Thứ Ba, 30/05/2023
Dinh dưỡng Trẻ em và thanh thiếu niên mắc bệnh tiểu đường

Trẻ em và thanh thiếu niên mắc bệnh tiểu đường

Bài viết thứ 4 trong 4 bài thuộc ebook Dinh dưỡng cho một số bệnh thông thường
 

Khuyến nghị dinh dưỡng cho trẻ em và thanh thiếu niên mắc bệnh tiểu đường loại 1 nên tập trung vào việc đạt được các mục tiêu đường huyết để duy trì tốc độ tăng trưởng và phát triển bình thường mà không cần hạ đường huyết quá mức. Điều này có thể thực hiện thông qua kế hoạch cá nhân về thức ăn và bữa ăn, chế độ kết hợp insulin linh hoạt, theo dõi lượng đường huyết, tăng cường giáo dục, ra quyết định dựa trên kết quả.

Nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ em và thanh thiếu niên bị bệnh tiểu đường loại 1 hay loại 2 cũng tương tự với nhu cầu của trẻ em và thanh thiếu niên cùng tuổi không mắc bệnh. Cần xem xét cẩn thận sự thèm ăn của trẻ khi xác định nhu cầu năng lượng. Các phương pháp lý tưởng cho việc ước tính nhu cầu năng lượng của trẻ em hoặc thanh thiếu niên là dựa vào lượng thực phẩm/dinh dưỡng chúng đã ăn hàng ngày, để đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển trong giới hạn bình thường. Đánh giá sự tăng cân và tăng trưởng bắt đầu tại lúc chẩn đoán bằng cách ghi lại chiều cao và trọng lượng trên biểu đồ tăng trưởng ở trẻ em. Mức năng lượng đầy đủ có thể được đánh giá bằng cách theo dõi thường xuyên mức độ tăng cân và phát triển bình thường của trẻ.

Không nên vì cố gắng kiểm soát lượng đường trong máu mà cấm trẻ ăn một số thực phẩm hoặc bắt ăn liên tục một số loại thực phẩm mà trẻ không thích ăn. Các thành phần dinh dưỡng chính của bữa ăn cho trẻ nên được cá nhân hóa theo mục tiêu cụ thể về lượng đường huyết và mỡ máu cũng như yêu cầu về sự tăng trưởng và phát triển.

Nguồn ảnh: shutterstock.com

Khuyến nghị dinh dưỡng cho trẻ bị bệnh tiểu đường loại 2 tập trung vào mục tiêu điều trị để bình thường hóa lượng đường huyết và tạo điều kiện cho trẻ có một lối sống lành mạnh. Không tăng cân quá mức, mức tăng trưởng bình thường và đạt được các mục tiêu đường huyết có thể được xem là thành công trong liệu pháp dinh dưỡng và hoạt động thể chất. Khuyến nghị dinh dưỡng cũng cần phải giải quyết các nguy cơ gây ra bệnh tim mạch như tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu. Nên xem xét đến chiến lược thay đổi hành vi để giảm sử dụng các loại thức ăn nhiều chất béo giàu năng lượng đồng thời khuyến khích thói quen ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên cho cả gia đình.

Các kế hoạch về thực phẩm / bữa ăn được cá nhân hoá cũng như liệu pháp insulin tích cực có thể đem lại sự linh hoạt cho trẻ em và thanh thiếu niên bị bệnh tiểu đường, nhằm để phù hợp với những bất thường trong thời gian và lịch trình ăn uống, sự thay đổi khẩu vị và mức độ hoạt động.

Khuyến nghị

Sự nhất trí của chuyên gia

  • Các kế hoạch về thực phẩm / bữa ăn được cá nhân hoá cũng như liệu pháp insulin tích cực có thể đem lại sự linh hoạt cho trẻ em và thanh thiếu niên bị bệnh tiểu đường, nhằm để phù hợp với những bất thường trong thời gian và lịch trình ăn uống, sự thay đổi khẩu vị và mức độ hoạt động.
  • Nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ em và thanh thiếu niên bị bệnh tiểu đường loại 1 hay loại 2 cũng tương tự với nhu cầu của trẻ em và thanh thiếu niên cùng tuổi không mắc bệnh.

Tài liệu tham khảo

http://care.diabetesjournals.org/content/27/suppl_1/s36.full#sec-49