Nội dung chính
- 1 Buồn nôn và nôn mửa thường xảy ra ở loại trị liệu ung thư nào?
- 2 Buồn nôn và nôn mửa ảnh hưởng đến việc điều trị bệnh ung thư như thế nào?
- 3 Điều trị buồn nôn và nôn mửa bằng thuốc có hiệu quả không?
- 4 Những gợi ý giúp bạn đối phó với tình trạng buồn nôn và nôn mửa trong quá trình hóa trị hoặc xạ trị
- 5 Sau khi điều trị, khi bị buồn nôn và nôn mửa đồng thời tôi nên làm gì?
- 6 Nếu chỉ bị buồn nôn mà không nôn mửa, tôi nên làm gì?
- 7 Lên kế hoạch bữa ăn để đối phó với triệu chứng buồn nôn và nôn mửa
- 8 Tài liệu tham khảo
Buồn nôn và nôn mửa là hai triệu chứng không mong muốn thường gặp trong điều trị ung thư. Tùy vào nhiều yếu tố như phương pháp điều trị và sức khỏe của bệnh nhân mà các triệu chứng này có thể biểu hiện ở các mức độ nặng nhẹ khác nhau và cách đối phó cũng khác nhau. Một số người vừa bị buồn nôn vừa nôn mửa, một số khác lại bị buồn nôn chứ không nôn mửa. May mắn hơn, một số người không có các triệu chứng này. Do đó, điều quan trọng cần nhớ là không nên so sánh tình trạng bệnh của bệnh nhân này với một bệnh nhân khác, và nên thử nhiều cách khác nhau để chọn ra cách đối phó với tình trạng buồn nôn và nôn mửa phù hợp với mỗi bệnh nhân.
Buồn nôn và nôn mửa thường xảy ra ở loại trị liệu ung thư nào?
Buồn nôn và nôn mửa là hai triệu chứng thường gặp khi hóa trị hoặc xạ trị vào vùng dạ dày, bụng và não. Một số thuốc dùng trong hóa trị cũng có thể khiến bạn bị buồn nôn, trong khi một số thuốc khác lại không gây ra triệu chứng này.
Buồn nôn và nôn mửa ảnh hưởng đến việc điều trị bệnh ung thư như thế nào?
Việc buồn nôn khiến bạn ăn uống khó khăn, nôn mửa nhiều có thể dẫn đến mất nước. Nếu không được điều trị, cơ thể có thể bị mất nước nghiêm trọng. Vì vậy, cần chú ý bổ sung nước khi bạn gặp phải các triệu chứng này.
Điều trị buồn nôn và nôn mửa bằng thuốc có hiệu quả không?
Nếu buồn nôn và nôn mửa là do hóa trị hoặc xạ trị gây ra, việc dùng thuốc để kiểm soát các triệu chứng này là rất quan trọng. Thông thường việc phòng chống buồn nôn có hiệu quả hơn việc điều trị buồn nôn khi triệu chứng đã bắt đầu xảy ra. Do đó, bạn nên hỏi xin bác sĩ thuốc chống buồn nôn. Nếu thuốc không có hiệu quả, bạn nên hỏi xin bác sĩ đổi thuốc khác. Đôi khi các bác sĩ có thể dùng kết hợp nhiều loại thuốc do cơ chế chống buồn nôn của các loại thuốc khác nhau. Nếu liên tục bị nôn mửa và không thể uống thuốc, bệnh nhân nên hỏi bác sĩ về thuốc đạn trị buồn nôn hoặc các loại thuốc tan trên lưỡi để tránh phải nuốt thuốc vào.
Không ai biết chính xác loại thuốc nào hay cách phòng chống nào sẽ có hiệu quả đối với từng bệnh nhân cụ thể, do đó việc điều trị buồn nôn và nôn mửa giống như là một phép thử cho đến khi nào tìm được loại thuốc hoặc phương pháp thích hợp.
Điều cần nhớ là nên uống các loại thuốc này theo chỉ định. Đừng đợi đến khi nôn mửa mới uống thuốc vì các loại thuốc này cần được uống đầy đủ nhằm phòng ngừa nôn mửa.
Những gợi ý giúp bạn đối phó với tình trạng buồn nôn và nôn mửa trong quá trình hóa trị hoặc xạ trị
- Nhấp những ngụm nước nhỏ trước và sau khi hóa trị. Uống nhiều nước có thể giúp đào thải những sản phẩm phụ không mong muốn sinh ra do quá trình hóa trị.
