Michael K. Georgieff (Bác sĩ nhi khoa)
Trong 4 tháng đầu đời, trẻ sơ sinh không cần uống bổ sung sắt. Sau đó, có bổ sung sắt hay không là tùy vào mỗi bé, bé bú mẹ hay bú bình, bé ăn thức ăn đặc như thế nào.
Việc cung cấp đầy đủ sắt cho trẻ rất quan trọng vì thiếu hụt sắt có thể gây chậm lớn, chậm phát triển và gây nên những hậu quả lâu dài về sau. Nhưng nhìn chung, với những trẻ sinh ra bình thường đủ tháng, lượng sắt trẻ nhận được từ cơ thể người mẹ trong 3 tháng cuối thai kỳ thường đủ để đáp ứng nhu cầu sắt trong 4 tháng đầu đời.
(Nếu con bạn sinh non thì mọi chuyện sẽ khác. Trẻ sinh non không nhận đủ sắt từ cơ thể mẹ trong 3 tháng cuối thai kỳ nên thường thiếu lượng sắt dự trữ và cần được bổ sung sắt. Những trẻ sinh càng thiếu tháng và những trẻ phát triển càng nhanh thì càng cần được bổ sung sắt.)
Khi trẻ bắt đầu ăn thức ăn dặm (thường từ 4 đến 6 tháng, khi lượng sắt dự trữ bắt đầu hết), các bà mẹ có thể giúp trẻ đáp ứng nhu cầu về sắt bằng cách cho trẻ ăn các loại ngũ cốc có bổ sung sắt, bột thịt hoặc các thức ăn giàu sắt khác.
Khi được 4 tháng, nếu trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn và chưa ăn được thức ăn đặc, Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (the American Academy of Pediatrics, AAP) khuyên trẻ nên dùng một chế phẩm sắt bổ sung với lượng khoảng 11 mg mỗi ngày. Bởi vì, không giống như sữa bột, sữa mẹ chứa rất ít sắt và lượng sắt tích trữ trong cơ thể trẻ không đủ để bù đắp cho sự thiếu hụt đó. Khi trẻ bắt đầu ăn thức ăn giàu chất sắt, trẻ sẽ không còn cần đến sắt bổ sung nữa.
Một điều cần đặc biệt lưu ý là không nên cho trẻ uống sữa bò khi trẻ chưa được 1 tuổi vì sữa bò sẽ ngăn cản việc hấp thụ sắt. Hơn nữa, sữa bò chứa ít sắt và không thể thay thế các thức ăn giàu chất sắt khác. Sữa bò còn ảnh hưởng không tốt đến ruột, dẫn tới tiêu ra máu làm thiếu máu và thiếu sắt.
Khi trẻ được 1 tuổi, bác sĩ sẽ kiểm tra nồng độ sắt trong cơ thể trẻ thông qua xét nghiệm máu. (Trẻ sinh non cần được kiểm tra sớm hơn, thông thường là khi trẻ được 6 tháng). Nếu thiếu sắt, bác sĩ sẽ đề nghị tăng hàm lượng sắt thông qua thức ăn hoặc dùng các chế phẩm bổ sung sắt. Sau 1 hoặc 2 tháng, trẻ sẽ được xét nghiệm máu lại lần nữa để đảm bảo là trẻ đã được cung cấp đủ sắt.
Đừng cho trẻ dùng sắt bổ sung chỉ để “cho chắc ăn”. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng lượng sắt quá cao trong cơ thể sẽ dẫn đến các nguy cơ tiềm ẩn xấu đối với sức khỏe. Nếu có lo lắng về lượng sắt trong cơ thể trẻ, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ. Bác sĩ sẽ kiểm tra nồng độ hemoglobin và đưa ra mức sắt bổ sung cần thiết nếu cần.
Chú ý: Các chế phẩm sắt bổ sung có thể gây hại nghiêm trọng cho gan nếu trẻ dùng quá liều. Vì vậy, nếu trẻ hoặc bất cứ thành viên nào trong gia đình đang dùng các chế phẩm sắt bổ sung, hãy đảm bảo cất giữ xa tầm tay trẻ em và tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn về liều lượng sử dụng.
Xem thêm về chứng thiếu sắt.
Tài liệu tham khảo
http://www.babycenter.com/404_does-my-baby-need-an-iron-supplement_1334529.bc