Nội dung chính
Dầu dừa là một ví dụ hoàn hảo về một thực phẩm gây tranh cãi: Dù dầu dừa được ca tụng là có lợi cho sức khỏe trên các phương tiện truyền thông, một số nhà khoa học lại cho rằng các quảng cáo này đã thổi phồng chức năng của dầu dừa.
Dầu dừa bị mang tiếng xấu chủ yếu là do có chứa hàm lượng chất béo bão hòa rất cao. Thế nhưng như chúng ta biết, chất béo bão hòa không phải là quá xấu. Ngoài ra, có vẻ các kết quả nghiên cứu thực hiện bởi các nhóm khác nhau đã cho kết luận trái ngược nhau.
Vậy dầu dừa tốt hay không tốt? Mời bạn đọc cùng nhìn vào những bằng chứng đã có để cùng hiểu thêm về ảnh hưởng của dầu dừa đến sức khỏe.
Dầu dừa có thành phần axit béo độc đáo
Dầu dừa rất khác với hầu hết các loại dầu ăn khác vì thành phần axit béo của chúng khá độc đáo: Các axit béo bão hòa chiếm đến khoảng 90%. Hơn nữa, điều độc đáo nhất của dầu dừa có lẽ là nó chứa nhiều axit béo bão hòa có tên gọi axit lauric (khoảng 40% trên tổng hàm lượng chất béo).
Điều này làm cho dầu dừa có khả năng chống oxy hóa ở nhiệt độ cao. Khi bị oxy hóa, dầu dừa có thể sinh ra những hợp chất có hại cho sức khỏe. Vì lý do này, dầu dừa phù hợp dùng cho chế biến thức ăn ở nhiệt độ cao như chiên rán.
Ngoài ra, dầu dừa cũng khá giàu axit béo mạch trung bình, với khoảng 7% axit caprylic và 5% axit capric.
Bệnh nhân động kinh có chế độ ăn keto (chế độ ăn ít carbohydrate và nhiều chất béo) thường ăn nhiều chất béo để kích hoạt trạng thái ketosis – trạng thái mà cơ thể sẽ đốt cháy chất béo thay vì carbohydrate để sinh năng lượng. Tuy nhiên dầu dừa thường không phù hợp với mục đích này do tác dụng kích hoạt trạng thái ketosis tương đối kém.
Trong khi axit lauric thường được coi là axit béo mạch trung bình, các nhà khoa học vẫn đang tranh luận liệu việc phân loại này có phù hợp hay không.
Kết luận: Dầu dừa rất giàu nhiều loại axit béo bão hòa tương đối hiếm như axit lauric và các axit béo mạch trung bình.
Dầu dừa giàu axit lauric
Dầu dừa chứa khoảng 40% axit lauric. Trong khi đó, hầu hết các loại dầu dùng trong nấu ăn khác chỉ chứa một lượng nhỏ axit này. Một ngoại lệ là dầu hạt cọ (palm kernel oil) chứa 47% axit lauric.
Axit lauric có độ dài vào khoảng giữa các axit béo mạch dài và mạch trung bình.
Trong khi thường được coi là axit béo mạch trung bình, axit lauric được tiêu hóa và chuyển hóa khác với các axit béo mạch trung bình khác và có nhiều điểm chung hơn với các axit béo mạch dài.
Các nghiên cứu cho thấy axit lauric làm tăng nồng độ cholesterol trong máu, nhưng điều này chủ yếu là do sự tăng cholesterol liên kết với lipoprotein tỷ trọng cao (HDL).
Sự gia tăng cholesterol HDL, so với tổng lượng cholesterol, có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Kết luận: Dầu dừa đặc biệt giàu axit lauric, một chất béo bão hòa hiếm và được cho rằng có tác dụng cải thiện thành phần lipid máu.
Dầu dừa, mỡ máu và bệnh tim mạch
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, việc thường xuyên ăn dầu dừa giúp cải thiện lượng lipid lưu thông trong máu, có khả năng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Một nghiên cứu lớn, ngẫu nhiên có đối chứng, đã được thực hiện trên 91 người lớn tuổi trung niên nhằm kiểm tra tác dụng của việc ăn 50 gam dầu dừa, bơ hoặc dầu ô liu nguyên chất hàng ngày trong vòng một tháng.
Tương tự như dầu ô liu nguyên chất, dầu dừa không làm tăng cholesterol “xấu” – loại cholesterol trong lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) .
Một nghiên cứu khác ở phụ nữ bị béo bụng cho thấy rằng dầu dừa làm tăng HDL và giảm tỷ lệ LDL so với HDL, trong khi dầu đậu nành làm tăng tổng lượng cholesterol và LDL, đồng thời giảm HDL.
Những kết quả này hơi mâu thuẫn với các nghiên cứu trước đây cho thấy dầu dừa làm tăng cholesterol LDL (xấu) so với dầu hoa rum (safflower oil), một nguồn chất béo đa không bão hòa, mặc dù nó không làm tăng LDL nhiều như khi sử dụng bơ.
Tóm lại, những nghiên cứu này chỉ ra rằng dầu dừa có thể bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tim khi so sánh với một số nguồn chất béo bão hòa khác như bơ và dầu đậu nành, nhưng vẫn có thể làm tăng cholesterol “xấu” ở một số nhóm đối tượng khác.
Tuy nhiên, vẫn chưa có bằng chứng cho thấy dầu dừa có ảnh hưởng đến nguy cơ mắc các bệnh như đau tim hoặc đột quỵ.
