Thứ Năm, 21/11/2024
Những vấn đề được quan tâm Bảo vệ nguồn cacbon cho đất

Bảo vệ nguồn cacbon cho đất

 

Trong những bài viết trước, chúng ta đã thảo luận khí nhà kính, tác hại của nó, cách loại bỏ nó khỏi khí quyển thông qua việc tái tạo nguồn cacbon cho đất. Trong bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu cách bảo vệ nguồn cacbon cho đất.

Nguồn cacbon bền vững

Tất nhiên là nếu chúng ta muốn tái tạo một lượng lớn cacbon cho đất, chúng ta cần phải đảm bảo là vi sinh vật không tiêu thụ nguồn cacbon này. Nếu không lượng cacbon này sẽ bị dùng hết và trả lại khí cacbonic vào trong khí quyển. Nhiều nghiên cứu đã phân tích các phương pháp xử lý các hợp chất hữu cơ của đất để xem chúng có thể giúp duy trì lượng cacbon hay không. Một nghiên cứu được thực hiện trong 10 năm đã so sánh việc kết hợp xác bã hữu cơ vào một lô đất và khi loại bỏ chúng trong một lô tương tự khác. Một nghiên cứu khác kéo dài 31 năm so sánh những chu kỳ luân phiên hoặc sử dụng phân bón khác nhau, cho thấy thay đổi lên đến 50% lượng cacbon tái tạo lại vào trong đất. Một nghiên cứu khác so sánh một lô đất có các vụ mùa sau thu hoạch được đốt cháy trong nhiều năm với một lô khác có phần xác cây sau thu hoạch được kết hợp lại vào trong đất. Sau khi kết thúc mỗi nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đo lường hàm lượng chất hữu cơ trong đất và nhận thấy không có sự khác biệt giữa các lô đất mặc dù phương pháp quản lý khác nhau.

Nếu vi sinh vật chỉ đơn giản sinh sôi và tiêu thụ bất kể nguồn cacbon nào có mặt trong đất, chúng ta sẽ chẳng bao giờ thiết lập được hàm lượng cacbon cao hơn trong đất. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy rằng hàm lượng chất hữu cơ trong đất ở mức 6 đến 10 % là thường gặp, và ở một số nơi có thể lên đến 20%. Như vậy cái gì ngăn cản vi sinh vật trong đất phân hủy các hợp chất hữu cơ?

Một dạng cacbon dường như rất bền trong nhiều năm, thậm chí nhiều thế kỷ, đó là đất mùn. Đất mùn bao gồm những phân tử phức tạp chứa cacbon, nhưng nó không dễ bị phân hủy bởi các sinh vật sống trong đất. Các nhà khoa học chưa hoàn toàn nhất quán về việc đất mùn được hình thành như thế nào, hoặc cách mà nó kháng lại sự phân hủy. Một số nhà khoa học tin rằng đất mùn là một hợp chất cacbon có tính chống phân hủy cao được hình thành thông qua quá trình phân hủy rễ cây và các sản phẩm từ rễ cây bởi vi sinh vật.

Một số nhà khoa học khác tin là cơ chế bảo vệ vật lý cho nguồn cacbon trong đất có liên quan đến khả năng chống lại sự tấn công của enzyme từ vi sinh vật thông qua sự “hấp phụ” lên bề mặt các khoáng chất, hoặc “ẩn náu” bên trong các khối “kết cấu đất”. Cơ chế đầu có nghĩa là những liên kết hóa học với các khối đất sét hoặc các phân tử keo của đất đủ mạnh để kháng lại sự tấn công của các enzyme. Cơ chế sau có lẽ bảo vệ các phân tử khỏi sự tấn công của enzyme thông qua ngăn cản oxy và các yếu tố phân hủy khác xâm nhập vào các khối “kết cấu đất”. Vẫn còn một thuyết khác cho rằng không có sự tấn công của vi sinh vật lên nguồn cacbon của đất bởi vì nguồn cacbon này nằm sâu trong lòng đất.

Tuy nhiên, có một quan điểm mới trong giới khoa học cho là nguồn cacbon bền vững này không phải được tạo thành từ xác bã của chất hợp chất hữu cơ trong đất mà là từ các nguồn cacbon lỏng của nó. Quan điểm này cho là đất mùn được tạo ra từ các sinh vật trong đất hơn là sản phẩm của sự phân hủy các hợp chất hữu cơ.

