Nguyễn Thị Như Ly – Thực phẩm Cộng đồng https://thucphamcongdong.vn Dự án Thực phẩm Cộng đồng (https://thucphamcongdong.vn/) ra đời với sứ mệnh là cải thiện và nâng cao nhận thức về thực phẩm – dinh dưỡng và sức khỏe của người Việt. Sun, 21 Aug 2022 12:07:16 +0000 vi hourly 1 https://wordpress.org/?v=4.9.23 Ung thư máu có di truyền không? https://thucphamcongdong.vn/ung-thu-mau-co-di-truyen-khong.html Fri, 14 Jan 2022 09:33:43 +0000 https://thucphamcongdong.vn/?p=50095

Một người có thể thừa hưởng các đột biến gen làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư máu...

Bài viết Ung thư máu có di truyền không? được xuất bản tại Thực phẩm Cộng đồng.

]]>

Tất cả các bệnh ung thư đều là kết quả của ít nhất một đột biến gen nào đó. Đúng như lo sợ của nhiều người, một số loại ung thư máu có tính di truyền – Gen đột biến có thể truyền cho thế hệ sau, làm tăng nguy cơ bị ung thư máu của các thành viên trong gia đình. Ngoài ra còn có một vài yếu tố khác ngoài di truyền cũng có thể làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư như hút thuốc, thừa cân hoặc phơi nhiễm với một số chất diệt cỏ và hóa chất.

Xét chung mọi độ tuổi, ung thư máu không thuộc nhóm 5 loại ung thư gây tử vong nhiều nhất hàng năm hay nhóm 5 loại ung thư phổ biến nhất cả ở Việt Nam lẫn trên thế giới. Thế nhưng, đây chính là loại ung thư phổ biến nhất (hoặc nhì tùy giai đoạn) ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên dưới 20 tuổi. Dữ liệu 5 năm gần nhất từ 2013 đến 2017 cho thấy ung thư máu là nguyên nhân gây tử vong nhiều thứ nhì ở nhóm tuổi dưới 20 này, chỉ sau ung thư não.

Bệnh ung thư máu di truyền như thế nào?

Một số bệnh ung thư máu có tính di truyền. Tuy nhiên, việc thừa hưởng gen đột biến chỉ là một trong những yếu tố nguy cơ chứ không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ung thư máu.

Ung thư xảy ra khi các tế bào bất thường phát triển một cách mất kiểm soát (thay vì bị phát hiện và tiêu diệt bởi hệ miễn dịch của cơ thể). Một số đột biến gen (mutation) có thể ảnh hưởng đến cách tế bào ung thư phát triển.

Ví dụ, chúng ta có gen điều hoà giúp kiểm soát sự nhân lên của các tế bào trong cơ thể, ngăn chặn các tế bào nhân lên quá nhanh, giúp bảo vệ một cá thể khỏi bệnh ung thư.

Khi gen này bị đột biến, các tế bào phát triển quá nhanh có thể sẽ không còn bị kiểm soát hiệu quả nữa, dẫn tới sự phát triển của bệnh ung thư.

Cũng cần nhớ rằng thừa hưởng một gen đột biến không có nghĩa rằng người đó sẽ bị ung thư – nó chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư mà thôi.

Thống kê cho thấy thừa hưởng gen đột biến chỉ chiếm 5–10% nguyên nhân gây ra  ung thư. Bên cạnh yếu tố di truyền, các yếu tố khác cũng góp phần làm tăng nguy cơ ung thư của một người.

Bệnh ung thư máu nào có tính di truyền?

Đột biến gen gây ung thư có thể do di truyền hoặc mắc phải (khi các yếu tố môi trường và lối sống của một cá thể dẫn đến sự xuất hiện của đột biến gen mắc phải).

Mặc dù các đột biến mắc phải phổ biến hơn, các nhà nghiên cứu đã tìm ra được một số đột biến gen di truyền có liên quan đến một số bệnh ung thư máu.

Một số đột biến gen di truyền có liên quan đến ung thư máu
Nguồn ảnh: Unsplash

Dưới đây là 3 loại ung thư máu thường gặp có tính di truyền:

Bệnh bạch cầu (Leukemia)

Bệnh bạch cầu là một bệnh ung thư máu bắt đầu từ tủy xương. Sau đó, bệnh sẽ lan sang các cơ quan khác.

Khi một người bị bệnh bạch cầu, tuỷ xương tạo ra nhiều tế bào bạch cầu bất thường (abnormal white blood cell). Đồng thời, tủy xương cũng giảm hoặc không tạo được hồng cầu (giúp vận chuyển oxy) và tiểu cầu (giúp tạo máu đông khi có vết thương hở).

Các loại bệnh bạch cầu nhìn chung được phân loại theo tốc độ bệnh (mạn tính hay cấp tính) và loại tế bào bị ảnh hưởng (tế bào lympho hay myeloid)

Một số loại bệnh bạch cầu có liên quan đến đột biến gen di truyền bao gồm:

