Thứ Năm, 21/11/2024
Dinh dưỡng Dinh dưỡng đối với bệnh tiểu đường loại 2

Dinh dưỡng đối với bệnh tiểu đường loại 2

Bài viết thứ 1 trong 6 bài thuộc ebook Dinh dưỡng cho người mắc bệnh tiểu đường
 

Khi mắc bệnh tiểu đường loại 2, một trong những yếu tố quan trọng trong việc kiểm soát chỉ số đường huyết và cân nặng là chế độ ăn uống hàng ngày của bạn.  Ban đầu, việc thay đổi chế độ ăn uống có thể gặp khó khăn. Nhưng nó sẽ trở nên dễ dàng hơn khi bạn hiểu biết thêm về các nhóm thực phẩm và ảnh hưởng của chúng đối với lượng đường trong máu.

Tiểu đường loại 2 còn gọi là đái tháo đường không phụ thuộc insulin. Ở bệnh nhân tiểu đường loại 2, đường trong máu tăng do giảm nhạy cảm với insulin, gan mất khả năng ức chế tiết đường vào máu hoặc đường không được nạp đủ vào tế bào. Điều trị thường bao gồm chế độ ăn phù hợp, tập luyện và/hoặc kết hợp thuốc để giảm đường huyết máu theo chỉ định của bác sĩ.

Chỉ số đường huyết có thể được kiểm soát để giữ mức đường máu trước khi ăn 80-130 mg/dl (4,4 và 7,2 mmol/L), đỉnh của đường máu 1-2 giờ sau bữa ăn < 180 mg/dL (10 mmol/L) và nồng độ HbA1c<7%.

Kiểm soát chỉ số đường huyết có thể được thực hiện bằng cách tuân thủ chế độ ăn:

  • Có đầy đủ các nhóm dưỡng chất: chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất
  • Giảm bớt năng lượng
  • Kiểm soát lượng chất bột đường (carbohydrate) mỗi bữa ăn: tăng cường chất xơ, hạn chế ngũ cốc tinh chế
  • Chất béo lành mạnh, hạn chế chất béo bão hòa

Ngoài ra, bệnh nhân có thể cải thiện tình trạng bệnh bằng cách kiểm soát cân nặng của mình. Những người bị bệnh tiểu đường loại 2 thường thừa cân hoặc béo phì.

Để kiểm soát tình trạng tiểu đường tốt hơn, bạn có thể giảm cân, áp dụng chế độ ăn lành mạnh và kết hợp với các hoạt động thể chất (khoảng 60 phút đi bộ hoặc các hoạt động luyện tập khác mỗi ngày).

Chất bột đường có ảnh hưởng như thế nào đến đường huyết

Carbohydrate trong thực phẩm giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể. Nhưng carbohydrate cũng làm tăng lượng đường trong máu cao hơn và nhanh hơn các nhóm thực phẩm khác.

Các loại carbohydrate chính là tinh bột, đường và chất xơ. Tìm hiểu về thành phần carbohydrate trong thực phẩm sẽ giúp bạn thiết lập chế độ ăn phù hợp và kiểm soát đường máu dễ dàng hơn.

Chỉ số tác động đường huyết của thực phẩm (glycemic index GI) đo ảnh hưởng của thực phẩm chứa carbohydrate lên hàm lượng đường trong máu. Một số thực phẩm chứa carbohydrate được tiêu hóa và chuyển thành đường trong máu nhanh chóng, trong khi một số khác thì chậm hơn.

Nghiên cứu nhận thấy rằng chế độ ăn bao gồm các thực phẩm có chỉ số GI thấp có thể giúp kiểm soát đường huyết ở người mắc bệnh tiểu đường. Một số loại thực phẩm điển hình có chỉ số GI thấp là thực phẩm giàu chất xơ (một loại carbohydrate thực vật mà cơ thể không tiêu hóa được): đậu Hà Lan, đậu xanh, đậu lăng, lúa mạch, ngũ cốc nguyên cám.

Chỉ số đường huyết của một loại thực phẩm còn có thể thay đổi tùy theo phương pháp chế biến. Ví dụ như khoai tây nướng thì có chỉ số GI cao hơn khoai tây luộc.

Trẻ em và bệnh tiểu đường loại 2

Có rất nhiều thách thức khi thiết lập chế độ ăn uống cho trẻ em mắc bệnh tiểu đường loại 2. Điều này đòi hỏi đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho trẻ phát triển.

Trẻ em thường cần 3 bữa ăn chính và 3 bữa ăn phụ để đáp ứng nhu cầu năng lượng của chúng. Rất nhiều trẻ em mắc bệnh tiểu đường loại 2 bị béo phì. Ở đối tượng này, mục tiêu là kiểm soát cân nặng bằng một chế độ ăn lành mạnh và tăng cường các hoạt động thể chất (khoảng 60 phút mỗi ngày).

