Nội dung chính
Ung thư hiện đang là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Số lượng bệnh nhân ung thư được dự đoán sẽ tăng vọt trong những thập kỷ tới. Những tiến bộ về mọi mặt trong phát hiện và điều trị bệnh ung thư đã và đang giúp cho rất nhiều bệnh nhân ung thư chữa khỏi bệnh hoặc chuyển từ bệnh không chữa trị được sang bệnh mạn tính, dù rằng vẫn có những căn bệnh ung thư chưa có phương thức chữa trị hữu hiệu. Dù vậy, những tiến bộ y học này thường xuyên không phát huy được hiệu quả của nó bởi một bộ phận không nhỏ bệnh nhân và những “chiến binh” chống ung thư bị rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng (malnutrition) hoặc xáo trộn chuyển hóa dinh dưỡng (metabolic derangement) gây ra bởi chính căn bệnh ung thư hoặc do các biện pháp trị liệu như hóa trị, xạ trị…
Tình trạng suy dinh dưỡng và teo cơ (loss of muscle) thường gặp ở bệnh nhân ung thư có thể gây ảnh hưởng xấu đến khả năng đáp ứng với điều trị của bệnh nhân. Nguyên nhân có thể do ăn uống không đủ chất, không vận động cơ thể đủ, hoặc xáo trộn hấp thu dinh dưỡng. Vì vậy, bên cạnh việc tăng cường vận động (tối thiểu 150 phút hoạt động mạnh tương đối hoặc 75 phút hoạt động mạnh mỗi tuần), tất cả các bệnh nhân ung thư còn luôn cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng. Một trong những thách thức lớn nhất của người bệnh trong việc đảm bảo một chế độ dinh dưỡng hợp lý là tình trạng thay đổi vị giác tạm thời hoặc mạn tính xảy ra ở 15-100% bệnh nhân ung thư, dẫn đến mất cảm giác ngon miệng và giảm cân. Thay đổi vị giác cũng được liệt kê là triệu chứng thường gặp thứ tư ở bệnh nhân ung thư, sau tình trạng khô miệng, sụt cân và chán ăn.
Tình trạng thay đổi vị giác
Một số tình trạng thay đổi khẩu vị phổ biến bao gồm:
- Thực phẩm có thể có vị khác so với trước đây, đặc biệt là thực phẩm có vị đắng, ngọt và mặn.
- Một số thực phẩm có vị nhạt nhẽo.
- Mọi thực phẩm đều có hương vị giống nhau.
- Cảm thấy thực phẩm có vị kim loại hoặc cảm thấy hóa chất trong miệng, đặc biệt là sau khi ăn thịt hoặc các thực phẩm giàu protein khác. Sự thay đổi này thường được cho là có liên quan đến tình trạng thiếu kẽm sau khi hóa trị.
- Không chịu được một số mùi vị vốn rất bình thường trước đây, đặc biệc không chịu được vị đắng (ví dụ trong thịt, sô cô la và cà phê).
Nguyên nhân thay đổi vị giác
Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng thay đổi vị giác có liên quan đến căn bệnh ung thư và cách điều trị ung thư. Hiểu biết về các nguyên nhân này có thể giúp bạn và và gia đình tìm được cách khắc phục hiệu quả hơn.
Hóa trị
Thay đổi vị giác là một tác dụng phụ phổ biến của hóa trị. Khoảng một nửa số người được hóa trị liệu có sự thay đổi vị giác. Nhưng những thay đổi này thường chỉ kéo dài khoảng 3 đến 4 tuần sau khi điều trị kết thúc.
- Các loại hóa trị sau đây thường được biết có thể gây ra thay đổi vị giác: Cisplatin, Cyclophosphamide, Doxorubicin, Fluorouracil, Paclitaxel, Vincristine
- Các loại thuốc khác: Một số loại thuốc khác có thể gây ra thay đổi hương vị, bao gồm một số loại thuốc opioid được sử dụng để giảm đau (chẳng hạn như morphin) hoặc thuốc kháng sinh, được sử dụng để điều trị nhiễm trùng
Xạ trị
Xạ trị vùng cổ và đầu có thể làm tổn thương các nhú vị giác và tuyến nước bọt, gây ra thay đổi vị giác. Nó cũng có thể gây ra những thay đổi về khứu giác. Thay đổi về khứu giác có thể ảnh hưởng đến mùi vị thực phẩm.
- Thay đổi vị giác do xạ trị thường bắt đầu cải thiện từ 3 tuần đến 2 tháng sau khi kết thúc điều trị. Sự hay đổi vị giác có thể tiếp tục cải thiện trong khoảng một năm. Tuy nhiên, nếu tuyến nước bọt bị tổn hại, thì vị giác có thể không hoàn toàn phục hồi như trước khi điều trị. Thông thường các bệnh nhân sẽ phục hồi dần từng vị giác một, ví dụ vị đắng rồi đến vị mặn, sau đó đến vị ngọt.
Các nguyên nhân khác
Các nguyên nhân khác gây thay đổi vị giác bao gồm:
- Phẫu thuật mũi, họng hoặc miệng
- Các liệu pháp sinh học, như interleukin-2 (IL-2), còn được biết đến với tên thuốc là aldesleukin (sản phẩm thuốc Proleukin). Đây là một liệu pháp miễn dịch dùng chính sinh phẩm là một chất cytokine tạo ra tự nhiên bởi các tế bào bạch cầu trong cơ thể. Tác dụng của IL-2 là kích thích phản ứng của hệ miễn dịch để chống lại căn bệnh ung thư.
- Khô miệng
- Tổn thương thần kinh vị giác
- Nhiễm trùng miệng
- Các vấn đề về răng hoặc nướu
- Buồn nôn và nôn mửa
Tổng kết: Tình trạng thay đổi vị giác gây ra cảm giác chán ăn, sợ ăn là một tình trạng rất phổ biến ở các bệnh nhân ung thư, đặc biệt là những bệnh nhân vừa trải qua hóa trị hoặc xạ trị. Nhận biết được tình trạng này và chuẩn bị cho bản thân cả về mặt tinh thần lẫn trong cuộc sống thực tế sẽ giúp giảm bớt phần nào gánh nặng của người bệnh và gia đình.
Mời các bạn tìm hiểu thêm cách đối phó với tình trạng thay đổi vị giác ở bài viết “Chiến thắng thay đổi vị giác trong ung thư – Kỳ 2“.
Tài liệu tham khảo
Hướng dẫn dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư của Hiệp hội châu Âu về chăm sóc giảm nhẹ, năm 2017. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/14513063 https://www.seattlecca.org/sites/default/files/content_page/2016-07/f1/inline-documents/HSC-Diet-for-Immunosuppressed-Patients-032508_5888_0.pdf https://www.seattlecca.org/nutrition/gastrointestinal-diet-2 https://jandonline.org/article/S0002-8223(06)01720-2/fulltext https://www.cancercouncil.com.au/21639/cancer-prevention/diet-exercise/nutrition-diet/fruit-vegetables/meat-and-cancer/ https://www.eatforhealth.gov.au/food-essentials/five-food-groups/lean-meat-and-poultry-fish-eggs-tofu-nuts-and-seeds-and