Những nghiên cứu ủng hộ quan điểm này cho là đất mùn là một phức hợp giữa chất hữu cơ và khoáng chất, bao gồm 60% cacbon, khoảng 6-8% nitơ và được liên kết hóa học với các chất khoáng của đất bao gồm photpho, lưu huỳnh, sắt và nhôm. Thậm chí còn có một số bằng chứng cho thấy rằng thành phần của đất mùn là dựa trên những tỉ lệ cụ thể giữa các thành phần chính, không chỉ giữa cacbon và nitơ mà còn giữa cacbon và lưu huỳnh. Một nhà nghiên cứu cho rằng đất mùn chỉ còn thể hình thành trong những khối đất có kích thước micro đặc trưng, giống như khối “kết cấu đất”, trong những khối đất này nguồn nitơ được cố định bởi vi sinh vật còn photpho và lưu huỳnh được hòa tan.

Làm thế nào để tái tạo và ổn định nguồn cacbon cho đất

Khi các nhà khoa học tìm hiểu sâu hơn về các thành phần và các quá trình của vi sinh vật hình thành đất mùn, chúng ta sẽ có sự hiểu biết đúng đắn hơn về cách hỗ trợ quá trình hình thành đất mùn này. Bằng chứng cho thấy rằng xây dựng nguồn hữu cơ cho đất không chỉ đơn giản là bổ sung thêm nguồn hữu cơ vào trong đất. Quá trình này còn giúp tạo thành các cộng đồng vi sinh vật khỏe mạnh và có thể giúp các vụ mùa bội thu. Tuy nhiên để xây dựng nguồn cacbon lâu dài, bạn cần phải làm nhiều việc hơn.

Điều chúng ta cần biết là: Phương thức nào chúng ta cần sử dụng để xây dựng và duy trì nguồn cacbon cho đất?

Luôn trồng cây cho đất

Có lẽ bài học quan trọng nhất là đất trống sẽ oxi hóa nguồn cacbon trong khi cây trồng thì bảo vệ nó. Cây xanh hình thành một rào cản giữa không khí và đất, làm chậm quá trình thất thoát nguồn cacbon bởi vi sinh vật. Xói mòn bởi gió và nước cũng là kẻ thù lớn của nguồn cacbon trong đất, do đó trồng cây là phương pháp bảo vệ tốt nhất chống lại sự xói mòn. Sau cùng, cây trồng không chỉ bảo vệ nguồn cacbon cho đất và còn làm tăng thêm nguồn cacbon cho đất thông qua khả năng quang hợp của chúng. Nói một cách đơn giản, mỗi miếng đất bị bỏ trống – có thể là do nằm giữa các luống cây, do bạn đang canh tác đất, hoặc do bạn đã thu hoạch vụ mùa và để đất trống – đều làm giảm đi nguồn cacbon của đất.

Những phương pháp như là trồng rau vụ đông để che phủ đất hoặc gieo hạt các loại đậu hoặc hoa màu khác rất quan trọng vì chúng giúp tạo ra một lớp hữu ích bao phủ để tăng nguồn cacbon cho đất, chống lại xói mòn, cung cấp dinh dưỡng cho vi sinh vật của đất và tăng khả năng tạo kết cấu đất.

Tốt thiểu canh tác đất

Một trong những phương pháp tái tạo nguồn cacbon khó thực hiện nhất đối với những người trồng trọt hữu cơ là giảm sự canh tác đất. Bởi vì các nhà trồng trọt hữu cơ không sử dụng thuốc diệt cỏ, canh tác đất là vũ khí chính của họ để chống lại cỏ dại. Tuy nhiên canh tác đất lại đem lại nhiều điều có hại. Đầu tiên, nó khuấy trộn đất làm cho đất tiếp xúc với không khí và oxi hóa đi nguồn cacbon. Thứ hai, canh tác đất làm phá hủy đi hệ sợi của nấm rễ mycorrhiza, vốn là vi sinh vật đảm trách quá trình cộng sinh rất quan trọng cho sức sống của cây và giúp tăng cường sự tiết dịch chứa cacbon lỏng. Hệ sợi này là những mạng lưới tinh vi thẩm thấu qua đất để mang nước và chất dinh dưỡng tới rễ của cây. Nghiên cứu cho thấy rằng sinh khối của nấm được gia tăng khi sự canh tác đất giảm đi. Thứ ba, những khối “kết cấu đất” phức tạp được tạo thành từ những dịch tiết ra từ vi sinh vật để bảo vệ các quá trình chuyển hóa hóa học quan trọng như cố định đạm và ổn định nguồn cacbon sẽ bị phá hủy bởi quá trình canh tác đất. Thứ tư, canh tác đất sẽ phá hủy những khoảng không trống bên trong đất, những khoảng không này rất quan trọng trong việc giữ không khí và nước giúp cho vi sinh vật sống sót. Sau cùng, canh tác đất thường được thực hiện với những thiết bị vận hành  bằng nhiên liệu hóa thạch, tạo ra các loại khí nhà kín trong quá trình hoạt động.

