Thứ Năm, 17/04/2025
Quản lý chất lượng thực phẩm Gian lận thực phẩm – Phần nổi của tảng băng chìm?

Gian lận thực phẩm – Phần nổi của tảng băng chìm?

Bài viết thứ 1 trong 1 bài thuộc ebook Food Adulteration
 

Gần đây, vấn đề về gian lận thực phẩm để thu lợi nhuận đã trở thành tiêu điểm của báo chí. Thịt ngựa làm giả thịt bò ở châu Âu, tráo đổi các hải sản bằng loại rẻ tiền hơn ở Mỹ và nghi ngờ về gian lận thực phẩm hữu cơ ở Đức là những tiêu điểm về tính xác thực và minh bạch của chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu.

Thực phẩm giả là ngành kinh doanh lớn và không hề mới

“Gian lận thực phẩm là việc cố ý thay thế, bổ sung, giả mạo hoặc miêu tả sai về thực phẩm, thành phần thực phẩm, bao bì hoặc trình bày sai lệch, gây hiểu lầm về một sản phẩm nhằm mục đích thu lợi ích về kinh tế.”

Kinh doanh dựa trên gian lận thực phẩm là hoạt động kinh doanh không hề mới. Từ thời La Mã và Ai Cập cổ đại đã có những bộ luật liên quan đến việc làm giả rượu vang. Đầu thế kỷ thứ 13, châu Âu ban hành Luật thực phẩm để bảo vệ người tiêu dùng khỏi những người buôn bán vô lương tâm. Quy mô chính xác của ngành kinh doanh dựa trên gian lận thực phẩm trong thế kỷ 21 vẫn chưa rõ ràng, nhưng được dự đoán sẽ là một ngành công nghiệp lớn.

Thịt bò được làm giả từ thịt ngựa

Thịt bò làm giả từ thịt ngựa được sản xuất với quy mô lớn trên khắp châu Âu trong đầu năm 2013, ảnh hưởng đến các thương hiệu và nhà bán lẻ trên 13 quốc gia. Thịt ngựa được đưa vào các cơ sở giết mổ một cách hợp lệ, nhưng trong quá trình chế biến lại được dán nhãn là thịt bò. Do đó, hàng loạt các sản phẩm chế biến sẵn (suất ăn chế biến sẵn, bánh mì kẹp thịt bò) đều được làm từ thịt ngựa. Một số sản phẩm chỉ pha trộn lượng nhỏ thịt ngựa vào nhưng một số khác lại được phát hiện chứa phần lớn là thịt ngựa.

Niềm tin của người tiêu dùng vào chuỗi cung ứng vì vậy bị tổn hại. Hơn thế nữa, vụ việc này cũng cho thấy sự phức tạp của chuỗi cung ứng, điều mà người tiêu dùng hầu hết không nhận thức được.

Nghi ngờ gian lận trứng hữu cơ

Nghi ngờ trứng hữu cơ bị làm giả, 186 trang trại gia cầm ở Đức và Hà Lan đã từng bị điều tra. Cụ thể, các trang trại gia cầm ở Hà Lan bị nghi ngờ đã cung cấp gà đẻ cho các trang trại gia cầm ở Đức bằng việc làm mạo giấy tờ và hóa đơn để các trang trại ở Đức dán nhãn trứng của họ là trứng gà hữu cơ. Thế nhưng trên thực tế gà đẻ trứng của họ không được nuôi theo phương pháp hữu cơ.

Tráo đổi các loại thuỷ hải sản

Người tiêu dùng được khuyến khích ăn nhiều hải sản do một số thành phần dinh dưỡng lành mạnh có trong hải sản. Thế nhưng, theo nghiên cứu gần đây của Oceana, 33% trong tổng số 1.215 mẫu sản phẩm được đem đi phân tích ở Mỹ đã dán nhãn sai tên các loại hải sản. Việc dán sai nhãn các loại hải sản làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Cũng theo Oceana, họ phát hiện tình trạng tráo đổi hải sản ở khắp mọi nơi. Phổ biến nhất trong các loại cá, cá hồng và cá ngừ chiếm tỉ lệ bị dán nhãn sai cao nhất lần lượt là 87% và 59%. Các nhà hàng bán sushi có tỉ lệ dán nhãn sai cao nhất, lên đến 74%, trong khi tỉ lệ này là 44% ở các cửa hàng bán lẻ, 38% ở các nhà hàng còn lại, và 18% ở các cửa hàng tạp hóa.

Vấn nạn muôn thuở

Sự cám dỗ về lợi nhuận từ gian lận thực phẩm không có gì là mới lạ. Thời La Mã và Hy Lạp cổ đại các thương lái đã bỏ phẩm màu và hương liệu vào rượu vang để dễ bán hơn. Do việc gian lận liên tục xảy ra, vào thế kỷ 13, Pháp và Anh đã ra các quy định đầu tiên về thực phẩm để bảo vệ người dân nước họ. Năm 1516, luật về độ tinh khiết của bia Đức ra đời và được sử dụng đến ngày nay.

