Thứ Năm, 21/11/2024
Dinh dưỡng Bệnh loãng xương

Bệnh loãng xương

Bài viết thứ 1 trong 1 bài thuộc ebook Dinh dưỡng cho người mắc bệnh loãng xương
 
Bệnh loãng xương

Loãng xương là một tình trạng bệnh lý làm cho xương suy yếu và khiến xương dễ bị gãy hơn. Điều đó có nghĩa là thậm chí khi chỉ với va chạm hay té ngã nhẹ, người bị loãng xương vẫn có thể bị gãy xương.

Gãy xương do bệnh loãng xương có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận của cơ thể; tuy nhiên xương hông, xương cổ tay và xương sống thường bị ảnh hưởng nhất. Tình trạng bệnh lý này ảnh hưởng đến khoảng ba triệu người ở Anh.

Các vị trí gãy xương thường gặp

Trong bài viết này, chúng ta sẽ xem xét bệnh loãng xương chuyên sâu hơn và giải thích chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của xương như thế nào.

Tìm hiểu về bệnh loãng xương

Xương của chúng ta được cấu tạo từ collagen (protein), các muối canxi và các thành phần khác. Tất cả xương đều có một lớp vỏ bên ngoài bao phủ mạng lưới xương sợi đan chéo nhau (trabecular bone) giống như hình tổ ong. Giống như các bộ phận còn lại của cơ thể chúng ta, xương hoạt động và thay đổi trong suốt cuộc đời của chúng ta. Phần xương bị mòn sẽ bị phá vỡ bởi các tế bào hủy xương và được thay thế bởi các tế bào xây dựng xương được gọi là tế bào tạo xương.

Khi chúng ta còn trẻ, quá trình này xảy ra nhanh chóng. Xương chỉ mất khoảng hai năm để tự làm mới toàn bộ khung xương. Đến tuổi trưởng thành, quá trình này xảy ra chậm mất khoảng 7 năm hoặc thậm chí 10 năm. Độ tuổi từ 16 đến 18, xương của chúng ta ngừng phát triển theo chiều dài, nhưng mật độ xương vẫn tiếp tục gia tăng cho đến tuổi 20-30.

Sau tuổi 35, xương của chúng ta bắt đầu giảm mật độ, xương trở nên yếu hơn khi chúng ta già đi. Đối với một số người, việc giảm mật độ xương dẫn đến bệnh loãng xương. Phụ nữ có xu hướng bị tình trạng bệnh lý này nhiều hơn; tình trạng này là do sự mất xương xảy ra nhanh hơn trong những năm sau thời kỳ mãn kinh.

Loãng xương có đau không?

Tình trạng bệnh lý này chỉ gây đau đớn khi nó dẫn đến gãy xương. Nếu bạn không bị gãy xương, bạn sẽ không cảm thấy đau ở xương. Điều quan trọng cần lưu ý khi bị loãng xương là bạn sẽ có nhiều khả năng bị gãy xương, tuy nhiên điều này không có nghĩa là bạn chắc chắn sẽ bị gãy xương khi bạn bị té ngã.

Nếu gãy xương xảy ra, xương của bạn sẽ lành lại theo cách giống như những người không bị loãng xương. Dĩ nhiên là gãy xương sẽ gây đau đớn và có thể dẫn đến các biến chứng khác.

Các yếu tố nguy cơ

Bất cứ ai cũng đều có thể mắc bệnh loãng xương, tuy nhiên một số yếu tố nguy cơ sau có thể làm cho bạn dễ bị mắc bệnh loãng xương hơn. Chúng bao gồm:

Yếu tố di truyền

Di truyền đóng một vai trò quan trọng trong nguy cơ loãng xương. Điều này phụ thuộc vào tầm vóc của gia đình bạn. Nếu cha mẹ bạn có tầm vóc nhỏ, bạn có thể có nhiều nguy cơ hơn. Nếu vấn đề gãy xương hông thường xảy ra trong gia đình bạn, bạn phải cẩn thận hơn.

Tuổi tác

Càng lớn tuổi bạn càng có nhiều nguy cơ hơn, do xương của chúng ta trở nên dễ gãy hơn khi chúng ta già đi. Ở tuổi 75, ước tính có khoảng một nửa dân số bị loãng xương khi được đo bằng thiết bị đo mật độ xương (bone density scan).

Giới tính

Phụ nữ có nhiều nguy cơ hơn so với nam giới, do phụ nữ có khung hơn nhỏ hơn. Thời kỳ mãn kinh cũng làm tăng tốc độ hủy xương, làm cho phụ nữ dễ bị gãy xương hơn.