  • Leukemia dòng lympho mạn tính (Chronic lymphocytic leukemia – CLL): Bệnh xảy ra khi một số tế bào trong tủy sống phát triển mất kiểm soát thành những tế bào lympho bất thường. Chúng tích tụ trong tủy sống, lấn át các tế bào lành mạnh, sau cùng sẽ đi vào máu và xâm lấn các cơ quan khác.
  • Leukemia dòng tuỷ cấp tính (Acute myeloid leukemia – AML): Đây là một dạng bệnh cấp tính liên quan đến các bạch cầu ngoại trừ tế bào lympho. Ví dụ, bệnh liên quan đến dòng bạch cầu hạt hoặc bạch cầu monocyte.
  • Hội chứng rối loạn sinh tủy (Myelodysplastic syndromes): Là một nhóm các rối loạn do các tế bào máu hình thành không bình thường hoặc hoạt động chức năng bất thường, dẫn đến số lượng của một hay nhiều loại tế bào máu giảm.
  • Bệnh bạch cầu dòng đơn cầu tủy mạn tính (Chronic myelomonocytic leukemia – CMML): Bệnh ung thư này gây ra do tăng trưởng mất kiểm soát của các tế bào đơn cầu (monocyte) chưa hoàn chỉnh. Chúng tích tụ trong tủy xương, lâu dần ảnh hưởng đến việc tạo ra các tế bào máu bình thường. Bệnh CMML xảy ra ở người trưởng thành.
  • Bệnh bạch cầu tuỷ bào thiếu niên (Juvenile myelomonocytic leukemia – JMML): Bệnh này cũng tương tự như bệnh CMML nhưng xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ em.

U lympho (Lymphoma)

U lympho ảnh hưởng đến tế bào lympho, một loại tế bào bạch cầu chống nhiễm trùng.

Khác với ung thư bạch cầu bắt đầu xảy ra ở tủy rồi theo máu lan đi các cơ quan khác, ung thư hạch bạch huyết xảy ra ở hệ bạch huyết – bộ phận của hệ miễn dịch chống các mầm bệnh và “dọn dẹp” các tế bào ung thư.

Khi mắc bệnh u lympho, các tế bào lympho bất thường nhân lên và tích tụ trong các hạch bạch huyết và các mô khác, ngăn cản hệ thống miễn dịch hoạt động bình thường.

Một số loại u lympho có thể di truyền bao gồm:

  • U lympho Hodgkin: bệnh u lympho được phân lại vào nhóm u lympho Hodgkin khi phát hiện thấy một tế bào “khổng lồ” đặc biệt có tên gọi Reed sternberg trong hạch bạch huyết
  • U lympho không Hodgkin: Nếu không tìm thấy tế bào Reed sternberg trong hạch bạch huyết thì sẽ được phân loại vào nhóm u lympho không Hodgkin.
  • Bệnh tăng globulin đại phân tử Waldenstrom (Waldenström’s macroglobulinemia): Một thể tiến triển chậm của u lympho không Hodgkin khi tế bào B tạo ra lượng kháng thể IgM đơn dòng quá mức.

U tủy xương (Myeloma)

U tủy xương ảnh hưởng đến huyết tương, phần chất lỏng của máu.

Các tế bào plasma (một loại tế bào lympho B) bình thường tạo ra các kháng thể chống lại nhiễm trùng. Khi mắc bệnh u tủy xương, các tế bào plasma bất thường không thể thực hiện chức năng này, làm cho suy yếu hệ thống miễn dịch và có thể gây ra thiếu hụt các tế bào hồng cầu, nồng độ canxi cao và suy thận.

Một số loại u tủy xương có liên quan đến đột biến gen di truyền bao gồm:

  • Đa u tủy xương (Multiple myeloma – MM): bệnh này ảnh hưởng đến các tế bào plasma.
  • Tăng sinh tủy ác tính (Myeloproliferative neoplasm – MPN): Tủy xương tăng sinh quá mức, sinh ra lượng lớn các tế bào hồng cầu, bạch cầu hoặc tiểu cầu.

Các yếu tố nguy cơ khác của ung thư máu

Trong khi các đột biến gen di truyền là yếu tố nguy cơ gây ung thư (tăng khả năng mắc bệnh) thì các đột biến gen mắc phải lại là nguyên nhân gây ra hầu hết các bệnh ung thư máu.

Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng khả năng xảy ra đột biến mắc phải.

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh bạch cầu bao gồm:

  • Tiếp xúc với liều lượng lớn bức xạ ion hóa, chẳng hạn như tia X
  • Hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc
  • Tiếp xúc với benzen
  • Hội chứng Down
  • Rối loạn máu, chẳng hạn như bệnh đa hồng cầu
Thuốc lá là tác nhân gây nhiều bệnh, trong đó có ung thư máu
Nguồn ảnh: Unsplash

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh u lympho bao gồm:

  • HIV
  • Nhiễm virus bao gồm Epstein-Barr và virus gây bệnh trên bạch cầu lympho T ở người
  • Tiếp xúc với một số loại thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ
Tiếp xúc với thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ làm tăng nguy cơ mắc ung thư máu
Nguồn ảnh: Unsplash

Các yếu tố nguy cơ đối của u tủy xương bao gồm:

  • Giới tính nam
  • Tuổi từ 45 trở lên
  • Chủng tộc: người Mỹ gốc Phi
  • Béo phì
  • Đã từng hoặc đang phơi nhiễm tia X và các loại bức xạ ion hóa khác

Một người bị ung thư máu có thể sống được bao lâu?

Tiên lượng của một người phụ thuộc vào loại ung thư họ mắc phải, giai đoạn và cách bác sĩ điều trị.