Nghiên cứu cho thấy những hệ thống trồng trọt hữu cơ tái tạo được hàm lượng cacbon cao nhất là những hệ thống không sử dụng canh tác đất và có bổ sung nhiều hợp chất hữu cơ, ví dụ như phân bò, vào đất. Những nhà phê bình về quá trình canh tác đất cho biết thậm chí chỉ cần canh tác đất một lần sau một vài năm cũng có thể dẫn tới việc mất đi hầu hết lượng cacbon được tích lũy trong thời gian đó.

Có một số nghiên cứu cho rằng nguồn cacbon trong đất không canh tác không được phân bổ sâu trong lòng đất mà chỉ tồn tại hầu như gần bề mặt. Họ cho rằng đây là vấn đề bởi vì sự hình thành đất mùn và ổn định nguồn cacbon cho thời gian dài dường như xảy ra sâu bên trong lòng đất, gần với lớp đất sét và khoáng giúp nguồn cacbon có thể liên kết với chúng và kháng lại quá trình oxi hóa. Họ cũng tranh cãi rằng những hợp chất hữu cơ của đất được tạo ra dưới điều kiện không canh tác chỉ được kết hợp vào phần đất nằm gần bề mặt và dễ dàng bị oxi hóa khi bị xáo trộn.

Tuy nhiên, những nghiên cứu chỉ ra rằng hợp chất hữu cơ chỉ được tạo thành ở tầng đất nông trong điều kiện không canh tác cũng đồng thời báo cáo quá trình thấm sâu chậm của hợp chất hữu cơ sau 10 đến 15 năm trong cùng điều kiện, có lẽ do quá trình phân hủy hợp chất hữu cơ bị giảm đi và sự hòa trộn của đất trong quá trình dài bởi các sinh vật lớn hơn trong đất.

Có một vài hệ thống hoặc thiết bị hiện đang được thiết kế để giúp các nhà trồng trọt hữu cơ giảm đi quá trình canh tác đất. Có loại máy trồng cây giúp mở một lỗ đất nhỏ vừa đủ để gieo hạt hoặc cây non và lấp đất lại ngay sau đó. Những máy cán bằng con lăn (roller-crimper) được thiết kế để lăn qua và cắt đứt những cây phủ đất cuống dài (cover crop – giúp chống xói mòn đất) trước khi chúng ra bông, giết chết chúng mà không gây ảnh hưởng đến đất. Những vụ mùa thương mại được trồng ngay sau đó bên trên những lớp cỏ này. Không cần nghi ngờ rằng sẽ có rất nhiều sáng kiến được phát triển để giúp nhà nông hữu cơ chống lại cỏ dại mà không ảnh hưởng đến đất. Và hiển nhiên cần phải đạt được nhiều tiến bộ hơn nữa về vấn đề này.

Một phương pháp thay thế khác giúp kiểm soát cỏ dại là sử dụng các tấm che phủ ngăn cản cỏ dại tiếp xúc với ánh sáng. Tấm che phủ đơn giản nhất có thể sử dụng là những tấm bằng nhựa. Tuy nhiên, việc chế tạo những tấm che này thường cần nhiên liệu hóa thạch và việc loại bỏ sau khi dùng thường khó khăn và tốn thời gian. Che phủ bằng những nguyên liệu hữu cơ như là cỏ khô hay xác vụ mùa cắt vụn có thể làm tăng lượng chất hữu cơ dễ phân hủy cho đất và xây dựng nguồn cacbon, tuy nhiên trong đất có vi sinh vật hoạt động mạnh sẽ đòi hỏi bổ sung nguyên liệu liên tục nên có thể gây tốn kém và tốn thời gian. Tuy nhiên, khuyết điểm chính của phương pháp che phủ đó là không thể lấy nguồn cacbon từ khí quyển và cố định nó vào trong đất thông qua quá trình quang hợp được bởi vì chỉ những cây trồng còn sống mới thực hiện được quá trình này.

