Thứ Ba, 19/09/2023
Dinh dưỡng Dinh dưỡng cho người bệnh Chế độ dinh dưỡng cho người bị bệnh tiêu chảy

Chế độ dinh dưỡng cho người bị bệnh tiêu chảy

Bài viết thứ 1 trong 4 bài thuộc ebook Dinh dưỡng cho một số bệnh thông thường
 

Ở một số người, tiêu chảy mãn tính có thể được kiểm soát ở một mức độ nào đó thông qua chế độ ăn uống và lối sống. Một vài thay đổi về thể loại, thời gian và lượng thức ăn hay đồ uống mà họ sử dụng, kết hợp với thuốc đã được chỉ định, có thể cải thiện được tình trạng bệnh.

Tất cả đề nghị liệt kê trong bài viết này có thể không áp dụng cho tất cả mọi người, nhưng nếu có vài thứ mà bạn chưa thử trước đây, bạn có thể thử để xem phương thức nào hữu ích nhất cho bạn.

Vai trò của khẩu phần ăn

Nếu bạn mắc bệnh tiêu chảy mãn tính, bạn có thể đã được khuyên nên thử chế độ ăn BRAT, viết tắt bởi: B (banana: chuối), R (rice: gạo), A (applesauce: purée táo), T (toast: bánh mỳ nướng).

Chế độ dinh dưỡng cho người bị bệnh tiêu chảy

Lựa chọn những thực phẩm này giúp ngăn chặn sự kích thích quá mức của ruột và làm chậm tần suất đi ngoài. Tuy nhiên, khuyến nghị trong chế độ ăn BRAT khá nhàm chán và hầu như không đầy đủ dinh dưỡng.

Khi bắt đầu thử các chế độ ăn uống, một vài chiến lược dinh dưỡng không được khuyến nghị:

  • Đừng loại bỏ tất cả chất xơ
  • Đừng hạn chế chế độ ăn uống của bạn chỉ có mỗi chất lỏng
  • Đừng cắt bỏ tất cả các chất lỏng (bạn có thể bị mất nước)
  • Đừng loại trừ thực phẩm có chứa natri và kali. Đây là những chất điện giải có thể trở nên cạn kiệt nếu bạn bị tiêu chảy

Điều gì có thể giúp bạn

Nếu bạn đang cố gắng kiểm soát tần suất đi ngoài, chắc chắn có một vài thực phẩm có thể bạn phải cẩn thận khi sử dụng chúng. Đôi khi nhiệt độ của thực phẩm hoặc một phần thức ăn có thể làm tăng tần suất đi ngoài. Nếu bạn mắc chứng tiêu chảy mãn tính, bạn nên có một quyển nhật ký về thức ăn hằng ngày để bạn có thể xác định những thực phẩm có vấn đề, những thời điểm khó khăn trong ngày và các triệu chứng. Các loại thực phẩm dưới đây có thể góp phần làm phân lỏng hơn.

Thực phẩm có thể làm bạn đi phân lỏng

  • Đậu khô, ngô, rau cải, bắp cải và các loại rau có cùng họ với bắp cải, tất cả chúng đều chứa hàm lượng chất xơ cao, có thể làm bệnh trở nên nặng hơn
  • Trái cây và nước ép có chứa đường fructose, là loại đường làm bệnh trở nên nặng hơn
  • Đồ uống có chứa caffein như cà phê và trà có thể ảnh hưởng đến khả năng nhuận tràng
  • Đồ uống có cồn như bia, rượu vang và rượu có thể làm bệnh trở nên nặng hơn
  • Thịt chứa nhiều chất béo như thịt xông khói, thịt hộp và thịt có nhiều đường vân mỡ cũng khiến bệnh trở nên nặng hơn
  • Thức ăn chiên rán, bánh ngọt và khoai tây chiên chứa một lượng lớn chất béo có thể làm bệnh trở nên nặng hơn
  • Bột ngọt (mononatri glutamate), một chất làm tăng hương vị, cũng làm bệnh trở nên trầm trọng hơn
  • Chất ngọt nhân tạo cũng có thể là một vấn đề đối với vài người
  • Một lượng lớn các loại hạt hoặc các loại bơ hạt có thể làm triệu chứng bệnh xấu đi
  • Đồ ngọt đậm đặc có thể làm triệu chứng bệnh trở nên trầm trọng
  • Trái cây khô như sung, chà là, nho, mận đóng hộp có thể ảnh hưởng đến nhuận tràng
  • Nước ép mận có thể gây ảnh hưởng đến nhuận tràng
  • Gum và bạc hà không chứa đường mía nhưng chứa dẫn xuất rượu của đường như sorbitol, mannitol và/hoặc xylitol cũng có thể ảnh hưởng đến nhuận tràng
  • Cam thảo đen (không phải kẹo) có thể ảnh hưởng đến nhuận tràng

Không chỉ một số loại thực phẩm có thể gây khó chịu mà một số chế phẩm bổ sung cũng gây tăng tần suất đi ngoài và làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh tiêu chảy hiện tại.