Thực phẩm giả thường gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng. Vào thể kỷ 18 và 19 ở Anh, những người thợ làm bánh vô đạo đức đã sử dụng các loại “phụ gia” để làm trắng và tăng trọng lượng của bánh mỳ. Trong đó có rất nhiều chất phụ gia độc hại được đưa vào món ăn hàng ngày này của người dân Anh như: phèn, phấn, thạch cao, đất sét và thậm chí là mùn cưa. Trong cùng thời kỳ đó, trên khắp châu Âu các loại bia được “cải tiến” bằng cách  dùng chất hoá học để tạo vị đắng, bao gồm cả chất strychnine (một hợp chất alkaloid không màu, độc tính cao, được dùng làm thuốc trừ sâu), để giúp các nhà sản xuất tiết kiệm chi phí men bia.

Các nhà khoa học đấu tranh chống lại lợi ích thương mại bất hợp phát đã đạt được những thành tựu đáng kể vào thế kỷ 18 và 19. Năm 1820, nhà hóa học người Đức, Frederick Carl Accum đã xuất bản một quyển sách trình bày thực tiễn và ảnh hưởng của việc gian lận thực phẩm. Sau khi ông mất, Tiến sỹ John Postgate, một nhà hóa học và bác sỹ y khoa người Anh đã dành 20 năm để tiếp tục vận động cho luật an toàn thực phẩm. Tiến sỹ John Postgate không chỉ là người đầu tiên đưa ra lệnh cấm đối với gian lận thực phẩm mà còn là người đưa ra các biện pháp giám sát và kiểm tra thực phẩm một cách có tổ chức. Kết quả là Đạo luật về Gian lận Thực phẩm được thông qua lần đầu tiên ở Vương quốc Anh vào năm 1860. Đây là một cột mốc quan trọng đối với sự an toàn của người tiêu dùng, nhưng chỉ là bước đầu tiên hướng tới văn hóa an toàn thực phẩm và an toàn cho người tiêu dùng hiện nay.

Trách nhiệm trong việc ghi nhãn sản phẩm

Các cuộc khủng hoảng gian lận thực phẩm gần đây đã “khai nhãn” cho ngành công nghiệp, cơ quan quản lý và người tiêu dùng khi làm lộ rõ những lỗ hổng trong các quy định về thực phẩm hiện nay.

Chỉ thị 2000/13/EC của Nghị viện và Hội đồng Châu Âu ghi rõ về trách nhiệm của việc ghi nhãn trong ngành công nghiệp thực phẩm:

  • Việc ghi nhãn và các phương pháp sử dụng không được gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
  • Tất cả thành phần nguyên liệu phải được ghi rõ trên nhãn của thực phẩm đóng gói sẵn.
  • Phải ghi rõ loại thịt trên bao bì hoặc trên nhãn đính kèm.

Dán sai nhãn thực phẩm là một vấn đề toàn cầu. Trong một số trường hợp, đây không chỉ là sự thay đổi về thành phần dinh dưỡng của các loại thực phẩm mà còn về nguy cơ tạp nhiễm của các chất phụ gia, nguồn gốc không rõ ràng của thực phẩm hay tiêu chuẩn thực phẩm hữu cơ mập mờ. Ngành công nghiệp cần nhận thức rằng ranh giới giữa việc ghi nhãn sai đơn giản và rủi ro về an toàn thực phẩm là rất mong manh. Ví dụ tại Châu Âu, việc biến thịt ngựa thành thịt bò đã khiến thực phẩm trở nên không an toàn, vì các sản phẩm bị nghi ngờ có chứa thuốc thú y bị cấm Phenylbutazon.

Đánh lừa khách hàng

Lẽ dĩ nhiên gian lận thực phẩm có tiềm năng tăng lợi nhuận đáng kể trong thời gian ngắn hạn. Thế nhưng, cái giá phải trả cho những tổn hại của ngành công nghiệp, thương hiệu và hiệu quả kinh doanh về lâu dài cũng không phải là ít.

Bất kỳ sự tạp nhiễm nào của sản phẩm thực phẩm bằng cách thay thế, pha loãng hoặc sửa đổi đều có nghĩa là người tiêu dùng không biết những gì họ đang mua và hơn nữa, sản phẩm đã không được kiểm tra nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm. Xét về sự an toàn của người tiêu dùng, đây là kịch bản tồi tệ nhất, vì nhà sản xuất là người duy nhất biết về sản phẩm nhưng lại không có đủ chuyên môn để đánh giá xem những chiêu trò gian lận đó có gây rủi ro cho sức khỏe của người tiêu dùng hay không.

Kết luận: Các bằng chứng gần đây cho thấy những vụ bê bối đã bị vạch trần chỉ là phần nổi trong tảng băng chìm. Những bên có trách nhiệm trong chuỗi cung ứng thực phẩm nên hợp tác với một cơ quan thứ ba chuyên trách kiểm tra, xác minh và chứng nhận chất lượng thực phẩm để đảm bảo quán lý an toàn thực phẩm hiệu quả và kiểm tra nguyên liệu ở mọi khâu trong quy trình sản xuất.

Tài liệu tham khảo

https://www.sgs.com/~/media/Global/Documents/Technical%20Documents/Technical%20Bulletins/SGS%20FOOD%20Hot%20Source%20Jun%202013%20EN%20v5%20Food%20Fraud%20p8%209.ashx