Chủ Nhật, 24/03/2024
Kết quả nghiên cứu mới Thực phẩm và bệnh Ăn nhiều cá có thể giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh trầm cảm – ít nhất là ở Châu Âu

Ăn nhiều cá có thể giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh trầm cảm – ít nhất là ở Châu Âu

 

Bản gốc: Báo Science Daily, số ra ngày 10/09/2015

Nguồn: BMJ

Tóm tắt: Phân tích tổng hợp các kết quả sẵn có cho thấy việc tiêu thụ nhiều cá có thể giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, kết quả này ít nhất là có ý nghĩa ở châu Âu. Bệnh trầm cảm ước tính ảnh hưởng đến 350 triệu người trên toàn thế giới, và được dự đoán sẽ trở thành nguyên nhân gây ra bệnh tật nhiều thứ hai vào năm 2020. Kết quả nghiên cứu được công bố trực tuyến trên tạp chí Journal of Epidemiology & Community Health. Nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ giữa chế độ ăn nhiều cá và sức khỏe tinh thần, kết quả cho thấy tỉ lệ này khá cân bằng giữa nam và nữ giới.

Một số nghiên cứu trước đây đã xem xét vai trò của các yếu tố dinh dưỡng trong việc hạn chế nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, nhưng các kết quả không thống nhất và chưa dẫn đến một kết luận cụ thể nào. Do đó, các nhà khoa học đã tổng hợp dữ liệu từ các nghiên cứu có liên quan được công bố từ năm 2001 đến năm 2014 để đánh giá độ tin cậy của các bằng chứng về mối liên hệ giữa việc tiêu thụ cá và nguy cơ mắc bệnh trầm cảm.

Sau khi phân tích dữ liệu, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy 101 bài báo phù hợp, trong đó có 16 bài báo đủ điều kiện để đưa vào phân tích. Trong 16 bài báo này, có 26 nghiên cứu bao gồm 150.278 người tham gia. 10 trong số các nghiên cứu là nghiên cứu đoàn hệ (cohort study), trong đó các nhà nghiên cứu quan sát một nhóm người không có biểu hiện bệnh liên quan trong một khoảng thời gian để theo dõi xem ai sẽ phát triển bệnh. Các nghiên cứu còn lại là nghiên cứu tại một thời điểm (cross-sectional study): xem xét mối liên hệ giữa biểu hiện bệnh và các yếu tố ảnh hưởng trong một nhóm dân số, kết quả được ghi nhận tại một thời điểm duy nhất hoặc trong thời gian ngắn.

Mười trong số các nghiên cứu có đối tượng nghiên cứu đến từ châu Âu; 7 nghiên cứu với người tham gia từ Bắc Mỹ; các nghiên cứu còn lại khảo sát ở người châu Á, châu Đại Dương và Nam Mỹ.

Sau khi phân tích tất cả các dữ liệu, kết quả cho thấy những người ăn cá nhiều nhất hạn chế 17% nguy cơ mắc bệnh trầm cảm so với nhóm người ít ăn cá nhất. Kết quả như nhau ở cả nghiên cứu đoàn hệ và nghiên cứu tại một thời điểm, nhưng chỉ đối với nhóm người ở châu Âu.

7.b.9Theo nghiên cứu dựa trên quan sát, việc tiêu thụ cá làm giảm nguy cơ mắc bệnh trầm cảm

Khi phân tích sâu hơn theo giới tính, các nhà khoa học đã tìm thấy mối liên hệ chặt chẽ hơn giữa việc tiêu thụ cá nhiều và nguy cơ mắc bệnh trầm cảm ở nam giới (giảm 20%). Trong khi ở phụ nữ, tỉ lệ giảm nguy cơ mắc bệnh là 16%.

Đây là một nghiên cứu dựa trên quan sát, do đó các nhà khoa học chưa thể đưa ra kết luận rõ ràng về nguyên nhân và hậu quả của mối liên hệ này. Đó là chưa kể lượng cá tiêu thụ trong các nghiên cứu cũng được đo lường theo những phương pháp đánh giá chế độ dinh dưỡng khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung thì các nhà nghiên cứu vẫn có thể đưa ra lời giải thích hợp lý về mặt sinh học cho kết quả trên. Ví dụ, các axit béo omega-3 có trong cá có thể làm thay đổi vi cấu trúc của màng tế bào não và biến đổi hoạt động của các chất dẫn truyền thần kinh là dopamine và serotonin – cả hai chất này đều có liên quan đến bệnh trầm cảm.

Hơn nữa, các loại đạm chất lượng cao, vitamin và khoáng chất được tìm thấy trong cá có thể giúp ngăn ngừa bệnh trầm cảm. Các nhà nghiên cứu khuyên rằng việc ăn cá là một tín hiệu tốt cho chế độ ăn uống lành mạnh và dinh dưỡng. Họ kết luận: “Việc tiêu thụ cá nhiều hơn có thể mang lại lợi ích như biện pháp phòng ngừa đầu tiên chống bệnh trầm cảm. Các nghiên cứu trong tương lai sẽ tiếp tục điều tra mối liên hệ này theo từng loại cá.”

Tài liệu tham khảo:

http://www.sciencedaily.com/releases/2015/09/150910185034.htm