Chế phẩm bổ sung có thể làm triệu chứng bệnh xấu đi

  • 5-HTP (5- hydroxytryptophan)
  • Acetyl L-carnitine
  • Than hoạt tính
  • Phấn ong
  • Dầu Borage (từ hạt cây lưu ly)
  • Sữa non (bovine colostrum)
  • Ớt sừng Cayenne
  • Chlorophyll
  • Chondroitin sulfate
  • DHA (axit docosahexaenoic)
  • EPA (axit eicosapentanroic)
  • Dầu hạt lanh
  • Glucosamine
  • Guarana
  • Guar gum
  • Hạt cây dẻ ngựa
  • Hạt côla
  • Đường lactulose
  • Trà Mate
  • Chiết xuất từ cây keo Senna

Thực phẩm có thể giúp kiểm soát bệnh tiêu chảy

  • Tăng chất lỏng để tránh mất nước, nhưng cố gắng tiêu thụ chất lỏng giữa các bữa ăn, chứ không phải cùng lúc với thức ăn. (Tiêu thụ chất lỏng cùng với thực phẩm trong bữa ăn sẽ đẩy nhanh việc làm rỗng dạ dày, có khả năng làm bệnh tiêu chảy trở nên trầm trọng hơn).
  • Tiêu thụ thực phẩm/ đồ uống chứa natri và kali
  • Nước luộc thịt (natri)
  • Đồ uống thể thao (natri và kali)
  • Equalyte® và Pedialyte® (natri và kali)
  • Chuối (kali) hoặc chuối cắt lát là một cách tăng hàm lượng kali và có thể được bổ sung vào ngũ cốc nóng cho bữa sáng.
  • Mật Nectar (kali)
  • Khoai tây nghiền hoặc luộc (kali)
  • Ăn các loại thực phẩm có hàm lượng xơ thấp
  • Sữa chua (trừ khi bạn không dung nạp được lactose, trong trường hợp này bạn có thể cần phải hạn chế tiêu thụ)
  • Cơm
  • Bún, mì, phở
  • Cream từ bột mỳ
  • Nước ép nho
  • Bơ đậu phộng loại mịn nhuyễn, mỗi lần một ít
  • Bánh mỳ trắng
  • Thịt nạt
  • Pho mát từ sữa đã gạn kem
  • Trái cây đóng lon với khối lượng nhỏ
  • 1-2 thìa canh rau quả mỗi lần
  • Thức uống ở nhiệt độ phòng, không nóng không lạnh

Các chế phẩm bổ sung có thể có lợi

  • Chất xơ psyllium
  • Vỏ rễ cây việt quất (dùng như trà)
  • Lợi khuẩn probiotics
  • Pectin

Mặc dù psyllium thường được sử dụng như một chất độn dành cho những người bị bệnh táo bón, nó có thể hiệu quả trong việc làm chậm quá trình thải chất thải của ruột vì thế bạn không phải vào phòng vệ sinh quá nhiều lần. Vỏ rễ cây việt quất chứa tannin, là chất có thể giúp làm chậm thời gian vận chuyển của chất thải trong đường ruột.

Một số chế phẩm bổ sung khác có thể có lợi bao gồm lợi khuẩn probiotics và pectin. Probiotics giúp ngăn ngừa tiêu chảy do sử dụng kháng sinh. Chúng hầu như được tìm thấy dễ dàng trong sữa chua có chứa vi sinh vật sống (Live Active Culture) như Lactobacillus acidophilus. Tìm cụm từ LAC trên bao bì của sữa chua thông thường, còn sữa chua đông lạnh sẽ không chứa LAC. Nếu bạn đang sử dụng kháng sinh, bạn cần sử dụng các sản phẩm từ sữa 2-3 giờ sau khi uống thuốc.

Pectin là một dạng chất xơ tìm thấy trong trái cây và một số rau quả, và cũng được bán ở dạng bột trong các cửa hàng tạp hóa ở các lối đi cùng với bánh pudding và gelatin. Chúng thường được thêm vào trái cây để bảo quản. Để giúp những người bệnh tiêu chảy, hãy thử trộn 1 muỗng canh bột với ¼ tách nước chanh dùng 20-30 phút trước mỗi bữa ăn. Một vài loại bột có vị ngọt hơn những loại khác, vì thế nếu bạn cần làm ngọt hỗn hợp để làm dịu vị, thêm một chút đường cũng là cách tốt. Chất xơ trong pectin có thể giúp làm chậm quá trình làm rỗng ruột để giảm thiểu tính nguy cấp của bệnh.

Ngoài việc lựa chọn thực phẩm, số lượng bữa ăn cũng rất quan trọng. Cố gắng ăn nhiều bữa, mỗi bữa một ít trong ngày thay vì ăn các bữa lớn. Ngoài ra, cố gắng nghỉ ngơi sau khi ăn. Thư giãn sau khi ăn có thể làm chậm nhu động, tức là tốc độ thức ăn đi qua ruột. Nên ngồi nghỉ 20 đến 30 phút sau bữa ăn, hoặc cố gắng sắp xếp lại giờ ăn để bạn không cần dậy và đi ngay sau khi ăn xong.

Tổng kết

Để ngăn ngừa các biến chứng có thể là hậu quả của đi ngoài thường xuyên, cố gắng làm theo những điều sau:

  • Xác định những thực phẩm và chất lỏng mà làm bạn khó chịu
  • Uống đủ nước và nên uống ngoài giờ ăn
  • Hãy đảm bảo thức ăn trong bữa ăn hằng ngày có chứa natri và kali
  • Ăn ít hơn nhưng nhiều bữa hơn
  • Ngồi nghỉ sau khi ăn

Hãy nhớ rằng, lời khuyên chung về chế độ ăn uống không áp dụng với tất cả mọi người. Tác động của chế độ ăn uống là duy nhất đối với mỗi cá nhân. Nếu bạn có thắc mắc về các triệu chứng và tình trạng của bạn, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn. Họ có thể giúp bạn xác định chế độ ăn uống và/ hoặc các yếu tố khác có thể tác động đến triệu chứng bệnh của bạn.

Tài liệu tham khảo

http://www.iffgd.org/site/gi-disorders/functional-gi-disorders/diarrhea/nutrition