Trẻ em khi bước vào độ tuổi vị thành niên thường gặp khó khăn hơn khi kiểm soát đường huyết do ảnh hưởng cộng của nhạy cảm insulin và các yếu tố dậy thì, tâm lý, hóc-môn, v.v.

Gia đình có thể trao đổi với một nhà dinh dưỡng học được đăng ký hành nghề với bộ y tế (dietitian), để thiết kế một chế độ ăn uống phù hợp cho trẻ. Một nhà dinh dưỡng học được đào tạo nghiêm ngặt về thực phẩm và dinh dưỡng và được phép chẩn đoán vấn đề sức khỏe và hướng dẫn dinh dưỡng phù hợp.

Gia đình có thể giúp đỡ trẻ bằng cách:

  • Đa dạng hóa các nhóm thực phẩm. Giúp trẻ nhận biết được các loại thực phẩm khác nhau ảnh hưởng như thế nào đến lượng đường trong máu sẽ hỗ trợ chúng kiểm soát chỉ số đường huyết tốt hơn.
  • Giúp con bạn biết cách kiểm soát khẩu phần ăn.
  • Chuyển dần thói quen uống soda và đồ uống ngọt khác như nước uống tăng lực và nước trái cây thêm đường, sang nước lọc hoặc sữa ít béo.

Lên kế hoạch cho bữa ăn

Nhu cầu dinh dưỡng của mỗi cá nhân sẽ khác nhau. Hãy trao đổi với bác sĩ điều trị và nhà dinh dưỡng học (dietitian) có uy tín để lập ra một chế độ ăn uống nhằm giữ đường huyết ở mức gần tối ưu đồng thời duy trì cân nặng cơ thể ở mức khỏe mạnh.

Số lượng mỗi loại thực phẩm cụ thể sẽ phụ thuộc vào:

  • Chế độ ăn
  • Cân nặng
  • Mức độ tập thể dục thường xuyên
  • Những nguy cơ khác về sức khỏe

Khi mua sắm, hãy chú ý đến phần thông tin dinh dưỡng trên nhãn dán của thực phẩm để có sự lựa chọn đúng đắn.

Đều đặn theo dõi lượng đường trong máu tại nhà cũng sẽ giúp bạn biết được mức độ ảnh hưởng của các loại thực phẩm khác nhau lên mức đường huyết như thế nào.

Để cân đối các nhóm thực phẩm dinh dưỡng, bạn có thể sử dụng phương pháp thực phẩm trực quan như “phương pháp đĩa”. Phương pháp này khuyến khích khẩu phần ăn gồm rau củ và trái cây (nửa đĩa), phần đạm vừa phải (1/4 đĩa) và thực phẩm giàu chất xơ và ngũ cốc nguyên cám (1/4 đĩa).

Phương pháp đĩa thức ăn. (Nguồn ảnh: https://www.healthconnectionsdpc.com/healthy-eating-tips/plate-method/)

Đa dạng hóa các nhóm thực phẩm trong chế độ ăn uống

Cố gắng bổ sung thực phẩm từ tất cả các nhóm dưỡng chất trong mỗi bữa ăn.

Rau củ

(2,5-3 cốc hoặc 450-550 gam/ngày)

Chọn loại rau củ tươi hoặc đông lạnh mà không trộn thêm các loại nước xốt, chất béo hoặc muối.

Các loại rau không chứa tinh bột bao gồm các loại rau có màu xanh đậm và vàng đậm, chẳng hạn như dưa chuột, rau bina, súp lơ xanh, rau diếp, bắp cải, cải thìa và ớt chuông.

Các loại rau củ giàu tinh bột bao gồm ngô, đậu Hà Lan, đậu lima, cà rốt, khoai mỡ và khoai môn.

Lưu ý: khoai tây nên được coi là một loại tinh bột đã qua tinh chế, giống như bánh mì trắng hoặc gạo trắng, thay vì một loại rau.

Trái cây

(1,5-2 cốc hoặc 240-320 gam/ngày)

Chọn trái cây tươi, đông lạnh, đóng hộp, hoặc trái cây sấy khô không thêm đường hoặc xi-rô tạo ngọt. Hãy thử táo, chuối, quả mọng, anh đào, cocktail trái cây, nho, dưa, cam, đào, lê, đu đủ, dứa và nho khô. Uống các loại nước ép trái cây KHÔNG bổ sung chất tạo ngọt hoặc xi-rô.