Dưới đây là tỷ lệ sống sót sau 5 năm tương đối của một số bệnh ung thư máu do Hiệp hội Bệnh bạch cầu & Ung thư hạch bạch huyết đã thống kê (tính theo tỉ lệ sống sót sau 5 năm của người mắc bệnh so với người không mắc bệnh):

  • Leukemia dòng lympho cấp tính (acute lymphatic leukemia): 72,1%
  • Leukemia dòng tủy cấp tính (AML): 29,8%
  • Leukemia dòng lympho mạn tính (CLL): 88,6%
  • Leukemia dòng tủy mạn tính (chronic myeloid leukemia): 71,7%
  • U lympho Hodgkin: 89,6%
  • U lympho không Hodgkin: 75,1%
  • U tủy xương: 55,1%

Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là tình trạng của mỗi cá thể không giống nhau. Do đó bệnh nhân nên liên hệ với bác sĩ để được chẩn đoán, điều trị và tư vấn chính xác chứ không nên nghe theo lời truyền miệng trên mạng mà tự chọn lựa các bài thuốc dân gian “thần kỳ”.

Kết luận

Một người có thể thừa hưởng các đột biến gen làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư máu. Nhưng không phải tất cả các bệnh ung thư máu đều di truyền.

Đột biến gen di truyền chỉ gây ra một phần nhỏ các bệnh ung thư. Hầu hết là kết quả của đột biến gen mắc phải do yếu tố môi trường và lối sống gây ra.

Có thể giảm nguy cơ mắc ung thư bằng nhiều cách khác nhau như không hút thuốc, tránh tiếp xúc với thuốc diệt cỏ hay thuốc trừ sâu và duy trì cân nặng vừa phải.

Nguồn tham khảo

https://www.medicalnewstoday.com/articles/is-blood-cancer-hereditary?fbclid=IwAR1PRceoi6QkX7_0hRt_0w5syVZRIpPfxEYBCnBIfal8BnfSdGt4JOGT0xk

https://www.lls.org/facts-and-statistics/facts-and-statistics-overview

https://ungthuvietnam.com/cac-benh-ung-thu/ung-thu-mau/ty-le-mac-ung-thu-ung-thu-mau-o-viet-nam-dang-o-muc-bao-dong.html

https://www.lls.org/facts-and-statistics/childhood-and-adolescent-blood-cancer-facts-and-statistics

https://www.lls.org/

Bài viết Ung thư máu có di truyền không? được xuất bản tại Thực phẩm Cộng đồng.

]]>
Giảm nguy cơ dị ứng thực phẩm cho trẻ nhờ đa dạng hóa chế độ ăn dặm https://thucphamcongdong.vn/giam-nguy-co-di-ung-thuc-pham-cho-tre-nho-da-dang-hoa-che-do-an-dam-7-a-18.html Sun, 23 May 2021 15:16:48 +0000 https://thucphamcongdong.vn/?p=49428

Dị ứng thực phẩm ở trẻ, cách khắc phục qua việc đa dạng hóa chế độ ăn dặm.

Bài viết Giảm nguy cơ dị ứng thực phẩm cho trẻ nhờ đa dạng hóa chế độ ăn dặm được xuất bản tại Thực phẩm Cộng đồng.

]]>

Tình trạng dị ứng thực phẩm ở trẻ ngày càng phổ biến hơn, đặc biệt là giai đoạn những năm đầu đời. Nếu trẻ có cha mẹ hoặc anh chị em ruột dị ứng với thực phẩm nào đó thì nguy cơ trẻ dị ứng với loại thực phẩm đó sẽ cao hơn so với trẻ khác. Một số dị ứng thực phẩm có thể tự khỏi khi trẻ lớn lên (thường vào khoảng 3-5 tuổi), nhưng một số dị ứng khác có thể kéo dài suốt đời, gây ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng cuộc sống.

Vậy làm thế nào để giảm nguy cơ dị ứng thực phẩm cho trẻ? Một số nghiên cứu cho thấy việc cho trẻ ăn dặm đa dạng sẽ là một trong những biện pháp phòng ngừa hữu ích.

Cho trẻ ăn dặm đa dạng thực phẩm

Cho trẻ ăn dặm trong năm đầu đời được xem là một biện pháp để đa dạng hoá chế độ ăn của trẻ. Khi cho trẻ ăn dặm, bạn nên cho trẻ ăn nhiều loại thực phẩm, kể cả thực phẩm có chứa các chất gây dị ứng (Các loại thực phẩm gây dị ứng phổ biến nhất là sữa bò, trứng, đậu phộng, lúa mì, cá,…) Bởi vì ăn dặm đa dạng trong năm tuổi đầu có thể làm tăng hấp thu lượng chất dinh dưỡng quan trọng và tác động tốt đến vai trò và chức năng hệ vi sinh vật đường ruột của trẻ. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu chứng minh rằng sự đa dạng hóa chế độ ăn dặm trong năm đầu đời của trẻ cũng có liên quan đến việc giảm tình trạng dị ứng thực phẩm sau này.

Nghiên cứu PASTEUR/EFRAIM của Carole Roduit và cộng sự là nghiên cứu đầu tiên mô tả cụ thể vai trò và ảnh hưởng của chế độ ăn dặm đa dạng trong giai đoạn đầu đời đối với tình trạng dị ứng thực phẩm. Nghiên cứu này đã đánh giá mối liên quan giữa việc cho trẻ ăn dặm (ngoài sữa mẹ và sữa công thức) trong năm đầu đời và tình trạng mẫn cảm dị ứng cho đến khi trẻ 6 tuổi. Nghiên cứu được thực hiện trên 856 trẻ ở 5 nước thuộc châu Âu (Áo, Phần Lan, Pháp, Đức, Thuỵ Sĩ).

