
Bản gốc: Báo Sciencedaily, số ra ngày 23 /02/2016
Nguồn thông tin : Đại học Quốc gia Singapore (NUS)
Tóm tắt: Màng bao chitosan tự nhiên được tăng cường đặc tính kháng khuẩn và kháng virus chiết xuất từ hạt bưởi chùm (grapefruit seed extract- GFSE) có thể giúp cải thiện độ an toàn và chất lượng thực phẩm.
Các nhà khoa học của Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đã phát triển thành công một loại vật liệu bao bì thực phẩm thân thiện môi trường trong đó không chứa các chất phụ gia hóa học, bằng cách củng cố màng composite từ chitosan tự nhiên với chiết xuất hạt bưởi chùm (GFSE). Vật liệu bao bì thực phẩm mới này có thể làm chậm sự tăng trưởng của nấm mốc, tăng gấp đôi tuổi thọ cho thực phẩm dễ hư hỏng như bánh mì.
Chitosan, một polymer tự nhiên và có thể được phân hủy sinh học có nguồn gốc từ vỏ tôm và các loài giáp xác khác, có nhiều tiềm năng để ứng dụng trong công nghệ thực phẩm do tính tương thích sinh học (biocompatibility) tốt, không độc hại, thời gian phân hủy sinh học ngắn và khả năng tạo màng tốt. Ngoài ra, chitosan còn có tính kháng khuẩn và kháng nấm. Mặt khác, GFSE là chất chống oxy hóa mạnh và có tính khử trùng, diệt khuẩn, diệt nấm và chống virus.
Phó giáo sư Thian Eng San và nghiên cứu sinh Tan Yi Min từ Bộ môn Cơ khí tại Khoa Kỹ thuật NUS đã dành 3 năm để hoàn thiện công thức tạo ra một màng mới không chỉ giúp ngăn ngừa sự phát triển của nấm và vi khuẩn, mà còn có độ bền cơ học và tính dẻo tương tự như màng polyethylene (PE) tổng hợp thường được sử dụng để đóng gói thực phẩm. Màng composite này đồng thời cũng ngăn chặn tia cực tím hiệu quả, do đó làm chậm sự hư hỏng của thực phẩm do quá trình oxy hóa và các phản ứng phân hủy quang hóa.
Thí nghiệm cho thấy thời hạn sử dụng của mẫu bánh mì đóng gói với màng composite GFSE từ chitosan dài hơn gấp đôi so với bánh mì sử dụng bao bì tổng hợp.
Phó Giáo Sư Thian cho biết: “Người ta quan tâm ngày càng nhiều đến việc phát triển vật liệu bao bì thực phẩm có đặc tính kháng khuẩn và chống nấm, nhằm cải thiện độ an toàn thực phẩm, tăng thời hạn sử dụng và giảm thiểu việc sử dụng các hóa chất bảo quản. Người tiêu dùng cũng đang đòi hỏi vật liệu bao bì phải từ nguyên liệu tự nhiên thân thiện với môi trường và tự phân hủy, mà vẫn cải thiện khả năng bảo quản thực phẩm. Vật liệu bao bì thực phẩm mới mà chúng tôi đã phát triển có tiềm năng là một vật liệu hữu ích trong công nghệ thực phẩm.”
Giải thích thêm về lợi ích của màng composite GFSE từ chitosan, nghiên cứu sinh Tan cho biết: “Tăng tuổi thọ của sản phẩm thực phẩm đồng nghĩa với việc giảm thiểu chất thải thực phẩm, dẫn đến giảm tỷ lệ tổn thất lương thực toàn cầu. Điều này sẽ mang lại cả lợi ích về môi trường và kinh tế. ”
Phó Giáo Sư Thian và nghiên cứu sinh Tan sẽ tiến hành nghiên cứu thêm để cải thiện công nghệ này. Họ sẽ nghiên cứu khả năng phân hủy của màng composite GFSE từ chitosan, cũng như thực hiện nghiên cứu về thời hạn bảo quản của thực phẩm trong điều kiện dễ hư hỏng để xác định tốc độ tăng trưởng của vi sinh vật và những thay đổi chất lượng trong quá trình bảo quản các sản phẩm thực phẩm bằng loại màng này. Ngoài ra họ còn có kế hoạch tìm kiếm cơ hội để thương mại hóa màng composite mới này như một vật liệu đóng gói.
Tài liệu tham khảo:
https://www.sciencedaily.com/releases/2016/02/160223074732.htm