Uống rượu/đồ uống có cồn

Uống quá nhiều rượu có liên quan đến nguy cơ loãng xương và gãy xương. Bạn nên duy trì lượng rượu tiêu thụ trong khoảng hàm lượng tiêu thụ hàng ngày được khuyến cáo.

Hút thuốc lá

Nghiên cứu cho thấy những người hút thuốc lá có nhiều khả năng bị gãy xương hơn. Đó là vì các chất độc trong khói thuốc lá ảnh hưởng đến các tế bào, cơ quan và hormone liên quan đến sức khỏe của xương. Do đó, việc hút thuốc lá dẫn đến mất xương nhanh hơn khi bạn có tuổi, làm tăng nguy cơ bị loãng xương.

Trọng lượng cơ thể thấp

Những người có trọng lượng cơ thể thấp thường có khung xương nhỏ hơn, làm tăng nguy cơ mất xương trong cuộc sống sau này. Ở phụ nữ, mô mỡ sản sinh ra một lượng nhỏ estrogen (một loại hormone sinh dục) giúp bảo vệ xương, do đó những người gầy (người có ít mỡ) không có nhiều sự bảo vệ xương. Những người biếng ăn (hoặc những người có tiền sử biếng ăn) cũng có thể có nguy cơ cao hơn. Đó là do sự rối loạn ăn uống có xu hướng dẫn đến trọng lượng cơ thể rất thấp, ảnh hưởng đến sự sản sinh estrogen ở phụ nữ và góp phần làm giảm đáng kể mật độ xương.

Tình trạng viêm nhiễm

Sự rối loạn tự miễn dịch và các bệnh viêm mãn tính có thể làm cho bạn có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao hơn bởi vì chúng làm tăng tốc độ hủy xương. Việc sử dụng một số loại thuốc kéo dài cũng có thể ảnh hưởng đến nguy cơ loãng xương.

Các vấn đề về tuyến giáp

Cụ thể là cường giáp có liên quan đến bệnh loãng xương. Đó là do cường giáp làm tăng số lượng các chu trình tu sửa xương trong cơ thể. Sau tuổi 30, các chu trình này xảy ra càng nhiều, mật độ xương của bạn càng giảm.

Các vấn đề về chứng kém hấp thu

Sự rối loạn tiêu hóa như bệnh viêm đường ruột mãn tính (Crohn’s disease) và bệnh celiac (ruột non quá nhạy cảm với gluten, dẫn đến khó khăn trong việc tiêu hóa thức ăn – celiac disease) cũng có thể làm cho bạn có nguy cơ loãng xương. Những trình trạng bệnh lý này ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng quan trọng giúp xương chắc khỏe, như canxi và vitamin D. Điều này có nghĩa là bạn dễ có mật độ xương thấp và dễ bị gãy xương hơn.

Chẩn đoán bệnh loãng xương

Nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể có nguy cơ bị loãng xương, bạn nên trao đổi với bác sĩ. Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị tình trạng bệnh lý này, bác sĩ có thể sử dụng một chương trình trực tuyến để đánh giá bạn. Bác sĩ cũng có thể tư vấn cho bạn đo mật độ xương bằng thiết bị DEXA (DEXA (DXA) scan). Thiết bị này đo mật độ khoáng của xương và có thể đánh giá nguy cơ gãy xương.

Thiết bị đo loãng xương DEXA scan

Một khi bạn được chẩn đoán bị loãng xương, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn liệu bạn cần hay không cần điều trị.

Điều trị

Đối với bệnh loãng xương, việc điều trị có xu hướng xoay quanh việc ngăn ngừa gãy xương. Chẳng hạn như sử dụng thuốc để giúp củng cố xương và thay đổi lối sống để giúp tăng cường sức khỏe của xương. Khi gãy xương xảy ra, việc điều trị và làm lành xương cũng là một yếu tố quan trọng trong quá trình điều trị loãng xương.

Để giúp giảm thiểu nguy cơ té ngã, bạn nên loại bỏ những mối nguy tại nhà khiến bạn có thể vấp ngã và thận trọng hơn khi di chuyển trong thời tiết băng giá. Các bài kiểm tra về tầm nhìn và thính giác thường xuyên cũng có thể rất hữu ích.

Phòng ngừa loãng xương

Nếu bạn có nguy cơ mắc bệnh loãng xương, có những việc bạn nên thực hiện để giúp ngăn chặn loãng xương. Chúng bao gồm thay đổi lối sống như bỏ hút thuốc lá, giảm uống rượu, tập thể dục điều độ và có một chế độ ăn uống cân bằng tốt.

