Những phương pháp đã được chứng minh hiệu quả nhất giúp giảm nguy cơ và sự lây lan của bệnh COVID-19 là giãn cách xã hội và rửa tay thường xuyên. Tuy nhiên, cùng với những câu hỏi thường gặp về cách mua sắm và chuẩn bị thực phẩm an toàn, nhiều người còn băn khoăn về vai trò của chế độ ăn uống và dinh dưỡng trong thời kỳ đại dịch này. Hãy tìm hiểu thêm về mối liên hệ giữa dinh dưỡng và khả năng miễn dịch, và những bằng chứng khoa học hiện có về tình trạng dinh dưỡng, chế phẩm bổ sung dinh dưỡng và sự nhiễm trùng.
Mối quan hệ giữa dinh dưỡng và khả năng miễn dịch
Từ lâu, chúng ta đã biết rằng dinh dưỡng có liên quan mật thiết đến khả năng miễn dịch. Những người dinh dưỡng kém có nguy cơ mắc nhiều bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, virus và các bệnh nhiễm trùng khác. Ngược lại, nhiễm trùng mãn tính hoặc nhiễm trùng nặng dẫn đến rối loạn dinh dưỡng hoặc làm tình trạng dinh dưỡng của người bệnh xấu đi. Vì vậy, chúng ta cần phải chú ý đến chế độ ăn uống và dinh dưỡng trong thời gian đại dịch COVID-19 đang diễn ra. Hơn nữa, diễn biến lâm sàng của bệnh COVID-19 có xu hướng trầm trọng hơn ở người lớn tuổi và người mắc các bệnh mãn tính, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, tăng huyết áp và ung thư, là những bệnh có phần liên quan đến dinh dưỡng. Mặc dù chưa có dữ liệu, nhưng các bệnh đồng nhiễm, như HIV/AIDS, cũng có thể nghiêm trọng hơn; và dinh dưỡng tối ưu đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe ở người bị nhiễm những bệnh này.
Chế độ ăn uống lành mạnh đặc biệt quan trọng trong đại dịch COVID-19. Một chế độ ăn uống lành mạnh, như mô tả trong Dĩa thức ăn bổ dưỡng của Đại học Y khoa Harvard (Hoa Kỳ) khuyên bạn cần ăn nhiều rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt, các loại quả hạch và đậu, và ăn giới hạn thịt đỏ và thịt chế biến, nguồn carbohydrate tinh chế và đường. Viện dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế, Việt Nam) cũng đưa ra Tháp Dinh dưỡng hợp lý để hướng dẫn một chế độ ăn uống lành mạnh cho người Việt (xem thêm về Tháp dinh dưỡng hợp lý).
Một chế độ ăn uống như vậy sẽ cung cấp lượng phù hợp các chất dinh dưỡng đa lượng, khoáng chất và vitamin thiết yếu. Sử dụng các nguồn protein, chất béo và carbohydrate chất lượng cao có thể giúp duy trì cân nặng hợp lý và trạng thái trao đổi chất tốt; đây không phải là thời điểm dành cho những chế độ ăn kiêng quá hạn chế. Nếu ai đó bị nhiễm virus COVID-19, ăn đủ lượng calo lành mạnh để tránh sút cân là rất quan trọng. Một chế độ ăn uống lành mạnh cung cấp đủ lượng khoáng chất và vitamin giúp đảm bảo đủ số lượng tế bào miễn dịch và kháng thể, điều này rất quan trọng vì giúp cơ thể tăng cường phản ứng với nhiễm trùng.
Một số bằng chứng hiện có về mối quan hệ giữa dinh dưỡng và các bệnh nhiễm trùng
Mặc dù không có dữ liệu về mối liên quan giữa dinh dưỡng và nguy cơ cũng như mức độ nghiêm trọng của COVID-19, nhưng chúng ta cần lưu ý đến một số bằng chứng hiện có về dinh dưỡng và các bệnh nhiễm trùng khác. Đã có nhiều nghiên cứu báo cáo về việc tiêu thụ các chất dinh dưỡng đặc biệt có liên quan đến các bệnh nhiễm trùng; dưới đây là một vài ví dụ.