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học chia trẻ thành 2 nhóm dựa trên sự đa dạng trong chế độ ăn dặm của trẻ. Nhóm 1: trẻ có chế độ ăn dặm với 15 loại thực phẩm khác nhau trong 12 tháng đầu đời. Nhóm 2: trẻ có chế độ ăn dặm chỉ với 6 loại thực phẩm chính trong 6 hoặc 12 tháng đầu đời (thực phẩm được coi là thuộc nhóm “thực phẩm chính” khi có trong chế độ ăn của ít nhất 80% trẻ).

Kết quả cho thấy trẻ thuộc Nhóm 2 khi ở độ tuổi 4-6 có nguy cơ nhạy cảm với dị ứng thực phẩm cao hơn trẻ ở Nhóm 1, do trẻ Nhóm 2 có chế độ ăn dặm ít đa dạng hơn trẻ Nhóm 1.

Nghiên cứu của Carole cũng cho thấy dựa trên báo cáo của bác sĩ cho các trẻ trong nghiên cứu đến 6 tuổi, tình trạng dị ứng thực phẩm giảm có liên quan đến việc cho trẻ ăn tăng cường rau/trái cây, ngũ cốc, bánh mì, thịt, bánh ngọt và sữa chua trong vòng 6 hoặc 12 tháng đầu đời.

Ngoài các nghiên cứu trên, Venter và cộng sự gần đây đã báo cáo mối liên hệ giữa việc đa dạng hóa chế độ ăn dặm trong năm đầu đời và tỷ lệ dị ứng thực phẩm ở trẻ giảm trong 10 năm tiếp theo. Việc cho trẻ ăn thêm nhiều loại thức ăn khi trẻ 6 tháng tuổi đã làm giảm 10,8% tỷ lệ dị ứng thực phẩm trong 10 năm đầu đời. Hơn nữa, việc bổ sung mỗi chất gây dị ứng thực phẩm vào chế độ ăn dặm trước 12 tháng đầu giúp giảm đáng kể (33,2%) tỷ lệ dị ứng thực phẩm trong 10 năm đầu đời.

Những nghiên cứu này cũng chỉ ra việc đa dạng chế độ ăn dặm có liên quan đến việc tăng lượng chất dinh dưỡng, bao gồm cả những chất dinh dưỡng có vai trò bảo vệ trong cơ chế dị ứng (axit béo omega-3 và chất xơ không tiêu hóa).

Cho trẻ ăn dặm với thực phẩm bổ sung

D’Vaz và cộng sự cho thấy rằng với những trẻ có nguy cơ bị dị ứng cao, việc bổ sung axit béo omega-3 trong 6 tháng đầu đời có tác dụng ngăn ngừa mẫn cảm, chàm và dị ứng thực phẩm.

Tương tự, Birch và cộng sự đã chứng minh rằng sữa công thức bổ sung axit béo omega-3 cho trẻ sơ sinh khỏe mạnh có khả năng bảo vệ, giúp trẻ chống lại bệnh dị ứng (thở khò khè, hen suyễn, viêm da dị ứng hoặc bất kỳ bệnh dị ứng nào) trong suốt ba năm đầu đời.

Lời khuyên

Dựa trên các bằng chứng hiện tại, chúng tôi khuyên bạn nên cho trẻ ăn dặm thực phẩm đa dạng, bao gồm cả thực phẩm dễ gây dị ứng trong năm đầu đời của trẻ, tùy theo khả năng phát triển não bộ của trẻ, văn hoá và thói quen gia đình. Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới, trẻ nên bắt đầu ăn dặm từ 6 tháng tuổi trở đi. Tuy nhiên ở một số quốc gia, trẻ đã được bắt đầu ăn dặm khi 3-4 tháng tuổi. Với trẻ sơ sinh bị viêm da cơ địa hoặc dị ứng thực phẩm nặng, nên đánh giá y tế trước khi đưa các chất dị ứng thực phẩm thông thường vào chế độ ăn dặm của trẻ. Cho trẻ ăn nhiều loại thực phẩm trong năm đầu đời có thể làm tăng hấp thu chất dinh dưỡng và ảnh hưởng tốt đến thành phần vi sinh vật trong đường ruột của trẻ. Việc hấp thụ axit béo omega-3 và chất xơ có thể đặc biệt quan trọng, nhưng chúng ta cần có thêm thông tin về liều lượng và đối tượng sử dụng.

Tài liệu tham khảo:

  1. Enza D, Diego GP, Marco Ugo AS, Elvira V, Gian VZ, Carina V. The Role of Diet Diversity and Diet Indices on Allergy Outcomes. Front Pediatr. (2020)
  2. Roduit C, Frei R, Depner M, Schaub B, Loss G, Genuneit J, et al. Increased food diversity in the first year of life is inversely associated with allergic diseases. J Allergy Clin Immunol. (2014)
  3. Meyer R, Chebar Lozinsky A, Fleischer DM, Vieira MC, Du Toit G, Vandenplas Y, et al. Diagnosis and management of Non-IgE gastrointestinal allergies in breastfed infants-An EAACI Position Paper. Allergy. (2020)
  4. Venter C, Brown KR, Maslin K, Palmer DJ. Maternal dietary intake in pregnancy and lactation and allergic disease outcomes in offspring. J. Pediatr Allergy Immunol. (2017)

 

Bài viết Giảm nguy cơ dị ứng thực phẩm cho trẻ nhờ đa dạng hóa chế độ ăn dặm được xuất bản tại Thực phẩm Cộng đồng.