Các loại hạt ngũ cốc

(85-115 gam/ngày)

Có 2 loại hạt:

  • Ngũ cốc nguyên hạt: chưa qua tinh chế, tức là chưa qua xay xát để loại bỏ cám và mầm. Ví dụ như bột mì nguyên cám, bột yến mạch, bột ngô nguyên cám, hạt dền (amaranth), lúa mạch, gạo nâu và gạo dại, kiều mạch và hạt quinoa.
  • Ngũ cốc tinh chế: đã được xử lý để loại bỏ cám và mầm. Ví dụ như bột mì trắng, bột ngô đã được bỏ mầm, bánh mì trắng và gạo trắng.

Ngũ cốc có tinh bột (phần nội nhũ dưới lớp cám), một loại carbohydrate làm tăng lượng đường trong máu của bạn. Để giữ lượng đường trong máu của bạn không tăng quá nhanh, hãy dùng ngũ cốc nguyên hạt có nhiều chất xơ thay vì ngũ cốc tinh chế trong chế độ ăn hàng ngày.

dinh duong tieu duong loai 2
Nguồn ảnh: https://www.healthconnectionsdpc.com/healthy-eating-tips/plate-method/

Chất đạm (protein)

(140-184 gam/ngày)

Thực phẩm giàu đạm bao gồm thịt đỏ, thịt gia cầm, hải sản, trứng, đậu và đậu Hà Lan, các loại hạt, hạt và thực phẩm đậu nành chế biến.

Nên thường xuyên ăn cá và thịt gia cầm (bỏ phần da gà và gà tây). Chọn phần nạc của thịt bò, thịt bê, thịt lợn hoặc thịt thú rừng và loại bỏ phần mỡ (những đường vân màu trắng trên miếng thịt).

Sử dụng phương pháp chế biến ít dầu như nướng, quay, luộc thay vì chiên rán. Nếu chiên thịt thì nên sử dụng các loại dầu lành mạnh như dầu ô-liu.

dinh duong tieu duong loai 2
Thực phẩm giàu đạm (Nguồn ảnh: https://doctor.ndtv.com)

Sữa

(245 gam/ngày)

Chọn các sản phẩm sữa ít béo. Lưu ý rằng sữa, sữa chua và các sản phẩm từ sữa khác đều có sẵn đường tự nhiên. Vì thế nên cân nhắc điều này khi lên kế hoạch cho các bữa ăn để kiểm soát mức đường huyết.

Trên thị trường, một số sản phẩm sữa không béo thường được cho thêm đường để tạo ngọt, cải thiện vị. Hãy để ý đến thành phần đường khi trên nhãn sản phẩm.

Dầu thực vật và Chất béo

(giới hạn ở mức 7 thìa cà phê hoặc 35 ml/ngày)

Dầu khác với chất béo ở chỗ tại nhiệt độ phòng, dầu ở dạng lỏng còn chất béo ở trạng thái rắn. Các loại dầu thực vật có những chất dinh dưỡng giúp cơ thể bạn khỏe mạnh.

Dầu ăn có thể làm tăng lượng đường trong máu của bạn, nhưng không nhanh như tinh bột. Dầu cũng chứa nhiều năng lượng. Vì vậy chỉ nên dùng khoảng 7 muỗng cà phê (35 ml) mỗi ngày.

Hạn chế dùng thức ăn có chất béo bão hòa (saturated fat), chẳng hạn như bánh mì kẹp thịt hamburger, thực phẩm chiên giòn, thịt xông khói và bơ. Chất béo được hydro hóa một phần (trans-fat) trong các thực phẩm đóng gói cũng nên được hạn chế.

Thay vào đó, hãy chọn thực phẩm có nhiều chất béo không bão hòa đơn (monounsaturated fatty acid) hoặc chất béo không bão hòa đa (polyunsaturated fatty acid). Chúng thường có trong cá, các loại hạt và dầu thực vật.

 

dinh duong tieu duong loai 2
Dầu ô-liu (Nguồn ảnh:https://atasteofolive.com/products/novello-di-gradassi)

Rượu và đồ ngọt

Nếu có thói quen uống rượu, hãy cố gắng hạn chế uống và chỉ uống khi đã kiểm soát tốt lượng đường trong máu. Hãy trao đổi với bác sĩ về ảnh hưởng của rượu đến lượng đường trong máu và được tư vấn liều lượng an toàn cho phép.

Nên hạn chế dùng đồ ngọt vì chúng có nhiều chất béo và đường.

Dưới đây là những mẹo giúp bạn tránh ăn quá nhiều đồ ngọt:

  • Chia sẻ món tráng miệng của mình với những người khác.
  • Ăn đồ ngọt tự nhiên và không bổ sung thêm đường.
  • Hãy hỏi phục vụ khẩu phần nhỏ nhất hoặc khẩu phần dành cho trẻ.

Tài liệu tham khảo:

https://ufhealth.org/diabetes-type-2-meal-planning