Tập thể dục điều độ là điều cần thiết để duy trì sức khỏe. Cụ thể là, bài tập chịu sức nặng (weight-bearing exercise) và bài tập phát triển cơ bắp được biết là có khả năng cải thiện mật độ xương. Bài tập chịu sức nặng liên quan đến việc sử dụng chân và bàn chân để chống đỡ trọng lượng cơ thể. Các ví dụ cho bài tập chịu sức nặng bao gồm chạy bộ, khiêu vũ và thể dục nhịp điệu (aerobics).

Bài tập về phát triển cơ bắp liên quan đến sức mạnh của cơ bắp, nơi mà các dây chằng áp sát vào xương. Các bài tập này giúp tăng cường sức khỏe của xương. Các bài tập về phát triển cơ bắp bao gồm cử tạ, hít đất và hít xà đơn.

Như chúng ta đã đề cập trong phần các yếu tố nguy cơ, việc uống rượu quá mức và hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương. Giảm uống rượu và từ bỏ hút thuốc lá sẽ làm giảm nguy cơ loãng xương và cải thiện sức khỏe toàn diện.

Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc ngăn ngừa và điều trị bệnh loãng xương là chế độ ăn uống. Những gì chúng ta ăn sẽ có tác động đáng kể đến sức khỏe của chúng ta, và trong đó bao gồm sức khỏe của xương.

Chế độ ăn uống của người bị loãng xương

Thực hiện một chế độ ăn uống cân bằng chứa đa dạng các loại thực phẩm đóng một vai trò quan trọng khi xem xét đến sức khỏe của xương. Chế độ ăn uống cân bằng tốt đảm bảo bạn nhận được đầy đủ các loại vitamin, khoáng chất và năng lượng cần thiết để duy trì sức khỏe và làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính.

Nếu bạn được chẩn đoán là bị bệnh loãng xương, hoặc có nguy cơ mắc bệnh này, chế độ ăn uống có thể giúp bạn. Cụ thể là, bạn nên bổ sung đầy đủ canxi và vitamin D.

Canxi

Chất khoáng này đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng xương và răng chắc khỏe. Cơ thể của chúng ta chứa khoảng 1kg canxi và 99% lượng canxi này có trong xương của chúng ta. Các khuyến cáo hiện nay cho rằng hầu hết những người trưởng thành cần 700 mg canxi mỗi ngày. Tuy nhiên, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ nếu bạn nghĩ bạn cần lượng canxi khác (ví dụ như phụ nữ mang thai cần nhiều canxi hơn).

Đừng quá lo lắng nếu bạn không nhận được chính xác 700 mg canxi mỗi ngày, lượng canxi trung bình hàng ngày mới là quan trọng. Hầu hết mọi người đều có thể nhận được lượng canxi khuyến cáo chỉ thông qua chế độ ăn uống, tuy nhiên một số người có thể được khuyên dùng chế phẩm bổ sung canxi. Nếu bạn được chẩn đoán bị loãng xương, bạn có thể cần 1.000 mg canxi mỗi ngày và do đó bác sĩ khuyên bạn dùng chế phẩm bổ sung bên cạnh việc dùng thuốc khác.

Nhận đủ canxi từ chế độ ăn uống là một yếu tố quan trọng cho sức khỏe của xương. Tuy nhiên, nếu bạn nhận quá nhiều canxi; dùng hơn 2.500 mg canxi mỗi ngày thường xuyên có thể gây ra các vấn đề sức khỏe. Ngoài ra, nhận quá nhiều canxi cũng có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ các chất khoáng khác như magiê và sắt.

Để đảm bảo rằng bạn đạt được sự cân bằng hợp lý, bạn có thể tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng.

Các loại thực phẩm sau đây giàu canxi và thường trở thành một thành phần trong chế độ ăn uống của người bị loãng xương:

  • Các sản phẩm từ sữa như sữa, sữa chua, kem, phô mai v.v.
  • Các loại rau xanh như bắp cải, bông cải xanh, cải xoăn, đậu bắp, thì là, rau bina
  • Nước cam ép được tăng cường canxi
  • Hạt mè
  • Quả sung và quả mơ sấy khô
  • Đậu phụ được tăng cường canxi
  • Sữa đậu nành bổ sung canxi
  • Đậu nành
  • Các loại quả hạch
  • Bánh mì được làm từ bột mì tăng cường canxi
  • Các loại ngũ cốc ăn sáng tăng cường canxi
  • Cá có xương nhỏ có thể ăn được như cá mòi và cá mòi cơm (pilchard)

Vitamin D

Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cơ thể hấp thu canxi. Hầu hết vitamin D được tổng hợp bởi cơ thể khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian ngắn với cường độ vừa phải mà không dùng kem chống nắng (khoảng 10 phút, hai lần mỗi ngày) là đầy đủ.