]]>
Caffeine trong chế độ ăn uống của trẻ https://thucphamcongdong.vn/caffeine-trong-che-do-an-uong-cua-tre-1-b-c-68.html Wed, 23 Dec 2020 03:17:18 +0000 https://thucphamcongdong.vn/?p=48592

Thực phẩm và đồ uống chứa caffeine ngày càng được sử dụng rộng rãi nhưng chúng ta nên hạn chế tối đa việc tiêu thụ caffeine, đặc biệt là với trẻ nhỏ

Bài viết Caffeine trong chế độ ăn uống của trẻ được xuất bản tại Thực phẩm Cộng đồng.

]]>

Caffeine là gì?

Caffeine là một chất kích thích tự nhiên được tìm thấy trong cà phê, trà, sô cô la và các loại thực phẩm và đồ uống khác.

Caffeine có ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể?

Caffeine được định nghĩa là chất gây nghiện vì có tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương đối với cả trẻ nhỏ và người lớn. Sử dụng lượng nhỏ caffeine giúp chúng ta cảm thấy tỉnh táo và tràn đầy năng lượng.

Thực phẩm và đồ uống chứa caffeine ngày càng được sử dụng rộng rãi nhưng chúng ta nên hạn chế tối đa việc tiêu thụ caffeine, đặc biệt là với trẻ nhỏ.

Đối với cả trẻ nhỏ và người lớn, tiêu thụ quá nhiều caffeine có thể gặp các triệu chứng sau:

  • Lo lắng, bồn chồn
  • Đau dạ dày
  • Đau đầu
  • Mất tập trung
  • Khó ngủ
  • Nhịp tim nhanh
  • Huyết áp cao

Đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, chỉ một lượng nhỏ caffeine cũng có thể gây ra những tác dụng này.

Những vấn đề nào khác có thể xảy ra khi trẻ nhỏ tiêu thụ caffeine?

Sau đây là một vài lí do khác để hạn chế trẻ nhỏ tiêu thụ caffeine:

  • Trẻ thường uống caffeine có trong các loại nước ngọt có ga thông thường. Trẻ uống một hay nhiều hơn một ly nước ngọt có ga mỗi ngày làm tăng nguy cơ bị béo phì 60%.
  • Đồ uống chứa caffeine thường chứa calo rỗng (empty calo) làm cho trẻ cảm thấy no và không thiêu thụ được vitamin và khoáng chất cần thiết từ các nguồn thực phẩm lành mạnh khác. Uống quá nhiều nước ngọt có ga có thể dẫn tới thiếu canxi do ít uống sữa, mà trẻ nhỏ lại rất cần canxi để giúp cho xương và răng chắc khỏe.
  • Nhiều loại đồ uống ngọt có chứa caffeine có thể dẫn đến sâu răng do nhiều đường và làm mòn men răng do nhiều axit.
  • Caffeine là một chất lợi tiểu khiến cơ thể thải nước (thông qua việc đi tiểu), có thể làm cơ thể mất nước. Tốt nhất là tránh dùng quá nhiều caffeine trong thời tiết nóng khi mà trẻ đã mất nhiều nước do tiết mồ hôi.
  • Ngừng sử dụng caffeine một cách đột ngột có thể gây ra triệu chứng cai nghiện (đau đầu, đau cơ và dễ nổi cáu), đặc biệt đối với người đã tiêu thụ nhiều caffeine trước đó.
  • Caffeine có thể gây ra những vấn đề tiềm ẩn về tim mạch và thần kinh mà trẻ nhỏ khó tự nhận ra được.

Độ nhạy với caffeine là gì?

Độ nhạy với caffeine liên quan tới lượng caffeine có thể gây ảnh hưởng đến cơ thể của một người. Trung bình, lượng caffeine cần thiết gây tác dụng phụ là ít hơn đối với người có cân nặng nhỏ hơn. Tuy nhiên độ nhạy với caffeine phụ thuộc nhiều nhất vào lượng caffeine tiêu thụ hàng ngày.

Những người thường xuyên uống đồ uống có chứa caffeine sẽ giảm dần độ nhạy. Điều này có nghĩa là họ cần lượng caffeine cao hơn người ít uống caffeine để có cảm giác do caffeine mang lại. Vì vậy, trẻ nhỏ càng tiêu thụ nhiều caffeine thì độ nhạy với cafein sẽ tăng lên.

Những thực phẩm và đồ uống nào có chứa caffeine?

Caffeine có mặt trong lá và hạt của nhiều loài thực vật. Caffeine cũng có thể được sản xuất nhân tạo và thêm vào một số loại thực phẩm nhất định. Hầu hết lượng caffeine của trẻ nhỏ đến từ các loại nước uống có ga, ngoài ra còn có thể từ cà phê, trà, sô cô la, kem, sữa chua đông lạnh cũng như trong các thuốc giảm đau và thuốc không được kê đơn khác. Thậm chí trà ‘iced tea’ cũng chứa nhiều đường và caffeine như nước ngọt có ga.

Dưới đây là so sánh hàm lượng caffeine của một số thực phẩm:

Sản phẩm Thể tích Lượng Caffeine
Coca-Cola 355 mL 34 mg
Diet coke 355 mL 45 mg
Pepsi 355 mL 38 mg
Trà ‘iced tea’ 355 mL 70 mg*
Sô cô la đen 28.35 g 20 mg*
Sô cô la sữa 28.35 g 6 mg*
Đồ uống sữa sô cô la  236 mL 5 mg*
*lượng tính trung bình

Nguồn: Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm và Hiệp hội Đồ uống Ngọt Quốc gia (Hoa kỳ).

Làm thế nào để giảm tiêu thụ caffeine ở trẻ?