Kết luận: Các nghiên cứu hiện nay vẫn cho các kết quả trái ngược nhau về ảnh hưởng của dầu dừa đến chỉ số cholesterol trong máu. Sự khác nhau này có lẽ do các nghiên cứu được thực hiện trên các nhóm đối tượng khác nhau có chế độ ăn tổng quát và lối sống khác nhau. Như vậy, với những kết quả nghiên cứu hiện nay vẫn cần đánh giá tác dụng của dầu dừa một cách thận trọng.
Dầu dừa có thể giúp bạn giảm cân so với dầu nành
Có một số bằng chứng cho thấy dầu dừa có thể giúp bạn giảm cân.
Trong một nghiên cứu trên 40 phụ nữ bị béo bụng, dầu dừa giúp làm giảm vòng eo so với dầu đậu nành trong khi các dấu hiệu sức khỏe khác cũng được cải thiện.
Một nghiên cứu có đối chứng khác trên 15 phụ nữ cũng cho thấy khi thêm vào bữa sáng, dầu dừa nguyên chất giúp giảm thèm ăn khi so sánh với dầu ô liu nguyên chất.
Những lợi ích này có thể do axit béo chuỗi trung bình mang đến, từ đó có khả năng dẫn đến giảm trọng lượng cơ thể.
Tuy nhiên, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng các bằng chứng về tác dụng giảm cân của axit béo chuỗi trung bình trong dầu dừa vẫn chưa đủ thuyết phục.
Kết luận: Một số nghiên cứu cho thấy dầu dừa có thể làm giảm mỡ bụng và ngăn sự thèm ăn. Nhưng lợi ích giảm cân thực sự còn gây tranh cãi và chỉ ở mức vừa phải.
Người dân ăn nhiều dừa (không chỉ là dầu dừa) đang khỏe mạnh
Nếu dầu dừa là xấu cho bạn, thì chúng ta hẳn nhiên sẽ thấy các vấn đề sức khỏe trong các cộng đồng tiêu thụ nhiều dầu dừa.
Trong quá khứ, cộng đồng người bản địa nhận tỷ lệ lớn lượng calo từ dừa khỏe mạnh hơn rất nhiều so với các nước phương Tây.
Người Tokelauan ăn nhiều hơn 50% lượng calo từ dừa và là những người tiêu thụ lượng chất béo bão hòa lớn nhất trên thế giới. Người Kitavan ăn lên đến 17% lượng calo từ chất béo bão hòa, chủ yếu từ dừa.
Cả hai dân tộc trên đều không có dấu vết của bệnh tim mạch mặc dù mức tiêu thụ chất béo bão hòa cao, và họ tương đối khỏe mạnh.
Tuy nhiên, những người bản địa này nhìn chung đã tuân theo lối sống lành mạnh, ăn nhiều hải sản và trái cây, và hầu như không tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn.
Có một điều thú vị là họ sử dụng dừa, cùi dừa và kem dừa – chứ không phải dầu dừa đã qua chế biến mà chúng ta có thể mua trong siêu thị ngày nay.
Mặc dù vậy, những nghiên cứu quan sát này vẫn chỉ ra rằng con người có thể sống khỏe mạnh bằng chế độ ăn giàu chất béo bão hòa từ dừa.
Chỉ cần lưu ý rằng sức khỏe tốt của những người dân bản địa Thái Bình Dương này phản ánh lối sống lành mạnh của họ, không nhất thiết là do họ sử dụng nhiều dừa.
Cuối cùng, lợi ích của dầu dừa có thể phụ thuộc vào lối sống tổng thể, hoạt động thể chất và chế độ ăn uống của bạn. Nếu bạn theo một chế độ ăn uống không lành mạnh và không tập thể dục, thì việc tiêu thụ nhiều dầu dừa sẽ không có lợi cho bạn.
Kết luận: Những người dân trên đảo Thái Bình Dương theo chế độ ăn bản địa đã ăn rất nhiều dừa mà không gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, sức khỏe tốt của họ có lẽ phản ánh lối sống lành mạnh hơn là do sử dụng dầu dừa.
Điểm mấu chốt
Mặc dù lợi ích của dầu dừa vẫn còn gây tranh cãi, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy việc ăn một lượng dầu dừa vừa phải là có hại.
Với một số đối tượng, dầu dừa có thể cải thiện tỷ lệ thành phần cholesterol trong cơ thể bạn, mặc dù hiện vẫn chưa rõ liệu nó có bất kỳ ảnh hưởng nào đến nguy cơ mắc bệnh tim hay không.
Những lợi ích này được cho là do hàm lượng cao của axit lauric, một chất béo bão hòa độc đáo hiếm có trong thực phẩm.
Với những đối tượng khác, việc tiêu thụ nhiều dầu dừa lại có thể làm tăng lượng cholesterol “xấu” trong máu.
Kết luận lại, việc ăn dầu dừa có vẻ an toàn và thậm chí có thể giúp cải thiện sức khỏe của bạn. Nhưng như với tất cả các loại dầu ăn, hãy đảm bảo sử dụng dầu dừa ở mức độ vừa phải và hạn chế các món ăn chiên, rán dù bạn đang sử dụng bất kỳ loại dầu mỡ nào.
* Bài viết đã được điều chỉnh để phản ảnh những kết quả nghiên cứu cập nhật nhất về ảnh hưởng của dầu dừa đến cholesterol trong máu.
Tài liệu tham khảo:
https://www.healthline.com/nutrition/why-is-coconut-oil-good-for-you