích thích tiêu hoá hiệu quả.
  • Kiểm soát sự tăng cân. Jenifer Koorenny, chuyên gia dinh dưỡng ung thư cho Liên minh Chăm sóc Ung thư Seattle (Mỹ) cho biết một số bệnh nhân ung thư có xu hướng tăng cân trong quá trình điều trị. Cô ấy đề nghị bạn hãy ăn những bữa ăn chính và phụ chứa ít béo và ăn nhiều rau củ.
  • Cải thiện cảm giác thèm ăn. Nhiều người đang trải qua hoá trị cảm thấy họ giảm cảm giác thèm ăn (biếng ăn). Bởi vì các loại carbohydrate (tinh bột và đường) thường được tiêu hoá tốt, Erika Connor (chuyên gia dinh dưỡng y khoa tại Trung tâm Ung thư Stanford) khuyến nghị bạn hãy thử ăn thức ăn nhẹ như thức uống ngũ cốc nóng, bánh mì nướng với bơ đậu phộng hoặc với bơ từ các loại đậu khác, hoặc bánh mì với Hummus (một loại sốt làm từ đậu gà từ Trung Đông). Các loại thực phẩm thích hợp khác bao gồm sữa chua và các loại súp nghiền.
  • Giảm tiêu chảy. Nếu bạn bị tiêu chảy, hãy tránh thực phẩm chiên và nhiều dầu mỡ, cafein, thức uống nhiều đường và nước trái cây, salad rau xanh, rau củ và trái cây tươi sống (chưa qua nấu chín), và các loại đường năng lượng thấp (sugar alcohol, còn được gọi là dẫn xuất rượu của đường hay đường ăn kiêng). Những thực phẩm thường được dung nạp tốt bao gồm bột yến mạch, phần lớn những loại trái cây đã loại bỏ vỏ, khoai lang, và bí đỏ.
  • Viết nhật ký món ăn và triệu chứng. Hãy viết lại những gì bạn ăn uống và các triệu chứng bạn gặp phải hàng ngày. Những thông tin này sẽ giúp bạn và người chăm sóc bạn nhận biết thực phẩm nào làm bạn buồn nôn, táo bón hay tiêu chảy. Hãy thử cách này, dùng thuốc điều trị và các khuyến nghị ăn uống trước khi các tác dụng phụ tăng dần.

Giữ cơ thể dễ chịu trong quá trình hoá trị

  • Giảm đau miệng. Một số loại hoá trị có thể gây đau miệng, cũng được biết đến là chứng viêm niêm mạc miệng. Để nhanh khỏi, hãy tránh ăn thực phẩm cay, rượu bia và thực phẩm nóng. Hãy giữ miệng luôn ẩm bằng cách dùng nhiều loại thức uống cả ngày. Súc miệng bằng nước muối sau các bữa ăn cũng có thể giúp giảm đau miệng.
  • Giữ cơ thể đủ nước. Tiêu chảy và nôn ói cùng với việc ăn ít thực phẩm lỏng có thể làm cơ thể mất nước. Những dấu hiệu cơ thể mất nước bao gồm miệng khô hoặc dính, mắt trũng, ít nước tiểu (nước tiểu màu vàng đậm) và không thể chảy nước mắt. Uống nhiều nước có thể giúp bạn tránh tình trạng mất nước.
  • Kiểm soát sự buồn nôn. Hãy ăn thực phẩm lạnh thay vì thực phẩm ấm, nhai ngậm kẹo/mứt gừng, uống từng ngụm trà bạc hà hay trà gừng có thể giúp bạn giảm cảm giác nôn ói. Tốt nhất là bạn cũng nên tránh thực phẩm chiên hay chứa nhiều dầu mỡ và thực phẩm có mùi mạnh.
  • Ăn thành nhiều bữa nhỏ. Trong quá trình hoá trị, ăn nhiều bữa ăn nhỏ giúp dung nạp tốt hơn ăn bữa lớn với ít lần ăn hơn. Ăn các bữa ăn nhỏ hơn, thường xuyên hơn cũng giúp bạn giảm nôn ói.
  • Hãy trao đổi với chuyên gia dinh dưỡng. Có thể có ích khi bạn trao đổi với chuyên gia dinh dưỡng, một người có kiến thức chuyên môn về thực phẩm và dinh dưỡng. Chuyên gia dinh dưỡng có thể tư vấn cho bạn về các vấn đề cụ thể liên quan đến thực phẩm và chế độ ăn mà bạn gặp phải trong suốt quá trình điều trị ung thư.

Giữ cơ thể khoẻ mạnh trong quá trình hoá trị

  • Tránh uống rượu. Trong khi hoá trị, hãy đối xử tốt với lá gan của bạn vì nó giúp bạn chuyển hoá tất cả các chất độc tiềm tàng trong máu. Theo bà Anselmo, rượu có thể gây áp lực quá lớn cho gan và khiến gan khó chuyển hoá các thuốc điều trị. Rượu cũng có thể gây buồn nôn hoặc khiến các tác dụng phụ về đường tiêu hoá khác trở nên nặng hơn, và có thể tương tác với thuốc điều trị uống kèm khi hoá trị.
  • Cẩn thận trong việc sử dụng chế phẩm bổ sung. Các chuyên gia dinh dưỡng ở các trung tâm điều trị ung thư hàng đầu khuyến nghị không sử dụng chế phẩm bổ sung trong quá trình hoá trị. Những chế phẩm này bao gồm các vitamin, khoáng chất, thảo mộc và các chất chiết xuất từ thực vật. Những tương tác có thể giữa thuốc – thành phần dinh dưỡng bổ sung có thể làm giảm hiệu quả hóa trị. Hãy trao đổi với bác sĩ của bạn về việc bạn uống bất kỳ chế phẩm bổ sung nào khi bạn đang được hoá trị.
  • Giới hạn lượng trà uống bạn uống. Một số bác sĩ giới hạn lượng trà xanh và trà trắng (một loại trà được thu hoạch khi lá trà còn các lông tơ trắng và sấy cẩn thận, được xem là loại trà giữ được hương vị trà tươi mới hơn cả trà xanh) mà bệnh nhân có thể dùng khi đang hoá trị. Bà Anselmo khuyên bệnh nhân giới hạn các thức uống từ trà xuống còn một đến hai ly mỗi ngày. Các loại trà xanh và trà trắng có chứa các thành phần chống oxy hoá và có thể làm giảm hiệu quả mong muốn của hoá trị.
  • Hãy hỏi ý kiến của bác sĩ đối với thực phẩm từ đậu nành. Trước khi ăn thực phẩm từ đậu nành, hãy hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa của bạn đối với loại ung thư hay loại hoá trị cụ thể mà bạn đang trải qua.

Tài liệu tham khảo

https://www.webmd.com/cancer/features/15-nutrition-tips-chemo#1