Thứ Năm, 21/11/2024
Dinh dưỡng Giảm nguy cơ dị ứng thực phẩm cho trẻ nhờ đa dạng hóa chế độ ăn dặm

Giảm nguy cơ dị ứng thực phẩm cho trẻ nhờ đa dạng hóa chế độ ăn dặm

 

Tình trạng dị ứng thực phẩm ở trẻ ngày càng phổ biến hơn, đặc biệt là giai đoạn những năm đầu đời. Nếu trẻ có cha mẹ hoặc anh chị em ruột dị ứng với thực phẩm nào đó thì nguy cơ trẻ dị ứng với loại thực phẩm đó sẽ cao hơn so với trẻ khác. Một số dị ứng thực phẩm có thể tự khỏi khi trẻ lớn lên (thường vào khoảng 3-5 tuổi), nhưng một số dị ứng khác có thể kéo dài suốt đời, gây ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng cuộc sống.

Vậy làm thế nào để giảm nguy cơ dị ứng thực phẩm cho trẻ? Một số nghiên cứu cho thấy việc cho trẻ ăn dặm đa dạng sẽ là một trong những biện pháp phòng ngừa hữu ích.

Cho trẻ ăn dặm đa dạng thực phẩm

Cho trẻ ăn dặm trong năm đầu đời được xem là một biện pháp để đa dạng hoá chế độ ăn của trẻ. Khi cho trẻ ăn dặm, bạn nên cho trẻ ăn nhiều loại thực phẩm, kể cả thực phẩm có chứa các chất gây dị ứng (Các loại thực phẩm gây dị ứng phổ biến nhất là sữa bò, trứng, đậu phộng, lúa mì, cá,…) Bởi vì ăn dặm đa dạng trong năm tuổi đầu có thể làm tăng hấp thu lượng chất dinh dưỡng quan trọng và tác động tốt đến vai trò và chức năng hệ vi sinh vật đường ruột của trẻ. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu chứng minh rằng sự đa dạng hóa chế độ ăn dặm trong năm đầu đời của trẻ cũng có liên quan đến việc giảm tình trạng dị ứng thực phẩm sau này.

Nghiên cứu PASTEUR/EFRAIM của Carole Roduit và cộng sự là nghiên cứu đầu tiên mô tả cụ thể vai trò và ảnh hưởng của chế độ ăn dặm đa dạng trong giai đoạn đầu đời đối với tình trạng dị ứng thực phẩm. Nghiên cứu này đã đánh giá mối liên quan giữa việc cho trẻ ăn dặm (ngoài sữa mẹ và sữa công thức) trong năm đầu đời và tình trạng mẫn cảm dị ứng cho đến khi trẻ 6 tuổi. Nghiên cứu được thực hiện trên 856 trẻ ở 5 nước thuộc châu Âu (Áo, Phần Lan, Pháp, Đức, Thuỵ Sĩ).

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học chia trẻ thành 2 nhóm dựa trên sự đa dạng trong chế độ ăn dặm của trẻ. Nhóm 1: trẻ có chế độ ăn dặm với 15 loại thực phẩm khác nhau trong 12 tháng đầu đời. Nhóm 2: trẻ có chế độ ăn dặm chỉ với 6 loại thực phẩm chính trong 6 hoặc 12 tháng đầu đời (thực phẩm được coi là thuộc nhóm “thực phẩm chính” khi có trong chế độ ăn của ít nhất 80% trẻ).

Kết quả cho thấy trẻ thuộc Nhóm 2 khi ở độ tuổi 4-6 có nguy cơ nhạy cảm với dị ứng thực phẩm cao hơn trẻ ở Nhóm 1, do trẻ Nhóm 2 có chế độ ăn dặm ít đa dạng hơn trẻ Nhóm 1.

Nghiên cứu của Carole cũng cho thấy dựa trên báo cáo của bác sĩ cho các trẻ trong nghiên cứu đến 6 tuổi, tình trạng dị ứng thực phẩm giảm có liên quan đến việc cho trẻ ăn tăng cường rau/trái cây, ngũ cốc, bánh mì, thịt, bánh ngọt và sữa chua trong vòng 6 hoặc 12 tháng đầu đời.