Vitamin D cũng có thể được tìm thấy trong một số loại thực phẩm, bao gồm:

  • Trứng
  • Cá béo như cá mòi và cá hồi
  • Các sản phẩm phết bánh mì (spread) tăng cường vitamin D
  • Sữa bột
  • Các loại ngũ cốc ăn sáng tăng cường vitamin D

Bạn có thể nhận đủ lượng vitamin D bạn cần thông qua chế độ ăn uống và lối sống. Chế độ ăn uống cho người bị loãng xương chú ý đến việc cung cấp đủ lượng vitamin D, tuy nhiên có một số trường hợp có thể yêu cầu dùng chế phẩm bổ sung. Bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.

Các loại thực phẩm nên hạn chế tiêu thụ

Cùng với việc đảm bảo một chế độ ăn uống cân bằng chứa các loại thực phẩm giúp xương chắc khỏe, bạn nên chú ý đến một số loại thực phẩm có thể làm giảm mật độ xương. Các loại thực phẩm như vậy nên hạn chế dùng, đặc biệt nếu bạn có nguy cơ mắc bệnh loãng xương.

Muối

Tiêu thụ quá nhiều muối có thể dẫn đến mất canxi, làm suy yếu xương theo thời gian. Chế độ ăn uống chứa nhiều muối cũng có thể dẫn đến tăng huyết áp, bệnh tim mạch và thậm chí bệnh tiểu đường – có rất nhiều lý do để bạn nên hạn chế tiêu thụ muối.

Các chuyên gia khuyên chúng ta chỉ nên ăn 6 gram muối mỗi ngày. Để duy trì lượng muối trong khoảng hàm lượng khuyến cáo hàng ngày, bạn nên thực hiện những điều sau đây:

  • Kiểm tra nhãn sản phẩm để biết hàm lượng muối có trong thực phẩm, điều này giúp bạn kiểm soát lượng muối ăn vào.
  • Sử dụng các loại thảo mộc và gia vị để tạo hương vị cho thực phẩm thay vì muối.
  • Tránh tiêu thụ các loại thực phẩm chứa nhiều muối như các loại thực phẩm chế biến, bánh nướng và súp/nước sốt đóng hộp.

Nước giải khát có ga

Nhiều loại nước giải khát có chứa axit phosphoric. Axit phosphoric có thể làm tăng sự bài tiết canxi qua đường nước tiểu, điều này có thể gây ra vấn đề nếu lượng canxi dung nạp của bạn vốn đã ở mức thấp.

Hạn chế tiêu thụ các loại nước giải khát có ga và thay thế bằng nước lọc và nước ép trái cây.

Caffeine

Caffeine không gây hại như muối, nhưng nó cũng có thể có ảnh hưởng bất lợi đến mật độ xương. Bạn nên hạn chế lượng caffeine dung nạp không quá 300 mg mỗi ngày để đảm bảo rằng bạn nhận đủ lượng canxi từ chế độ ăn uống.

Điều thú vị là trà được cho là ít có hại hơn so với cà phê, bởi vì trà có chứa các hợp chất thực vật giúp bảo vệ xương. Hãy thử chuyển từ cà phê sang trà và uống thật nhiều nước lọc và sữa.

Chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp bạn?

Như chúng ta đã thảo luận trong bài viết này, có nhiều yếu tố có thể gây ra bệnh loãng xương. Cũng có nhiều việc bạn có thể thực hiện để giúp ngăn ngừa loãng xương và xây dựng xương chắc khỏe. Việc quan trọng nhất là chế độ ăn uống.

Đảm bảo chế độ ăn uống đa dạng các loại thực phẩm và cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu cho sức khỏe của xương (như canxi và vitamin D) là rất quan trọng. Nhận được sự hỗ trợ và lời khuyên từ chuyên gia dinh dưỡng có thể làm cho quá trình này đơn giản và rất dễ dàng để duy trì.

Chuyên gia dinh dưỡng được đào tạo bài bản sẽ làm việc với bạn (và bác sĩ của bạn nếu cần thiết) để xây dựng chế độ ăn uống phù hợp cho bệnh loãng xương. Chế độ ăn uống phù hợp giúp cải thiện sức khỏe toàn diện và giữ cho xương chắc khỏe. Nhiều chuyên gia cũng tư vấn về lối sống và các bài tập để hỗ trợ chế độ ăn uống mới này.

Tài liệu tham khảo

http://www.nutritionist-resource.org.uk/articles/osteoporosis.html