- Ăn bữa ăn nhỏ trước khi bắt đầu hóa trị. Nên ăn những món ăn nhẹ, dễ tiêu hóa như súp, yaourt, trái cây (như táo), một lát bánh mì, cơm. Trong quá trình điều trị, nên uống những ngụm nhỏ chất lỏng như nước trái cây, nước bù điện giải (sport drink), trà (có thể thêm đá), nước ngọt (không nên có ga) có hương chanh hay gừng, nước sirô đá bào, nước hầm xương nguội. Ngoài ra có thể ăn một vài loại thức ăn có vị mặn như bánh quy mặn, bánh mì; bệnh nhân thường chịu được những loại thức ăn nhẹ có vị mặn này. Để bổ sung protein, bệnh nhân cũng có thể uống các loại bột dinh dưỡng giàu protein.
- Nếu bạn nằm, hãy nằm nghiêng với đầu đặt cao trên gối. Bởi vì nếu bạn nôn mửa thì cũng không bị hít hoặc nuốt vào.
- Chú ý không để cơ thể mất nước; bạn có thể ngậm những viên đá nhỏ hoặc những viên nước trái cây đông đá. Bình cách nhiệt hoặc những đồ dùng giữ nhiệt tương tự có thể có ích để mang đá viên theo bên mình trong ngày hoá trị.
- Đừng cố gắng ăn gì khi đang cảm thấy buồn nôn hay nôn mửa.
Sau khi điều trị, khi bị buồn nôn và nôn mửa đồng thời tôi nên làm gì?
Khi bị nôn mửa, bạn không nên cố gắng ăn uống. Chờ khoảng 30 phút sau khi nôn mửa, nhấp những ngụm nước nhỏ, nên uống nước nguội hoặc nước ngọt đã hết ga. Nếu cơ thể chịu được thì sau đó có thể chuyển sang những loại chất lỏng khác. Thông thường, thức uống nguội hoặc lạnh là dễ chịu nhất.
Vẫn như trong giai đoạn điều trị, luôn chú ý uống nhiều nước và các loại chất lỏng đến mức có thể. Sau mỗi lần nôn mửa, bạn nên uống thêm một cốc nước hoặc các loại thức uống liệt kê bên trên, nếu có thể uống được các loại thức uống hoặc súp có dinh dưỡng thì càng tốt.
Lưu ý rằng chỉ dựa vào các thức uống và nước hầm xương (clear liquid diet) không thể cung cấp đủ dinh dưỡng cho nhu cầu của cơ thể. Do đó, không nên hoàn toàn dựa vào chế độ dinh dưỡng chỉ có chất lỏng này quá hai ngày.
Khi cơ thể bệnh nhân chịu được, có thể thử ăn những loại thức ăn nhẹ sau:
- Bánh quy mặn, bánh mì (không thịt), bánh mì lát, ngũ cốc khô: vài tiếng một lần
- Những thức ăn dễ tiêu hóa nhưng tiêu hoá chậm gồm kem đá, viên nước trái cây đông đá, sorbet (loại kem lạnh làm từ nước có đường trộn với nước trái cây hoặc trái cây xay nhuyễn)
Sau khi hết nôn mửa mà vẫn bị buồn nôn, bạn có thể làm theo hướng dẫn tiếp theo.
Nếu chỉ bị buồn nôn mà không nôn mửa, tôi nên làm gì?
Đây là lúc bạn cần mạnh dạn thử các loại công thức, hương vị, gia vị, thức ăn khác nhau, kể cả từ các nguồn ẩm thực nước ngoài. Khẩu vị của bạn có thể thay đổi rất nhanh từ ngày này sang ngày khác.
Luôn nhớ uống nhiều nước hoặc các loại chất lỏng. Đôi khi tình trạng mất nước cũng có thể gây buồn nôn.
Những gợi ý sau có thể giúp bạn đối phó với tình trạng buồn nôn:
- Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ, gồm cả những bữa ăn nhẹ
- Dùng thức ăn hay đồ uống nguội để giảm mùi và vị. Có thể thử cả các loại thức ăn lạnh.
- Chọn nơi thoáng mát để ăn, tránh ăn trong phòng nóng và hầm.
- Thử uống nước hoặc trà gừng, hoặc dùng viên bổ sung gừng. Kết quả khảo sát cho thấy dùng viên bổ sung gừng (ginger supplement) trước và trong khi hóa trị có thể giúp giảm triệu chứng buồn nôn. Tuy nhiên, cần lưu ý là không dùng gừng quá liều vì nó có thể tương tác với thuốc chống đông máu và làm hạ đường huyết ở những người uống thuốc trị đái tháo đường. Để nấu trà gừng, bạn có thể gọt vỏ, cắt củ gừng cỡ hai ngón tay thành lát mỏng chừng 2-3 milimet, thêm khoảng 2 -3 cốc nước, đun trên bếp đến khi sôi rồi hạ lửa nhỏ nấu trong chừng 15-20 phút. Lưu ý là đừng thêm nghệ vào nấu chung, vì nghệ được khuyến cáo không nên dùng trong lúc hoá trị và xạ trị nói chung và đặc biệt cho các bệnh nhân ung thư vú.