Bạn có thể giúp trẻ duy trì một chế độ ăn uống không caffeine hay không? Hoàn toàn có thể! Cách tốt nhất là loại bỏ nước ngọt có ga ra khỏi chế độ ăn uống hàng ngày của trẻ. Thay vào đó, cho trẻ uống nước, sữa, các loại nước khoáng có hương hoặc những lượng nhỏ nước ép trái cây nguyên chất. Bạn có thể cho trẻ dùng nước ngọt có ga, trà ‘iced tea’ trong một số dịp đặc biệt với điều kiện các loại đồ uống này không chứa caffeine (ví dụ trà đã tách bỏ caffeine). Hãy kiểm tra lượng caffeine có trong sản phẩm bằng cách xem thông tin thành phần ghi trên bao bì.

Cách giảm tiêu thụ caffeine tốt nhất là cắt giảm một cách từ từ. Nếu không, trẻ nhỏ (và cả người lớn) có thể bị đau đầu, nhức mỏi, trầm cảm hoặc trạng thái tinh thần rất xấu. Một số người cắt giảm caffeine có thể cảm thấy mệt mỏi. Đó là cách cơ thể nói rằng cần được nghỉ ngơi. Đừng lo lắng – cơ thể sẽ trở lại bình thường sau một vài ngày.

 

Tài liệu tham khảo

https://kidshealth.org/en/parents/child-caffeine.html?WT.ac=ctg&fbclid=IwAR1MF7rKA7ouJScGm-GiSgFXftsDPOVYRcJp__kO7DT6mp-K7Tjj616JSH4#cathealthy-eating

 

Bài viết Caffeine trong chế độ ăn uống của trẻ được xuất bản tại Thực phẩm Cộng đồng.

]]>
Lựa chọn và bảo quản dầu dừa https://thucphamcongdong.vn/lua-chon-va-bao-quan-dau-dua-1-a-3-11.html Thu, 26 Nov 2020 22:48:13 +0000 https://thucphamcongdong.vn/?p=48437

Dầu dừa được sản xuất bằng cách ép cơm dừa tươi hoặc cơm dừa khô, còn được gọi là cùi dừa. Dầu dừa nguyên chất sử dụng cơm dừa tươi, trong khi dầu dừa tinh luyện thường sử dụng cơm dừa khô...

Bài viết Lựa chọn và bảo quản dầu dừa được xuất bản tại Thực phẩm Cộng đồng.

]]>

Lựa chọn dầu dừa

Dầu dừa được sản xuất bằng cách ép cơm dừa tươi hoặc cơm dừa khô, còn được gọi là cùi dừa. Dầu dừa nguyên chất sử dụng cơm dừa tươi, trong khi dầu dừa tinh luyện thường sử dụng cơm dừa khô. Không giống như dầu ô liu, dầu dừa không dùng thuật ngữ “nguyên chất” (virgin) và “tinh khiết” (extra virgin), không có sự khác biệt đối với các sản phẩm được ghi nhãn bằng hai thuật ngữ này.

“Nguyên chất” hoặc “Tinh khiết” (hai thuật ngữ này có thể thay thế cho nhau): Trong phương pháp “khô”, cơm dừa tươi của trái dừa già được sấy nhanh với nhiệt lượng vừa đủ, sau đó sử dụng máy ép để tách dầu. Trong phương pháp “ướt”, sử dụng máy ép cơm dừa tươi để thu dịch sữa dừa và dầu. Sữa dừa được tách khỏi dầu bằng phương pháp lên men, sử dụng enzym hoặc thiết bị ly tâm. Dầu thu được có điểm bốc khói (smoke point) khoảng 350 độ F, có thể được sử dụng để áp chảo hoặc nướng nhưng không thích hợp nếu chế biến ở nhiệt độ quá cao như quá trình chiên ngập dầu. Bạn cũng có thể thấy các thuật ngữ ghi trên nhãn bao bì của dầu dừa như sau:

Ép máy (Expeller-pressed) – Dùng máy ép dầu từ cơm dừa khô, thường sử dụng hơi nước hoặc nhiệt.

Ép lạnh (Cold-pressed) – Không sử dụng nhiệt trong quá trình ép dầu. Nhiệt độ được giữ dưới 120 độ F. Phương pháp này được cho là giúp giữ lại nhiều dưỡng chất hơn.

Tinh luyện (Refined): Cơm dừa khô được ép bằng máy để tách dầu. Sau đó, dầu được gia nhiệt để khử mùi và “tẩy trắng” bằng phương pháp lọc để loại bỏ tạp chất và vi khuẩn còn sót lại. Ngoài ra, có thể sử dụng dung môi hóa học như hexan để trích ly dầu từ cơm dừa khô. Dầu thu được có điểm bốc khói cao hơn, khoảng 400-450 độ F, và không có mùi vị.

Hydro hóa một phần (Partially Hydrogenated): Một lượng nhỏ chất béo không bão hòa trong dầu dừa được hydro hóa hoặc hydro hóa một phần để kéo dài thời hạn sử dụng và giữ dầu ở trạng thái rắn khi nhiệt độ ấm. Quá trình này tạo ra chất béo chuyển hóa (trans fat), là loại chất béo “không tốt” nên tránh.

Bảo quản dầu dừa

Bảo quản dầu dừa ở nơi tối, thoáng mát trong hộp kín hoặc trong tủ lạnh. Thời hạn sử dụng dầu dừa sẽ khác nhau tùy thuộc vào phương pháp chế biến và bảo quản. Dầu dừa tinh luyện thường để được trong vài tháng, trong khi dầu dừa nguyên chất có thể để được 2-3 năm nếu được bảo quản đúng cách, tránh xa nguồn nhiệt và ánh sáng. Các dấu hiệu hư hỏng của dầu dừa bao gồm hiện tượng lên mốc, ngả màu vàng hoặc có mùi vị “khó chịu”.