Cây phủ đất (cover crop – là những vụ mùa được trồng để chống xói mòn đất)

Cây phủ đất rất quan trọng cho trồng trọt hữu cơ nhằm giảm hoặc loại bỏ quá trình canh tác đất, kiểm soát cỏ dại và xây dựng nguồn cacbon cho đất. Những loại cây che phủ lý tưởng là những cây có thể bị tiêu diệt (bởi rét mùa đông hoặc bằng cắt gặt, nghiền nát) trước khi chúng ra hoa, vì vậy chúng sẽ không tạo hạt và mọc thành cỏ dại lần nữa. Quá trình quang hợp của chúng khi còn sống là nguồn cacbon quan trọng cho đất, và lượng sinh khối của chúng sau khi chết cũng trở thành nguồn cacbon cho đất. Những giống cây thuộc họ đậu rất quan trọng trong các vụ cây phủ đất xen canh bởi vì chúng là những cây có rễ sâu, như là loại cỏ lùng (ryegrass) hoặc lúa mạch đen, có thể hút chất dinh dưỡng từ sâu trong lòng đất đồng thời bổ sung nitơ và cacbon trở lại các vùng đất nông hơn.

Ngoài việc tăng nguồn cacbon cho đất, cây phủ đất còn giúp làm giảm sự rò rỉ nitơ và chống lại quá trình xói mòn bởi nước và gió. Chúng cải thiện cấu trúc đất, làm tăng thẩm thấu nước và làm giảm quá trình bốc hơi nước. Chúng cũng cung cấp hàm lượng lignin nhiều so với hầu hết các vụ mùa được thu hoạch, do đó hỗ trợ sự sinh trưởng của nấm rễ mycorrhiza và hỗ trợ sự sản sinh các hợp chất từ nấm như glomalin giúp cải thiện sự kết dính của đất.

Đa dạng hóa và luân phiên vụ mùa

Một chìa khóa quan trọng để hỗ trợ vi sinh vật trong đất chính là tăng sự đa dạng hóa. Dường như có một nguyên tắc tự nhiên là đa dạng hóa sinh học càng nhiều, đất càng khỏe mạnh và phục hồi càng nhanh. Vấn đề này cũng đúng khi xây dựng nguồn cacbon cho đất. (Lal 2004) Bên dưới mặt đất, đa dạng hóa sinh học cho phép mỗi loại vi sinh vật có một ví trí thích hợp trong mạng lưới thức ăn – nấm, tảo, vi khuẩn, giun đất, mối, kiến, giun tròn, bọ cánh cứng, v.v. Phía trên mặt đất, sự độc canh sẽ thu hút các loài phá hoại và bệnh tật, còn đa dạng hóa sẽ ngăn cản các loài phá hoại sinh trưởng và lan tràn. Điều này cũng có thể áp dụng cho cả vụ mùa thông thường và cây phủ đất, khi chúng bao gồm nhiều loại cây trồng khác nhau như cây lá rộng và cây cỏ, giống đậu và giống không thuộc họ đậu, giống mùa khô và mùa ấm, giống cho khí hậu ướt và khô. Bất kể điều kiện nào, giống cây trồng phải có thể phát triển mạnh và giúp quang hợp. Các cây phủ đất dạng “cocktail” (coctail cover crop) là hỗn hợp nhiều loại hạt cây phủ đất khác nhau đã có sẵn trên thị trường để giúp đảm bảo sự đa dạng hóa sinh học.

Luân phiên vụ mùa cũng có lợi cho sự đa dạng hóa sinh học. Luân phiên với các vụ cây phủ đất liên tục có thể giúp rút ngắn thời gian không canh  tác để tái tạo đất giữa các vụ và tăng hoạt tính của enzyme trong đất. Sinh khối vi sinh vật lớn hơn khi các giống cây họ đậu được sử dụng trong quá trình luân phiên.

Chăn thả động vật nhai lại cũng là cách thông thường giúp các nông trại hữu cơ cải thiện hàm lượng chất hữu cơ cho đất. Quá trình chăn thả giúp thúc đẩy sự sinh trưởng của bộ rễ của cỏ, phần sau này sẽ bị vứt bỏ đi, nhờ đó cung cấp nguồn cacbon cho vi sinh vật của đất. Những đồng cỏ và cây qua năm, nếu quản lý tốt, có thể làm tăng nhanh hợp chất hữu cơ. Phân động vật là một trong những sản phẩm có giá trị cho các nông trại hỗn hợp có kích thước nhỏ, chúng giàu nguồn cacbon và vi sinh vật sống giúp ủ đất với những hệ sinh học đa dạng.