- Kẽm là thành phần của nhiều enzyme và các yếu tố tham gia vào quá trình sao chép trong tất cả các tế bào của cơ thể. Lượng kẽm không đủ sẽ hạn chế cơ thể có phản ứng miễn dịch đầy đủ khi bị nhiễm trùng. Nhiều phân tích gộp và nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên (Randomized Controlled Trials – RCT) đã chỉ ra rằng uống chế phẩm kẽm bổ sung giúp giảm 35% tỷ lệ mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, rút ngắn thời gian của các triệu chứng như của bệnh cúm khoảng 2 ngày và tăng tỷ lệ phục hồi.
- Vitamin C là thành phần của nhiều loại enzyme, giúp tăng cường chức năng của nhiều enzyme khắp cơ thể. Nó hoạt động như một chất chống oxy hóa, hạn chế tình trạng viêm và tổn thương mô liên quan đến các phản ứng miễn dịch. Một nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên trên các binh sĩ, thanh niên và người lớn tuổi ở Mỹ, Liên Xô, Anh và Nhật Bản đã chứng minh việc bổ sung vitamin C làm giảm đáng kể tỷ lệ nhiễm trùng đường hô hấp. Hiệu quả này cũng được chứng minh đối với các bệnh nhân nội trú ở Mỹ, Ai Cập và Iran giúp giảm thời gian nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt và thở máy đối với các bệnh nhiễm trùng huyết nặng, biến chứng sau phẫu thuật, bỏng, dập phổi và các bệnh tim. Hãy tránh sử dụng liều lượng vitamin C trên 2g/ngày nếu không trong thời gian chăm sóc y tế.
- Bằng chứng từ một số thử nghiệm lâm sàng và nghiên cứu tổng hợp cho thấy bổ sung vitamin D làm giảm tỷ lệ phát triển nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính (hầu hết được cho là do virus) từ 12% đến 75% bao gồm cả bệnh cúm theo mùa và đại dịch H1N1 (2009). Tác dụng có lợi này đối với bệnh nhân ở các độ tuổi khác nhau cũng như cả các bệnh nhân có sẵn bệnh mạn tính. Trong số những người nhiễm bệnh, triệu chứng cảm cúm ít hơn và thời gian phục hồi nhanh hơn khi liều vitamin D cao hơn 1000 IU. Ảnh hưởng có lợi của việc bổ sung vitamin D tương đối cao ở những người có chế độ ăn uống thiếu hụt vitamin D hơn là những người có chế độ ăn uống đủ vitamin D.
- Người lớn tuổi thường thiếu các vi chất dinh dưỡng có ích này, và do đó có thể thấy hiệu quả lớn nhất từ việc bổ sung các chất dinh dưỡng.
Dinh dưỡng tối ưu đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của những người bị nhiễm trùng như HIV/AIDS
Nhiều bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính có xu hướng trầm trọng hơn ở những người bị nhiễm HIV/AIDS và các bệnh suy giảm miễn dịch khác. Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với nhóm người này, đặc biệt trong thời điểm đại dịch đang xảy ra. Thứ nhất, nhiễm HIV và suy dinh dưỡng có xu hướng cùng tồn tại. Khi bệnh trở nặng, nhiều người nhiễm HIV có xu hướng bị suy dinh dưỡng. Một số loại thuốc điều trị HIV cũng ảnh hưởng khả năng chuyển hóa. Thứ hai, ở những bệnh nhân nhiễm HIV, tình trạng dinh dưỡng kém và thiếu vi chất dinh dưỡng làm bệnh HIV trở nặng và tăng nguy cơ thất bại trong điều trị và tăng nguy cơ tử vong. Trước khi phương pháp điều trị kháng retrovirus (thuốc ARV) ra đời, các nghiên cứu đã chứng minh rằng những người nhiễm HIV có chế độ ăn và tình trạng dinh dưỡng tốt hơn có xu hướng sống lâu hơn và ít biến chứng hơn. Họ ít bị thiếu máu hơn và có số lượng tế bào CD4 (Cluster of differentiation 4, số lượng tế bào bạch cầu chống lại nhiễm trùng) cao hơn. Ăn đầy đủ vitamin và khoáng chất giúp giảm sự tiến triển và tử vong do HIV. Do đó, chế độ ăn uống lành mạnh và bổ sung vitamin tổng hợp có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm COVID-19 ở những người nhiễm HIV và các bệnh tương tự.