- Súc miệng trước và sau khi ăn. Tránh dùng nước súc miệng có chứa cồn. Thay vào đó, hãy pha một muỗng cà phê muối nở (baking soda) với một muỗng cà phê muối vào khoảng 1 lít nước nguội để dùng.
- Tránh nằm ngay sau khi ăn hoặc uống. Nếu cần nghỉ ngơi, bạn hãy ngồi dựa vào ghế hoặc nằm trên ghế xếp dài để giữ đầu ở vị trí cao trong ít nhất một tiếng.
- Nếu cảm thấy miệng có vị khó chịu, hãy ngậm kẹo bạc hà hay chanh. Đôi khi ăn kẹo gừng hoặc mứt gừng cũng có hiệu quả.
- Nếu bạn có thêm triệu chứng đau bụng hoặc ợ chua, hãy hỏi bác sĩ xem bạn có nên dùng thêm thuốc kháng acid (antacid) hay không.
- Tùy vào khẩu vị từng người, có thể thử tránh ăn các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, béo ngậy hoặc quá ngọt. Thức ăn cay hoặc nêm nếm quá mặn cũng có thể khiến bao tử khó chịu, nhưng điều này cũng tùy từng người.
- Trong những ngày điều trị nên tránh ăn các món ăn ưa thích để giảm nguy cơ sau này bị liên tưởng các món ăn ưa thích với tình trạng buồn nôn rồi trở nên chán ghét chúng (food aversion).
- Trong nhiều trường hợp, thức ăn có mùi nồng dễ gây cảm giác buồn nôn. Để hạn chế điều này, hãy thử cho nước súp hay các loại chất lỏng có mùi vào trong ly có nắp và uống qua lỗ nhỏ trên nắp hay bằng ống hút (như các ly cà phê mang đi). Nếu có thể thì nhờ người nấu ăn hộ và tránh xa nhà bếp khi đang nấu, hoặc mua thức ăn bên ngoài để tránh mùi trong lúc nấu gây cảm giác buồn nôn.
Lên kế hoạch bữa ăn để đối phó với triệu chứng buồn nôn và nôn mửa
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, vào những ngày sau điều trị mà bạn gặp phải triệu chứng buồn nôn và nôn mửa, bạn có thể chuẩn bị bữa ăn gồm 4 nhóm thức ăn sau:
- Nhóm cung cấp protein: thịt heo, bò, gà, cá luộc, xào hoặc nướng trong lò (không nướng trên than), trứng, các loại súp sệt nấu với sữa không béo (ví dụ súp nấm), bơ đậu phộng, yaourt không béo.
Tránh các loại thịt cá chiên; thịt nhiều béo như xúc xích; trứng chiên…
- Nhóm gạo, bún, bánh mì, củ (cung cấp carbohydrate): cơm, bún, mì, bánh mì không nêm nếm hoặc có vị mặn nhẹ, các loại bánh từ bột có vị mặn nhẹ, khoai tây luộc hoặc nướng lò.
Tránh các loại bánh nhiều béo, quá ngọt như cơm chiên, bánh muffin, bánh tổ ong (waffle), bánh xèo, khoai tây chiên, khoai lang chiên…
- Nhóm rau quả: rau quả ăn tùy theo khẩu vị, nếu bị buồn nôn nặng thì có thể bỏ qua nhóm này tạm thời.
Tránh các loại rau quả có mùi nặng hoặc nhiều béo (ví dụ bông cải nhúng bột chiên giòn).
- Nhóm thức ăn tráng miệng và đồ uống: các loại nước trái cây lạnh, thức uống không cafein, trà đá, nước bù điện giải, các loại bánh bông lan (gatô) bông và nhẹ, kem đá, viên nước trái cây hoặc trái cây xay nhuyễn đông lạnh…
Tránh thức uống có cồn, cà phê, kem lạnh làm từ sữa nguyên kem (loại kem thường mua trong siêu thị), bánh ngọt nhiều đường và béo, ô liu, các đồ uống nhiều béo…
Về gia vị, các món ăn có thể nêm nếm nhạt rồi đậm dần, tùy vào khả năng tiếp nhận của cơ thể người bệnh. Gừng được xem là có thể giúp giảm triệu chứng buồn nôn nên có thể kết hợp nấu gừng vào các món ăn.
Tài liệu tham khảo
Sách “Complete guide to nutrition for cancer survivor” của Hiệp hội Ung thư Mỹ, (2010) Sách “What to eat during cancer treatment” của Hiệp hội Ung thư Mỹ (2009) https://www.rogelcancercenter.org/living-with-cancer/mind-body-side-effects/nutrition/most-wanted-supplements