Không hóa chất

Sử dụng hóa chất nông nghiệp tổng hợp gây hại đến nguồn cacbon. Những chất độc như thuốc trừ sâu gây chết các vi sinh vật của đất vốn đóng vai trò quan trọng trong việc làm tăng sức sống và khả năng quang hợp của cây. Phân bón hóa học đã được biết là phá hủy các hợp chất hữu cơ của đất. Trong những Thử nghiệm Sử dụng Phân com-pốt (Compost Utilization Trials) của Viện Rodale, việc sử dụng phân com-pốt cho luân canh trong 10 năm giúp cho nguồn cacbon thu được lên tới 1,0 tấn/mẫu/năm. Tuy nhiên, khi dùng phân tổng hợp và không luân canh thì lượng cacbon bị mất đi là 0,15 tấn/mẫu/năm.

Khu đất mang tên Morrow Plots tại trường Đại học Illinois là nơi có một trong những nông trại thử nghiệm được kiểm soát có lịch sử lâu đời  nhất. Các nhà nghiên cứu phân tích dữ liệu thu được trong 50 năm trên các cánh đồng được bổ sung tổng cộng từ 90 đến 124 tấn bã cacbon/mẫu cùng với phân đạm hóa học. Những lô đất này thật sự mất khoảng 5 tấn hợp chất hữu cơ trong đất cho mỗi mẫu trong thời gian thử nghiệm.

Một nghiên cứu cho rằng tác động tiêu cực của phân hóa học lên nguồn cacbon của đất là do nó có xu hướng làm giảm kích thước và độ sâu của rễ cây do nó chỉ được tập trung trong lớp đất nông thay vì đi sâu vào đất giống như là trường hợp các chất dinh dưỡng từ cây họ đậu, khoáng chất hoặc các nguồn tự nhiên khác. Một lý do khác có lẽ là do cây hấp thụ ion ammoni làm giải phóng các ion hydro, do đó axit hóa đất. (Hep- perly) Nguyên nhân thứ ba có lẽ là do sự có sẵn nguồn nitơ tự do làm giảm quá trình tiết ra nguồn cacbon lỏng từ cây để thu được nguồn nitơ từ vi sinh vật. Tuy nhiên, nếu bạn đang dùng phân đạm tổng hợp và muốn ngưng sử dụng, bạn nên cắt giảm từ từ trong vòng 3 đến 4 năm bởi vì cần có thời gian cho các vi khuẩn cố định đạm hình thành trong đất. Ngừng đột ngột việc cung cấp nguồn nitơ có thể dẫn đến sản lượng thấp không mong muốn trong năm đầu tiên.

Đồng cỏ

Chúng tôi đã đề cập trước đó rằng phương pháp trồng cỏ hợp lý là một phương pháp nông nghiệp rất hiệu quả để tái tạo nguồn cacbon cho đất. Một nghiên cứu gần đây về đất trồng đã cho thấy khi thay đổi từ trồng vụ mùa theo hàng sang tập trung trồng cỏ có quản lý thì khả năng tích lũy nguồn cacbon đạt được con số đáng kể 3,24 tấn/mẫu/năm. Con số này tương tự với con số thu được từ việc trồng cỏ Châu Phi rễ sâu trên vùng hoang mạc ở Nam Mỹ, với tốc độ là 2,87 tấn cacbon/mẫu/năm.

Một nguyên nhân của hiệu quả cố định nguồn cacbon bằng phương án trồng cỏ có lẽ liên quan đến việc một vài giống cỏ sử dụng con đường quang hợp C4, tiến hóa riêng lẽ từ con đường C3 thường gặp hơn. Đặc biệt thích nghi với điều kiện ít nước, ánh sáng nhiều và nhiệt độ cao, con đường quang hợp C4 đảm trách khoảng 25-30% tổng lượng cacbon được cố định trong đất mặc dù chỉ có 3% số thực vật ra hoa sử dụng con đường quang hợp này.