Vai trò của chế phẩm bổ sung dinh dưỡng trong đại dịch COVID-19
Hiện tại, đại dịch COVID-19 đang diễn ra có thể làm tăng nguy cơ thực phẩm không an toàn vệ sinh thực phẩm và khiến việc thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh càng trở nên khó khăn hơn. Mặc dù không nhiều dữ liệu về ảnh hưởng của chế phẩm bổ sung dinh dưỡng đối với nguy cơ mắc bệnh hoặc mức độ nghiêm trọng của bệnh COVID-19, nhưng bằng chứng hiện có chỉ ra rằng các chế phẩm bổ sung có thể làm giảm nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng của một số bệnh nhiễm trùng do virus, đặc biệt là ở những người có chế độ ăn uống không đủ chất. Do đó, chúng tôi khuyên rằng nên hấp thụ đủ các khoáng chất và vitamin cần thiết vào thời điểm này. Chế phẩm bổ sung có thể giúp bổ sung tình trạng thiếu chất. Một số gợi ý như sau:
- Uống viên vitamin tổng hợp với liều lượng tiêu chuẩn là một cách dễ dàng và có chi phí tương đối rẻ.
- Duy trì đủ lượng vitamin D là đặc biệt quan trọng. Mặc dù chưa có bằng chứng tại thời điểm này liệu bổ sung vitamin D có làm giảm mức độ nghiêm trọng của COVID-19 hay không, nhưng điều đó vẫn có thể xảy ra, đặc biệt ở những người có lượng vitamin D thấp.
- Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời là một cách giúp cơ thể tổng hợp vitamin D. 15 phút tiếp xúc với ánh sáng mặt trời có thể tạo ra một lượng lớn vitamin D đối với da sáng màu. Những người có da sậm màu cần thời gian lâu hơn 3 hoặc 4 lần vì sắc tố trong da ngăn chặn tia cực tím trong ánh nắng mặt trời làm cho hàm lượng vitamin D được tổng hợp trong máu thấp hơn. Lưu ý rằng tiếp xúc lâu dài với ánh nắng mặt trời có thể góp phần gây ra ung thư da.
- Những viên uống bổ sung vitamin tổng hợp thông thường có chứa 1000-2000 IU vitamin D, là một liều lượng bổ sung phù hợp. Những người có làn da sậm màu hơn có thể cần nhiều vitamin D hơn; liều lượng 4000 IU mỗi ngày được xem là an toàn cho những người này.
- Không nên sử dụng quá liều các chế phẩm bổ sung dinh dưỡng vì có thể gây hại cho sức khoẻ
Không nên dùng các chế phẩm bổ sung dinh dưỡng để thay thế cho một chế độ ăn uống lành mạnh bởi vì không có chế phẩm bổ sung nào chứa tất cả các lợi ích sức khoẻ do thực phẩm lành mạnh mang lại.
Tài liệu tham khảo
https://www.hsph.harvard.edu/nutritionsource/2020/04/01/ask-the-expert-the-role-of-diet-and-nutritional-supplements-during-covid-19/ http://viendinhduong.vn/vi/dinh-duong-hop-ly/thap-dinh-duong-hop-ly-cho-nguoi-truong-thanh-giai-doan-2016---2020---muc-tieu-thu-trung-binh-cho-mot-nguoi-trong-mot-ngay.html