Thứ Tư, 20/09/2023
Kết quả nghiên cứu mới Nguy cơ gãy xương ở bệnh nhân tiểu đường

Nguy cơ gãy xương ở bệnh nhân tiểu đường

 

Theo nguồn của Đại học Delaware, ngày 21/08/2015

Tóm tắt: Các nhà nghiên cứu mới đây đã tìm ra mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và sức khỏe của xương. Theo thử nghiệm lâm sàng, các nhà chuyên môn cảnh báo nguy cơ gãy xương tăng cao ở các bệnh nhân tiểu đường.

Bệnh tiểu đường đã ảnh hưởng sức khỏe của gần 30 triệu người Mỹ. Nó có thể gây ra các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm cả bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận và thậm chí bệnh nhân phải cắt cụt chi dưới. Ngoài ra, còn có một biến chứng ít được biết đến nhưng cũng nghiêm trọng không kém của bệnh tiểu đường chính là ảnh hưởng đến xương.

“Thử nghiệm lâm sàng cho thấy nguy cơ gãy xương rất cao ở bệnh nhân tiểu đường.” Liyun Wang, giáo sư kỹ thuật cơ khí tại Đại học Delaware cảnh báo: “Việc gãy xương có thể đe dọa mạng sống. Khoảng một trên sáu bệnh nhân bị gãy xương hông đã tử vong trong vòng một năm sau khi bị chấn thương”.

Nguy cơ gãy xương ở bệnh nhân tiểu đường
Nguy cơ gãy xương ở bệnh nhân tiểu đường

Việc tập thể dục được chứng minh là có thể cải thiện tính chất xương và giảm nguy cơ gãy xương ở những người không bị tiểu đường. Do đó, giáo sư Wang và nhóm nghiên cứu quyết định làm thí nghiệm để xem hiệu quả của việc tập thể dục đối với bệnh nhân tiểu đường tuýp 1.

Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên bài báo “Đáp ứng của xương đối với sự tải cơ học bị suy yếu ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 1”. Bài báo đăng trên tạp chí Bone, được công bố trực tuyến vào ngày 13/07/2015

Giáo sư Wang giải thích rằng osteocytes (tế bào xương hay còn gọi là cốt bào) rất quan trọng để duy trì chất lượng mô và sự toàn vẹn cơ học của xương. Osteocyte có vai trò chính là cảm biến cơ học (mechanosensing), nó điều khiển quá trình thích ứng của xương dưới các tín hiệu cơ học, chẳng hạn như việc tập thể dục.

Giáo sư cho biết: “Chúng tôi nghi ngờ rằng các đáp ứng của xương với sự tải cơ học ở bệnh nhân tiểu đường bị suy yếu bởi sự tổn thương cảm biến cơ học của osteocyte trong điều kiện đường huyết cao”.

Các thí nghiệm trên chuột chứng minh rằng sự tái tạo xương do tập luyện thể chất ở chuột bị tiểu đường nhẹ tương đương với nhóm chuột không bị tiểu đường. Tuy nhiên, việc tập thể dục không có tác dụng đối với nhóm chuột bị tiểu đường nặng. Ở cấp độ tế bào, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng việc tăng đường huyết làm giảm độ nhạy của osteocyte đối với các kích thích cơ học, đồng thời ức chế sự tiết protein và các phân tử dẫn truyền tín hiệu, những hợp chất giúp xương chắc khỏe, của tế bào xương osteocyte.

Giáo sư Wang cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi chứng minh rằng xương của bệnh nhân tiểu đường có phản ứng tích cực với việc tập thể dục trong điều kiện đường huyết không quá cao. Điều này cho thấy rằng những liệu pháp cơ học có thể giúp cải thiện tình trạng xương và giảm nguy cơ gãy xương ở bệnh nhân tiểu đường nhẹ”

“Mặt khác, kết quả của chúng tôi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc  kiểm soát tốt đường huyết ở bệnh nhân, do đó việc tập thể dục có thể giúp duy trì sức khỏe xương”.

Để ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào việc chăm sóc bệnh nhân, đội ngũ của giáo sư Wang bắt đầu cộng tác với Tiến sĩ Jim Lenhard, giám đốc Trung tâm Bệnh Chuyển hóa và Tiểu đường, thuộc hệ thống chăm sóc sức khỏe Christiana.

Tiến sĩ Lenhard cho biết: “Sự suy giảm sức khỏe xương và tăng nguy cơ gãy xương là một trong những biến chứng khó nhận ra nhất của bệnh tiểu đường.” Ngoài ra, ông cũng phát biểu rằng: ”Bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở Mỹ và đa số bệnh nhân tiểu đường đều tử vong vì các bệnh tim mạch này”.

Tài liệu tham khảo

http://www.sciencedaily.com/releases/2015/08/150821141759.htm