Lời khuyên khi chế biến món ăn với dầu dừa

Dầu dừa có nhiệt độ nóng chảy ở 78 ​​độ F. Nếu dầu hóa lỏng khi thời tiết ấm, hãy khuấy đều trước khi sử dụng.

Khi sử dụng dầu dừa thay thế cho bơ thực vật, hãy sử dụng ít hơn 25% so với lượng bơ được ghi trong công thức, bởi vì hàm lượng chất béo rắn trong dầu dừa cao hơn. Hãy sử dụng dầu dừa tinh chế nếu bạn không muốn có mùi dừa.

Hãy xào rau với một thìa dầu dừa nguyên chất để tạo nên hương vị mới.

Hãy thêm một thìa dầu dừa nguyên chất vào nước sốt và cà ri để hương vị đậm đà.

Có thể bạn chưa biết

Philippines là quốc gia sản xuất dầu dừa lớn nhất thế giới, kế đến là Indonesia và Ấn Độ. Các quốc gia tiêu thụ dầu dừa nhiều nhất là Philippines, Liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ và Ấn Độ.

Dầu dừa là một chất dưỡng ẩm hiệu quả cho da và tóc. Bạn có thể sử dụng một lượng nhỏ dầu dừa nhẹ nhàng massage trực tiếp vào da. Đối với tóc khô hoặc tóc xoăn, hãy thoa một lượng nhỏ dầu dừa lên thân tóc và ủ trong thời gian mong muốn (từ vài phút đến qua đêm), sau đó gội sạch.

 

Tài liệu tham khảo

https://www.hsph.harvard.edu/nutritionsource/food-features/coconut-oil/

Bài viết Lựa chọn và bảo quản dầu dừa được xuất bản tại Thực phẩm Cộng đồng.

]]>
Dầu dừa không phải là chất béo hoàn hảo cho sức khỏe https://thucphamcongdong.vn/dau-dua-khong-phai-la-chat-beo-hoan-hao-cho-suc-khoe-1-a-3-9.html Tue, 03 Nov 2020 11:00:08 +0000 https://thucphamcongdong.vn/?p=48314

Khi nhu cầu của người tiêu dùng đối với các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật tăng lên, dầu dừa đã trở thành một lựa chọn cho nguồn dinh dưỡng từ chất béo...

Bài viết Dầu dừa không phải là chất béo hoàn hảo cho sức khỏe được xuất bản tại Thực phẩm Cộng đồng.

]]>

Trong những năm gần đây, dừa và đặc biệt là dầu dừa ngày càng được sử dụng phổ biến bởi những lợi ích sức khỏe được quảng cáo rầm rộ của dầu dừa. Dầu dừa càng được chú ý hơn nữa khi được chính những người nổi tiếng khẳng định có thể giúp đánh bay mỡ bụng, hạn chế sự thèm ăn, tăng cường hệ thống miễn dịch, ngăn ngừa bệnh tim và ngăn ngừa chứng mất trí nhớ và bệnh Alzheimer. Một cuộc khảo sát cho thấy 72% người Mỹ đánh giá dầu dừa “tốt cho sức khỏe”, mặc dù chỉ có 37% chuyên gia dinh dưỡng đồng ý. Dầu dừa được dùng nhiều trong một số chế độ ăn kiêng như chế độ ăn kiêng Keto và chế độ ăn kiêng Paleo.
Khi nhu cầu của người tiêu dùng đối với các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật tăng lên, dầu dừa đã trở thành một lựa chọn cho nguồn dinh dưỡng từ chất béo nhờ hương vị đậm đà với mùi thơm đặc trưng.

Giá trị dinh dưỡng

100% dầu dừa là chất béo, trong đó 80-90% là chất béo bão hòa. Dầu dừa có chứa một số loại axit béo no, vốn là các phân tử nhỏ hơn cấu thành nên chất béo, như axit lauric (47%), axit myristic và axit palmitic (chiếm tỉ lệ thấp hơn) được kiểm chứng là làm tăng cholesterol xấu (LDL).
Dầu dừa không chứa cholesterol, chất xơ và chứa ít các vitamin, khoáng chất, sterol thực vật (chất béo thực vật). Sterol thực vật có cấu trúc hóa học tương tự cholesterol trong máu và có thể giúp ngăn chặn sự hấp thụ cholesterol trong cơ thể. Tuy nhiên, lượng tìm thấy trong một vài thìa dầu dừa là quá ít để có thể mang lại lợi ích đáng kể.