Một số người lo lắng về vấn đề nuôi một số lượng lớn động vật nhai lại bởi vì trong quá trình tiêu hóa chúng sử dụng vi khuẩn trong dạ cỏ tạo ra metan, một loại khí gây hiệu ứng nhà kính, sau đó động vật sẽ thở khí metan này ra ngoài. Trong hệ sinh thái, vấn đề này không phải là vấn đề bởi vì có những vi khuẩn sử dụng metan tồn tại trong nhiều loại môi trường khác nhau và chỉ sử dụng khí metan, chúng có thể chuyển hóa khí này một cách nhanh chóng. Trên thực tế, sau vụ tràn dầu của giàn khoan Deepwater Horizon ở vịnh Mexico năm 2010, khoảng 220.000 tấn metan nổi trên mặt nước nhưng nhanh chóng được sử dụng bởi số lượng khổng lồ các vi khuẩn sử dụng metan. Chỉ là khi những động vật nhai lại được nuôi tách rời với đất hoặc nước có hoạt tính sinh học, chẳng hạn như trong trường hợp các trại chăn nuôi hoặc ở những vùng đất được sử dụng hóa chất tổng hợp nặng nề, sự thở ra khí metan từ động vật nhai lại có thể là vấn đề.

Rừng

Cải tạo những vùng đất bị phá hủy thành rừng được đưa ra như là một cách tăng nguồn cacbon cho đất. Giống như những loại cây trồng khác, tốc độ tái tạo nguồn cacbon của đất rừng phụ thuộc vào khí hậu, loại đất, giống và cách quản lý dinh dưỡng. Nghiên cứu cho thấy nguồn cacbon của đất rừng nói chung có tăng một cách khiêm tốn, hoặc trong một số trường hợp, có sự thất thoát. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho rằng quản lý hợp lý cây rừng lấy gỗ cũng có thể đem lại nguồn cacbon khá lớn cho đất. Ngoài ra, bằng những cách khác, tái tạo rừng có thể giúp điều hòa khí hậu và tái tạo vòng tuần hoàn của nước.

Than sinh học

Tiềm năng sử dụng bã than để vừa tăng tính màu mỡ cho đất vừa tái tạo nguồn cacbon gần đây đã thu hút được nhiều sự quan tâm. Nói đến vùng đất terra preta ở vùng Amazon, một loại đất đen từng được con người tác động, làm giàu đất với than hơn 800 năm trước, người ta nghĩ ngay đến những vùng đất rất màu mỡ cho đến tận bây giờ. Những vùng đất khác chứa than là Mollisol, những vùng đất có nguồn gốc đồng cỏ có nhiều ở Bắc Mỹ, Ukaine, Nga, Argentina và Uruguay, là những nơi đã sản xuất ra một phần ngũ cốc quan trọng cho thế giới. Than có trong những vùng đất này là kết quả cửa những vụ cháy đồng cỏ xảy ra từ rất lâu trước đó. Hóa học thật sự của những bã than này chỉ mới được nghiên cứu gần đây. Độ bền và độ màu mỡ của chúng có lẽ có liên quan đến những khoảng không bên trong chúng cung cấp môi trường bảo vệ cho vi sinh vật, hoặc do cấu trúc phân tử của than tạo ra khả năng trao đổi cation lớn (khả năng giữ ion khoáng cần thiết do dinh dưỡng của cây).

Mặc dù than sinh học chưa được nghiên cứu nhiều, các nhà nghiên cứu cho rằng nguồn cacbon sinh khối chuyển hóa thành than sinh học có thể lưu trữ khoảng 50% lượng cacbon ban đầu của nó trong một thời gian dài trong đất, dẫn tới một nguồn cacbon trong đất bền hơn và tồn tại lâu hơn so với những nguồn cacbon không than hóa khác được sử dụng trực tiếp vào trong đất.

Tất nhiên là bất kỳ sự chuyển hóa cacbon thành than hoạt tính nào cũng đều nên được đánh giá về chu kỳ tuần hoàn sống của cacbon bao gồm nguồn cacbon, những vấn đề về sử dụng đất và năng lượng để tiến hành và sử dụng nó. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu cho rằng than hoạt tính là một cách hay để làm ổn định những hợp chất hữu cơ kém bền và dễ phân hủy trong đất.

Mời bạn đón đọc bài tiếp theo Lợi ích của việc tái tạo nguồn cacbon cho đất (8.h.6)

Tài liệu tham khảo

Jack Kittredge, Soil Carbon Restoration: Can Biology do the Job?, Northeast Organic Farming Association/Massachusetts Chapter, Inc. August 14, 2015