Ngoài các nghiên cứu trên, Venter và cộng sự gần đây đã báo cáo mối liên hệ giữa việc đa dạng hóa chế độ ăn dặm trong năm đầu đời và tỷ lệ dị ứng thực phẩm ở trẻ giảm trong 10 năm tiếp theo. Việc cho trẻ ăn thêm nhiều loại thức ăn khi trẻ 6 tháng tuổi đã làm giảm 10,8% tỷ lệ dị ứng thực phẩm trong 10 năm đầu đời. Hơn nữa, việc bổ sung mỗi chất gây dị ứng thực phẩm vào chế độ ăn dặm trước 12 tháng đầu giúp giảm đáng kể (33,2%) tỷ lệ dị ứng thực phẩm trong 10 năm đầu đời.

Những nghiên cứu này cũng chỉ ra việc đa dạng chế độ ăn dặm có liên quan đến việc tăng lượng chất dinh dưỡng, bao gồm cả những chất dinh dưỡng có vai trò bảo vệ trong cơ chế dị ứng (axit béo omega-3 và chất xơ không tiêu hóa).

Cho trẻ ăn dặm với thực phẩm bổ sung

D’Vaz và cộng sự cho thấy rằng với những trẻ có nguy cơ bị dị ứng cao, việc bổ sung axit béo omega-3 trong 6 tháng đầu đời có tác dụng ngăn ngừa mẫn cảm, chàm và dị ứng thực phẩm.

Tương tự, Birch và cộng sự đã chứng minh rằng sữa công thức bổ sung axit béo omega-3 cho trẻ sơ sinh khỏe mạnh có khả năng bảo vệ, giúp trẻ chống lại bệnh dị ứng (thở khò khè, hen suyễn, viêm da dị ứng hoặc bất kỳ bệnh dị ứng nào) trong suốt ba năm đầu đời.

Lời khuyên

Dựa trên các bằng chứng hiện tại, chúng tôi khuyên bạn nên cho trẻ ăn dặm thực phẩm đa dạng, bao gồm cả thực phẩm dễ gây dị ứng trong năm đầu đời của trẻ, tùy theo khả năng phát triển não bộ của trẻ, văn hoá và thói quen gia đình. Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới, trẻ nên bắt đầu ăn dặm từ 6 tháng tuổi trở đi. Tuy nhiên ở một số quốc gia, trẻ đã được bắt đầu ăn dặm khi 3-4 tháng tuổi. Với trẻ sơ sinh bị viêm da cơ địa hoặc dị ứng thực phẩm nặng, nên đánh giá y tế trước khi đưa các chất dị ứng thực phẩm thông thường vào chế độ ăn dặm của trẻ. Cho trẻ ăn nhiều loại thực phẩm trong năm đầu đời có thể làm tăng hấp thu chất dinh dưỡng và ảnh hưởng tốt đến thành phần vi sinh vật trong đường ruột của trẻ. Việc hấp thụ axit béo omega-3 và chất xơ có thể đặc biệt quan trọng, nhưng chúng ta cần có thêm thông tin về liều lượng và đối tượng sử dụng.

Tài liệu tham khảo:

  1. Enza D, Diego GP, Marco Ugo AS, Elvira V, Gian VZ, Carina V. The Role of Diet Diversity and Diet Indices on Allergy Outcomes. Front Pediatr. (2020)
  2. Roduit C, Frei R, Depner M, Schaub B, Loss G, Genuneit J, et al. Increased food diversity in the first year of life is inversely associated with allergic diseases. J Allergy Clin Immunol. (2014)
  3. Meyer R, Chebar Lozinsky A, Fleischer DM, Vieira MC, Du Toit G, Vandenplas Y, et al. Diagnosis and management of Non-IgE gastrointestinal allergies in breastfed infants-An EAACI Position Paper. Allergy. (2020)
  4. Venter C, Brown KR, Maslin K, Palmer DJ. Maternal dietary intake in pregnancy and lactation and allergic disease outcomes in offspring. J. Pediatr Allergy Immunol. (2017)