Dầu dừa và sức khỏe

Nhiều công bố khuyến cáo sức khỏe trên dầu dừa đề cập đến nghiên cứu trên một loại dầu dừa đặc biệt với thành phần gồm 100% chất béo chuỗi trung bình (medium-chain triglycerides- MCTs), khác với các loại dầu dừa thông dụng được bày bán trên các kệ siêu thị. Chất béo MCT có cấu trúc chuỗi ngắn hơn các chất béo khác, do đó sẽ nhanh chóng được cơ thể hấp thu và tiêu hóa. Sau khi tiêu hóa, chất béo MCT đi đến gan, nơi chúng ngay lập tức được sử dụng để tạo năng lượng. Về mặt lý thuyết, dạng chất béo được hấp thụ nhanh này thúc đẩy cảm giác no và ngăn ngừa tích trữ chất béo. Dầu dừa chứa hầu hết là axit lauric, không phải là chất béo MCT. Axit lauric được hấp thụ chậm hơn và chuyển hóa giống như các axit béo chuỗi dài khác. Vì vậy, những lợi ích về sức khỏe được báo cáo từ loại dầu dừa đặc biệt chứa chất béo MCT (chứ không phải axit lauric) không thể được áp dụng trực tiếp cho loại dầu dừa bày bán ngoài thị trường.
Mặc dù các nghiên cứu dịch tễ học phát hiện ra rằng các nhóm người sử dụng dừa như một phần trong chế độ ăn uống của họ (ví dụ: Ấn Độ, Philippines, Polynesia) có tỷ lệ mắc bệnh tim mạch thấp, nhưng cũng cần xét thêm các yếu tố liên quan khác như chế độ ăn hoặc các đặc điểm khác. Ngoài ra, loại dừa họ ăn cũng khác với loại dừa được sử dụng trong chế độ ăn uống điển hình của phương Tây. Những nhóm người này không ăn dầu dừa đã qua chế biến, mà ăn toàn bộ dừa như cơm dừa hoặc nước cốt dừa, cùng với một chế độ ăn giàu chất xơ và ít thực phẩm công nghiệp và đồ ngọt.
Một bài tổng quan đánh giá việc sử dụng các sản phẩm từ dừa (dầu dừa, sữa dừa, cơm dừa hoặc kem dừa) bao gồm 21 nghiên cứu quan sát và nghiên cứu lâm sàng.

  • Nghiên cứu dịch tễ học đã quan sát các nhóm người đến từ Samoa, Philippine, New Zealand, New Guinea. Điểm chung là họ đều có thói quen ăn cả trái dừa như một phần của chế độ ăn truyền thống. Nhìn chung, chế độ ăn của họ tương tự nhau: cơm dừa và nước cốt dừa, trái cây tươi, rau và cá. Các nghiên cứu cho thấy những người ăn nhiều dầu dừa hơn đã tăng mức cholesterol HDL có lợi nhưng cũng làm tăng tổng lượng cholesterol và triglycerid.
  • Tám thử nghiệm lâm sàng ngắn hạn kéo dài từ 5-8 tuần với khoảng 9-83 người tham gia kiểm tra tác dụng của việc bổ sung dầu dừa vào chế độ ăn. Khi so sánh với chế độ ăn có bơ hoặc chất béo không bão hòa (dầu ô liu hoặc dầu rum), dầu dừa làm tăng mức cholesterol toàn phần, HDL và LDL nhiều hơn so với dầu không bão hòa, nhưng lại tương đương với bơ. Người ta cũng nhận thấy dầu dừa làm tăng LDL và cholesterol toàn phần ở mức cao hơn hoặc tương đương các chất béo bão hòa khác như mỡ bò và dầu cọ.
  • Các tác giả kết luận rằng: vì dầu dừa cũng tương tự như các chất béo bão hòa khác – làm tăng cholesterol trong máu bao gồm cả LDL và trong một số trường hợp là triglycerid – chúng ta không nên xem nó là thực phẩm tốt cho tim mạch và cần hạn chế trong chế độ ăn.

Trong một phân tích tổng hợp của 16 thử nghiệm lâm sàng, dầu dừa được phát hiện làm tăng cả mức cholesterol LDL và HDL ở những người tham gia, so với các loại dầu thực vật không thu hoạch ở vùng nhiệt đới như hướng dương, cải dầu, ô liu. Dầu dừa làm tăng cholesterol toàn phần lên khoảng 15 điểm, LDL lên 10 điểm và HDL lên 4 điểm. Dầu dừa cũng làm tăng các giá trị này khi so sánh với một loại dầu nhiệt đới khác là dầu cọ: cholesterol toàn phần tăng khoảng 25 điểm, LDL khoảng 20 điểm và HDL tăng 3 điểm. Phân tích không phát hiện ra rằng dầu dừa so với các loại dầu thực vật khác có bất kỳ ảnh hưởng đáng kể nào đến trọng lượng cơ thể, vòng eo hoặc tỷ lệ mỡ trong cơ thể.
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) đã đưa ra một tuyên bố cố vấn khoa học vào năm 2017 để thay thế chất béo bão hòa (bao gồm dừa và các loại dầu nhiệt đới khác) bằng chất béo không bão hòa. Dựa trên đánh giá của bảy thử nghiệm có đối chứng, dầu dừa được phát hiện là làm tăng mức cholesterol LDL. AHA khuyên không nên sử dụng dầu dừa và đề nghị hạn chế tất cả chất béo bão hòa. Đối với những người có nguy cơ mắc bệnh tim, AHA khuyên không nên ăn quá 6% tổng lượng calo từ chất béo bão hòa, tương đương khoảng 13 gam dựa trên chế độ ăn 2000 calo. Một muỗng canh dầu dừa gần đạt đến giới hạn khoảng 12 gam chất béo bão hòa.
Dầu dừa chứa nhiều calo và tổng chất béo như các nguồn chất béo khác (khoảng 120 calo và 14 gam chất béo trên mỗi muỗng canh). Dầu dừa có một hương vị độc đáo và tốt nhất chỉ nên được sử dụng với lượng nhỏ để thỉnh thoảng thay thế cho các loại dầu khác trong nấu nướng nếu bạn đã có một chế độ ăn uống lành mạnh.

Tài liệu tham khảo:

https://www.hsph.harvard.edu/nutritionsource/food-features/coconut-oil/

Bài viết Dầu dừa không phải là chất béo hoàn hảo cho sức khỏe được xuất bản tại Thực phẩm Cộng đồng.

]]>